TP.HCM: Mạnh dạn thay thế cây xanh già cỗi để giảm rủi ro

(PLO)- Giám đốc công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM cho hay công ty sẽ cập nhật kiến thức, hoàn thiện tiêu chí và chia ra nhiều nhóm để đánh giá rủi ro về cây xanh đô thị.

Ngày 7-10, Hiệp hội Công viên Cây xanh Việt Nam phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM tổ chức lễ khai giảng lớp đào tạo chuyên sâu đánh giá và quản trị rủi ro cây xanh.

Dịp này, ông Lê Công Phương - Giám đốc công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM cho biết hội đồng công viên quốc gia Singapore (Nparks) là đơn vị có chuyên môn tốt về cây xanh. Khi tham gia đào tạo sẽ giúp nâng cao kiến thức cho đội ngũ làm công tác đánh giá cây xanh của TP.HCM.

Ông Eric Ong, Giám đốc cây xanh đô thị thuộc Hội đồng công viên quốc gia Singapore (Nparks) - đơn vị thực hiện đào tạo lần này: Ảnh: NC

Quản lý tốt để hạn chế tai nạn từ cây xanh

"Hiện nay, việc đánh giá cây xanh đô thị đang thực hiện chủ yếu bằng kinh nghiệm, quan sát cây trực quan. Qua đào tạo sẽ giúp chúng ta có thêm kiến thức cũng như phương pháp mới để áp dụng vào công tác đánh giá hiện nay" - ông Lê Công Phương nói.

Ông Trần Thiện Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công viên Cây xanh Việt Nam phát biểu tại buổi khai giảng. Ảnh: NC

Ông Trần Thiện Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công viên Cây xanh Việt Nam cho rằng hiện nay cây xanh ở TP.HCM bị rất nhiều ảnh hưởng như hạ tầng, dưới hạ tầng là đường cống, đá sẽ làm cho bộ rễ phát triển hạn chế.

"Chúng ta cần phải nghiên cứu, tính toán quy hoạch lại việc trồng cây xanh đô thị nhằm hạn chế tai nạn cây xanh. Tôi nghĩ trong điều kiện hiện nay, chúng ta phải tính toán sao để quản lý tốt nhất. Nếu để các nguyên nhân gây ảnh hưởng liên tục đến cây xanh thì sự cố cây xanh sẽ xảy ra rất nhiều" - ông Hà đánh giá.

TP.HCM và Singapore có nhiều điểm tương đồng về khí hậu, cả hai nơi đều chịu ảnh hưởng của thay đổi khí hậu toàn cầu. Khi xảy ra biến đổi khí hậu đòi hỏi chúng ta phải có kế hoạch trồng cây xanh để thích ứng với sự biến đổi ấy.

Ông Eric Ong, Giám đốc cây xanh đô thị thuộc Hội đồng công viên quốc gia Singapore (Nparks)

Bắt buộc quản lý tốt cây cổ thụ

Ông Lê Công Phương cho biết hiện nay ở TP.HCM có số lượng khoảng 8.000 cây cổ thụ, cây lâu năm, đây là con số rất lớn.

Với loại cây này khi đánh giá cần có xe thang khoảng hơn 40m trở lên mới thực hiện được. Trong khi xe với kích thước này theo quy định chưa được phép ra vào TP.

Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM cắt tỉa cây xanh tại Công viên Tao Đàn, quận 1. Ảnh: TV

Cũng theo ông Phương, hiện nay công ty có quyết định thành lập tổ kiểm tra đánh giá rủi ro cây xanh đô thị và xây dựng một số tiêu chí để đánh giá rủi ro cây xanh. Sau lớp học này công ty sẽ cập nhật kiến thức, hoàn thiện tiêu chí và chia ra nhiều nhóm để đánh giá rủi ro và cũng sẽ có những định hướng trong việc quản lý cây cổ thụ. Cây nào cần bảo tồn thì có quy trình chăm sóc đặc biệt, cây nào tuổi thọ đã cần có quyết định mạnh dạn xử lý thay thế, trồng mới.

Ông Trần Thiện Hà cho biết ở các nước thường ít cây cổ thụ trên đường phố, những cây cổ thụ thường nằm trong các khuôn viên riêng như công viên. Trong khi đó, nước ta có khá nhiều tuyến đường có cây cổ thụ .

"Chúng ta cần quy hoạch bảo tồn các cây cổ thụ, những tuyến đường có cây cổ thụ phải chăm sóc đặc biệt, những tuyến khác không mang tính chất bảo tồn thì nên nghiên cứu thay đổi sao cho phù hợp nhất. Cây xanh là vật thể sống, vì vậy phải có mức độ tồn tại và thời gian tồn tại. Cây xanh cũng như con người, đến tuổi phải nghỉ hưu" - ông Hà nhấn mạnh.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, TP.HCM đã đưa ra các mục tiêu và giải pháp để phát triển tổng thể lĩnh vực công viên cây xanh giai đoạn 2020-2030.

Theo đó, tính đến tháng 9-2024 TP.HCM đã trồng mới và cải tạo được 38.117/30.000 cây xanh, vượt chỉ tiêu 127%. Thời gian qua, TP.HCM cũng đã ban hành các hướng dẫn chuyên ngành như hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa cây xanh; hướng dẫn lựa chọn và trồng cây xanh đường phố; hướng dẫn ứng xử khi cây xanh nằm trong phạm vi ảnh hưởng của công trình; sổ tay hướng dẫn trồng và chăm sóc cây xanh.

Đồng thời TP đã tiến hành trồng thử nghiệm 15 loài cây mới tại một số vị trí trên địa bàn thành phố, trong đó có một số loài cây phù hợp với không gian, vỉa hè hẹp.

Giai đoạn 2025-2030, TP.HCM dự kiến trồng mới và cải tạo 50.000 cây xanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới