Hình ảnh những cây xanh đô thị bật gốc, đổ ngổn ngang trong bão số 3 vừa qua gây xót xa cho người dân Hà Nội, nhất là khi trong số đó có những cây xanh để nguyên bầu nilon, thậm chí bao xi măng, không đảm bảo kỹ thuật trồng cây xanh đô thị.
Vấn đề này chiều nay, 3-10, đã được đại diện Sở Xây dựng Hà Nội trả lời chính thức, trong cuộc họp báo thường kỳ của UBND thành phố.
Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm hạ tầng thuộc Sở Xây dựng cho biết bão số 3 với cường độ gió mạnh lịch sử đã làm gãy, đổ, hư hại ở mức độ khác nhau tổng số 11.756 cây xanh thuộc quyền quản lý của thành phố.
Quá trình khắc phục sau bão, các đơn vị đã dựng lại tại chỗ 3.513 cây, chuyển về vườn ươm để cứu là 608 cây. Số cây không cứu được là 7.635, đã được cắt khúc chuyển điểm tập kết để đấu giá thanh lý theo quy định.
Trong số cây bị gãy, đổ, hư hại có có 98 cây thuộc loài quý hiếm, tuổi đời lâu năm, có giá trị về văn hoá, lịch sử. Trong đó quý hiếm, giá trị lịch sử nhất là 35 cây thì cứu được 33 cây. 2 cây còn lại không cứu được vì khi đổ thân bị toác sâu xuống gốc...
Về các hình ảnh cây xanh để nguyên bầu bật gốc lan truyền trên mạng xã hội với nhiều ý kiến bình luận trái chiều, ông Hưng cho biết, qua rà soát chỉ có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định. Trong đó 7 cây sử dụng bầu lưới, thuộc diện vật liệu không tiêu hủy và 5 cây bọc nilon, vỏ bao xi măng.
“Các cây bị bọc rễ sai quy định như vậy sẽ không phát triển được, và còn rất dễ đổ. Nhưng vừa rồi cả thành phố đổ hơn 11.000 cây, chỉ thống kê được 12 cây bọc bầu như vậy” – ông Hưng nhấn mạnh.
Mổ xẻ trách nhiệm, ông Hưng cho biết Sở Xây dựng không trực tiếp trồng cây xanh, mà chỉ quản lý nhà nước trong công tác duy tu, duy trì, cắt, tỉa, tưới cây sau khi nhận bàn giao các cây xanh đã trồng từ các dự án hạ tầng do các đơn vị khác thực hiện.
"Lần 12 cây này cũng tiếp tục truy tìm chủ đầu tư, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thực hiện trách nhiệm của mình" – ông Hưng nói.