TP.HCM: mở rộng, nâng cấp đường cần thêm cơ chế mới

(PLO)- Nếu được áp dụng phương thức BOT, nhiều tuyến đường trọng điểm của TP.HCM sẽ sớm có cơ hội triển khai.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong dự thảo Nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết 54, TP.HCM đề xuất làm dự án BOT trên đường hiện hữu để có thêm nguồn lực phát triển hạ tầng. Đây được xem như một giải pháp giúp TP.HCM có thêm lựa chọn về cơ chế, chính sách khi làm dự án hiệu quả, bên cạnh việc dùng hình thức đầu tư công.

Nhiều tuyến đường trọng điểm cần nâng cấp, mở rộng

Quốc lộ (QL) 13, đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu thuộc địa bàn TP Thủ Đức, là tuyến đường huyết mạch ở khu vực cửa ngõ của TP. Đường nhỏ hẹp, mỗi ngày phải “cõng” hàng trăm ngàn lượt xe đi về. Vào giờ cao điểm, lưu thông trên con đường này trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân.

Dù dự án luôn nằm trong danh sách các công trình trọng điểm, cấp bách cần mở rộng, nâng cấp nhưng hơn 20 năm nay dự án này vẫn trong tình trạng “án binh bất động”. Đầu năm 2023, Sở GTVT tiếp tục đưa dự án này vào một trong 33 dự án trọng điểm của TP.HCM trong năm 2023.

Dự án nâng cấp, mở rộng QL13 dài khoảng 5 km từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu, trước đây thuộc dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2, hình thành từ năm 2001. Công trình khi đó được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Năm 2017, Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tạm dừng hình thức BOT trên đường hiện hữu. Vì vậy, việc triển khai các công trình, bao gồm kế hoạch mở rộng QL13 triển khai theo hình thức BOT phải dừng, chuyển sang sử dụng ngân sách.

Tuy nhiên, vì ngân sách hạn chế và còn phải tập trung cho các dự án trọng điểm khác nên dự án này tiếp tục “treo”, khiến giao thông khu vực này càng bức bách. Người dân bị ảnh hưởng bởi dự án cũng khổ sở vì quyền lợi về nhà đất bị ảnh hưởng khi dự án hàng chục năm vẫn chưa triển khai.

Không riêng gì dự án BOT QL13, trước đây Sở GTVT TP.HCM cũng đề xuất năm dự án thuộc các công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT. Đó là các dự án: QL1 (đoạn An Lạc - Long An), cải tạo - nâng cấp QL22, dự án kéo dài trục đông - tây về phía nam nối ra đường vành đai 3, trục đường bắc - nam (đường Âu Cơ - Khu công nghiệp Hiệp Phước), đường động lực (đường song song QL50).

Theo UBND TP, trong bối cảnh ngân sách TP hạn hẹp, không đủ nguồn lực để thực hiện sớm các dự án này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như thu hút đầu tư vào TP. Vì vậy, nếu được phục hồi cách làm dự án BOT trên các tuyến đường hiện hữu sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Quốc lộ 13 đoạn TP.HCM nhỏ hẹp, mỗi ngày phải “cõng” hàng trăm ngàn lượt xe đi về. Ảnh: KC

Quốc lộ 13 đoạn TP.HCM nhỏ hẹp, mỗi ngày phải “cõng” hàng trăm ngàn lượt xe đi về. Ảnh: KC

Thêm lựa chọn để làm dự án

Theo TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, việc TP.HCM đề xuất phục hồi BOT trên đường hiện hữu là rất cần thiết. Vì đây là một trong những phương thức hiệu quả để phát triển hạ tầng giao thông và đô thị ở nhiều nước trên thế giới.

TS Vũ cho rằng thực tiễn TP có rất nhiều tuyến đường đã xây dựng cần nâng cấp, mở rộng trong ngân sách đầu tư công không đáp ứng đủ. Để đầu tư các dự án này thì chúng ta có hai lựa chọn: Hoặc chờ ngân sách đầu tư công (trung hạn năm năm một lần), hoặc theo phương thức BOT trên đường hiện hữu và sẽ thu phí không dừng.

Ông Vũ phân tích phương thức đầu tư phụ thuộc vào chi phí cơ hội của khu vực đó. Chẳng hạn, cầu Nguyễn Khoái nối quận 4 qua khu Nam, nếu làm BOT thì TP sẽ có cầu đó nhanh hơn, khi có cầu nhanh hơn thì hiệu quả kinh tế - xã hội khu vực đó sẽ khác.

“Quan trọng nhất khi phục hồi BOT trên đường hiện hữu sẽ cho chúng ta thêm lựa chọn để thực hiện có hiệu quả các dự án bên cạnh đầu tư công. Hai lựa chọn sẽ tốt hơn một lựa chọn” - ông Vũ đánh giá.

Theo tờ trình của Chính phủ về dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, phần lớn tuyến đường trục chính hiện hữu của TP đã có trong quy hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhưng chưa được triển khai do nguồn ngân sách TP.HCM còn hạn chế. Trong khi đó, Nghị quyết 437 quy định đối với các dự án đường bộ thì không áp dụng hình thức BOT đối với các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện hữu.

Khoản 4 Điều 45 Luật PPP quy định không áp dụng loại hợp đồng thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có.

Theo Chính phủ, quy định như dự thảo nghị quyết để tạo điều kiện cho TP có cơ sở thực hiện thí điểm huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư hệ thống đường bộ hiện hữu, tập trung đối với các tuyến đường trục chính đô thị, kết nối vùng, QL đi qua địa phận TP.HCM. Cụ thể như các tuyến đường QL1, QL13, QL22, đường trục bắc - nam, hoàn chỉnh mặt cắt ngang đường vành đai 2… với quy mô đầu tư mở rộng theo lộ giới quy hoạch đã được phê duyệt, đầu tư đường trên cao.•

Đề xuất tỉ lệ vốn nhà nước trong các dự án PPP giao thông không quá 70%

Theo tờ trình của Chính phủ, với đặc thù các dự án nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu tại TP.HCM là các tuyến đường đô thị, có mật độ xây dựng cao. Đa số dự án được xác định có chi phí giải phóng mặt bằng chiếm tỉ trọng trên 60% trong tổng mức đầu tư (chi phí bồi thường, giải tỏa nhà dân, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội...). Do đó, dự thảo nghị quyết quy định cho phép tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70%, để tăng hiệu quả đầu tư dự án, thu hút nhà đầu tư tham gia, giảm mức chi trả của người dân và đảm bảo tính khả thi thực hiện chính sách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm