Số liệu này được đưa ra tại Diễn đàn kết nối du lịch TP.HCM - đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2019, do Sở Du lịch TP.HCM chủ trì, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) cùng các sở, ngành TP.HCM và các tỉnh, TP ĐBSCL tổ chức sáng 4-9.
Hội nghị đã giới thiệu đến các nhà đầu tư về những tiềm năng phát triển du lịch - thể thao - văn hóa, giải trí của TP.HCM và 13 tỉnh, TP ĐBSCL. Hiện nay tổng cộng có 179 dự án mời gọi đầu tư, trong đó TP.HCM kêu gọi đầu tư vào 51 dự án lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và giải trí với tổng số vốn đầu tư là 1.814 triệu USD, khoảng hơn 39.000 tỉ đồng.
Trong đó, nhóm lĩnh vực văn hóa - thể thao có 37 dự án với tổng nhu cầu vốn 37.223 tỉ đồng, tương đương hơn 1.690 triệu USD; nhóm lĩnh vực du lịch - giải trí có 14 dự án với tổng nhu cầu vốn 2.710 tỉ đồng, tương đương hơn 123 triệu USD.
Cụm du lịch phía đông của vùng ĐBSCL với tổng số vốn là 6.705 tỉ đồng, tương đương 528 triệu USD và 92 dự án của sáu tỉnh, thành cụm du lịch phía tây của vùng ĐBSCL với tổng số vốn đầu tư lên đến 25,5 triệu USD, tương đương hơn 147.000 tỉ đồng.
Nếu khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến, sự liên kết du lịch của 14 tỉnh, thành sẽ phát huy lợi thế của nhau.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết lợi thế liên kết giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL là vừa có sự khác biệt, vừa có tính bổ trợ cho nhau. Sản phẩm du lịch chủ lực của TP là du lịch MICE, du lịch mua sắm, ẩm thực, thể thao, vui chơi giải trí và văn hóa cộng đồng đô thị. Trong khi thế mạnh của ĐBSCL là du lịch sinh thái, miệt vườn, sông nước và biển đảo.
“Vì vậy, nếu khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến thì sự liên kết du lịch của 14 tỉnh, thành sẽ phát huy lợi thế của nhau, giúp nhau mở rộng thị trường, thị phần khách một cách dễ dàng hơn” - ông Vũ nói.
Năm 2018, du lịch TP.HCM và vùng ĐBSCL có sự tăng trưởng mạnh mẽ với 10,9 triệu lượt khách quốc tế và 66,3 triệu lượt khách du lịch nội địa. Riêng khu vực ĐBSCL đã thu hút được 40,7 triệu lượt khách, trong đó có 37,3 triệu lượt khách du lịch nội địa và 3,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng doanh thu du lịch của vùng đạt 24.000 tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2017.
Toàn vùng ĐBSCL hiện có 42 điểm du lịch tiêu biểu, 12 điểm du lịch đang xây dựng, khoảng 53.000 khách sạn, trong đó có 15% khách sạn ba sao trở lên…Thể hiện sự thay đổi từng ngày diện mạo ngành du lịch của TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Ông Vũ cho rằng mức tăng trưởng vẫn còn có sự chênh lệch giữa các địa phương. Nếu tính chung dân số của 14 địa phương, bình quân một năm mỗi người dân trong vùng chỉ đón khoảng 2,8 lượt khách, trong đó chỉ có 0,39 lượt khách quốc tế. Con số vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của cả vùng.
Ngoài ra, còn tồn tại những điểm nghẽn như thiếu cơ sở hạ tầng, trong đó nhiều dự án giao thông kết nối vẫn vô thời hạn, thiếu các đầu tư vào cơ sở hạ tầng văn hóa, giải trí, du lịch ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL để làm mới sản phẩm.
Theo ông Vũ, dù TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL đã liên kết mật thiết nhiều năm qua nhưng vẫn chưa tạo nên một thương hiệu du lịch vùng có bản sắc riêng, đặc biệt chưa thực sự hình thành được những chuỗi sản phẩm du lịch kết nối được lợi thế cạnh tranh của từng địa phương…. Do đó cần có sự kết nối toàn diện hơn, cụ thể hơn và có thời hạn cho từng mục tiêu, kế hoạch...
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC, cho biết du lịch là một trong chín nhóm ngành dịch vụ mà TP.HCM ưu tiên phát triển. Vì thế, ông hy vọng các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tìm hiểu tiềm năng của các dự án cũng như chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư để có chiến lược, kế hoạch đầu tư vào TP, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí.