UBND TP.HCM đã có công văn chỉ đạo quận/huyện, sở/ngành triển khai giải pháp sử dụng camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng. Việc này nhằm thực hiện nghị quyết của HĐND TP về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải rắn trên địa bàn TP và chỉ thị của Ban thường vụ Thành ủy về thực hiện cuộc vận động người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch… Tuy nhiên, theo nhiều quận/huyện, việc xử phạt các trường hợp vi phạm còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Camera giám sát người xả rác bậy
Ông Nguyễn Kiên Trung (Phó Chủ tịch UBND phường 5, quận Gò Vấp) cho biết hiện nay phường vẫn chưa triển khai phạt nguội hành vi xả rác thông qua camera. Trước đây phường đã dùng camera để giám sát hành vi xả rác nhưng những trường hợp bị phát hiện chủ yếu là người đi bộ, không xác định được địa chỉ. Những trường hợp này khi lực lượng chức năng phát hiện và đến để xử lý thì họ đã đi mất.
Theo ông Trung, giải pháp dùng camera để lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng đã có hiệu quả, nhiều trường hợp e ngại camera mà không dám vi phạm. “Phường đặt ba camera ở địa điểm người dân thường xuyên bỏ rác và buôn bán dưới lòng đường. Sau khi biết địa điểm đó có camera, người dân sợ bị phạt nên không buôn bán hay xả rác nữa” - ông Trung nói.
Theo đại diện lãnh đạo phường Đông Hưng Thuận (quận 12), hiện phường cũng dùng camera để giám sát người xả rác. Qua giám sát, nếu phát hiện trường hợp xả rác, phường mới cử người đến hiện trường kiểm tra và xử lý. Theo vị này, việc giám sát qua camera là giải pháp hiệu quả, đây cũng là nguồn thông tin để phường phát hiện nơi nào thường xuyên có người vi phạm để kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, hiện việc phạt nguội thông qua camera của phường vẫn chưa thực hiện.
Hiện tại, phường Đông Hưng Thuận đã thực hiện và vận động lắp đặt hơn 340 camera giám sát về an ninh trật tự, an toàn giao thông, đồng thời phục vụ giám sát, phát hiện để kịp thời xử lý các vi phạm về vệ sinh môi trường. Lực lượng cảnh sát khu vực, các tổ bảo vệ dân phố trực giám sát qua camera, khi phát hiện người xả rác, các đơn vị nhanh chóng triển khai tạm giữ và phối hợp xử lý. “Qua giám sát và tuần tra của lực lượng chức năng phường, từ năm 2019 đến nay, UBND phường đã xử phạt 19 trường hợp vi phạm với số tiền 74,5 triệu đồng. Hiện nay, các điểm rác lưu cữu cơ bản được giải quyết, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. 2/6 điểm rác lưu cữu đang được chuyển hóa trở thành khu sinh hoạt cộng đồng” - vị này cho biết.
Sau một đêm, trụ đèn giao thông trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị xả đầy rác. Ảnh: HOÀNG GIANG
Nhiều khó khăn
Nhiều địa phương cho biết việc áp dụng camera để phát hiện, xử phạt người xả rác là biện pháp tốt, bởi việc xả rác bừa bãi trên đường phố không thể kiểm soát và cũng không đủ người để kiểm soát. Tuy nhiên, công tác này còn gặp khó khăn đó là khó xác định được đối tượng vi phạm, do những người xả rác thường thực hiện vào ban đêm, đeo khẩu trang, đi các loại xe thô sơ. Đặc biệt là khó xác định được địa điểm để đến lập biên bản hoặc trường hợp có tranh cãi nếu camera không xác định rõ được người vi phạm.
Nếu muốn xử phạt qua camera thì cần phải phối hợp thêm với công an phường, trích xuất camera của nhiều tuyến đường để theo dõi người bỏ rác đi hướng nào, nhà ở đâu mới xử lý được. Ông NGUYỄN KIÊN TRUNG, Phó Chủ tịch UBND phường 5, quận Gò Vấp |
Theo ông Vương Kiến Tân (Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Tân, quận Tân Phú), hiện có nhiều trường hợp người ở nơi khác đến bỏ rác ở địa bàn phường Hiệp Tân vào lúc nửa đêm, camera của một số doanh nghiệp cũng ghi nhận được hành vi này nhưng không giữ được đối tượng. Ngoài ra, ông Tân cũng cho biết phường còn gặp khó khăn trong việc thực hiện quyết định xử phạt. “Chúng tôi lập biên bản xong, sau đó tống đạt quyết định về địa phương có người vi phạm. Nếu người vi phạm không chấp hành, chúng tôi cũng rất khó chế tài” - ông Tân nói.
Ông Lâm Thống Nhất (Phó Chủ tịch UBND phường 5, quận 8) chia sẻ: Mặc dù đã tuyên truyền khá nhiều nhưng ý thức của một số người dân và hộ kinh doanh chưa cao nên vẫn bỏ rác không đúng nơi quy định. Một trong những khó khăn khi xử phạt hành vi xả rác qua camera là dù đã xác định được đối tượng vi phạm nhưng khi mời đến làm việc thì đa số đều không thừa nhận hành vi của mình. Đồng thời, mức phạt hiện nay còn quá nhẹ nên chưa đủ răn đe.
Rà soát khu vực thường xuyên có vi phạm để lắp đặt camera UBND TP.HCM vừa yêu cầu UBND các quận/huyện rà soát, xác định các vị trí, khu vực thường xuyên hoặc có nguy cơ vi phạm về công tác bảo vệ môi trường như chợ, trường học, bệnh viện, khu đất trống… để lắp đặt bổ sung camera, thiết bị ghi hình. UBND TP yêu cầu Công an TP chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường phối hợp với công an các quận/huyện hướng dẫn và hỗ trợ công an xã, phường... lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng. Việc này nhằm xác minh nhân thân, lai lịch, hành vi của người vi phạm thông qua hình ảnh trích xuất từ camera để tham mưu, đề xuất UBND các cấp xử phạt theo thẩm quyền. Sở TN&MT TP.HCM phối hợp cùng UBND các quận, huyện và các sở, ngành liên quan nghiên cứu các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, báo cáo đề xuất các giải pháp trình UBND TP có ý kiến chỉ đạo kịp thời… |