TP.HCM nỗ lực tăng điểm chỉ số cải cách hành chính

(PLO)- Để cải cách hành chính được hiệu quả, TP.HCM sẽ tập trung chuyển đổi số, vận hành hiệu quả hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời tăng cường kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu.

Theo kết quả chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và chỉ số cải cách hành chính (CCHC - PAR Index) 2023 được Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố ngày 17-4, TP.HCM đã có những kết quả chuyển biến hơn so với năm 2022. Cụ thể, về SIPAS, TP.HCM đứng thứ hạng 36 (đạt 81.78%) tăng 7 bậc và tăng 3.4%; còn về PAR Index, đạt 86.97, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành, tăng 3 bậc.

Đơn giản hóa thủ tục, giảm khâu trung gian

Chia sẻ về kết quả này, một lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết trong ba năm gần đây, chỉ số PAR Index của TP.HCM có sự chuyển biến tích cực. Tuy vậy, kết quả này chưa cao, chưa đạt như kỳ vọng đã đề ra của chính quyền TP.

Để cải thiện về thứ hạng và điểm số, trong năm qua, TP.HCM đã nỗ lực rà soát tất cả các tiêu chí, tiêu chí thành phần, đồng thời đề ra từng giải pháp phù hợp theo cấu trúc điểm của chỉ số để quyết tâm triển khai thực hiện.

Để cải thiện về thứ hạng và điểm số cải cách hành chính, năm 2023, TP.HCM đã nỗ lực rà soát các tiêu chí, đồng thời đề ra từng giải pháp phù hợp với từng chỉ số để có biện pháp thực hiện hiệu quả. Ảnh: HOÀNG GIANG

TP cũng giao cho các sở, ngành tham mưu theo dõi, báo cáo tham mưu giải pháp, kế hoạch cải thiện điểm số cũng như có trách nhiệm giải trình đối với việc giảm điểm ở một số lĩnh vực như công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số…

“Vừa qua, UBND TP.HCM đã tổng kết công tác CCHC năm 2023, qua đó đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm nâng cao các chỉ số CCHC” – lãnh đạo Sở Nội vụ nói và cho biết TP đang cố gắng đơn giản hóa TTHC, tái cấu trúc quy trình nội bộ, giảm bớt khâu trung gian; đảm bảo tiến độ số hóa hồ sơ, đồng bộ dữ liệu.

Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, thực hiện chuẩn mực quy tắc ứng xử; khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức không dám tham mưu, không dám đề xuất, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Tập trung công tác chuyển đổi số, vận hành hiệu quả hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP.

Thường xuyên đánh giá người đứng đầu

Riêng công tác CCHC, lãnh đạo Sở Nội vụ nhìn nhận TP.HCM phải đột phá vào những khâu trọng yếu để đạt được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

“Đầu tiên, phải thường xuyên kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân; giám sát, phản biện xã hội về kết quả đánh giá, xác định các chỉ số về CCHC” – vị này nói và đề nghị đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền vào từng lĩnh vực cụ thể gắn với công tác kiểm tra, giám sát.

Mặt khác, phải thực hiện hiệu quả việc liên thông, kết nối dữ liệu với các bộ ngành, khai thác Kho dữ liệu dùng chung TP phục vụ tái cấu trúc quy trình TTHC… “Đặc biệt, phải vận hành hiệu quả Bản đồ thực thi thể chế TP làm cơ sở đánh giá trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử của đơn vị” – lãnh đạo Sở Nội vụ nhấn mạnh.

Dù vậy, lãnh đạo Sở Nội vụ nhìn nhận có nhiều lý do khách quan khiến các chỉ số về CCHC của TP.HCM chưa bứt phá rõ nét dù cả hệ thống chính trị đã nỗ lực rất lớn.

Qua rà soát có bốn nội dung là nguyên nhân chủ yếu. Đáng chú ý, về cải cách tổ chức bộ máy và cải cách chế độ công vụ, TP còn khó khăn trơng sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đơn vị sự nghiệp công lập, sử dụng biên chế đúng quy định.

Trong cải cách tài chính công, tiêu chí “Thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước” chưa đạt chỉ tiêu. Trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số có nhiều chỉ tiêu TP chưa đạt theo yêu cầu như cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin giải quyết TTHC, số hóa dữ liệu….

Cán bộ quận Bình Tân thi đua sáng tạo để cải cách hành chính

Năm 2023, quận Bình Tân tiếp tục đứng đầu về chỉ số CCHC ở khối quận, huyện, TP Thủ Đức. Đây là niềm tự hào và cũng là động lực để chính quyền, người dân quận Bình Tân tiếp tục phấn đấu.

Việc cố gắng CCHC không phải để đạt thứ hạng cao nhất mà mục đích là làm sao để người dân hài lòng khi đến làm TTHC tại quận, còn cán bộ, công chức giải quyết công việc tốt hơn.

Năm 2024, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch nhằm khắc phục các hạn chế, phát động thi đua để cán bộ, công chức tiếp tục năng động, sáng tạo, có nhiều cách làm hay. Trong đó chú trọng mục tiêu chuyển đổi số, vận động người dân cùng tham gia với chính quyền, hướng một chính quyền hiện đại, số hoá.

Để làm được điều này, quận xác định phải đột phá vào việc hiện đại hoá nền hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng với nhu cầu và tạo sự thuận lợi tối đa cho người dân. Đồng thời, kết nối, chia sẻ dữ liệu tối ưu trong hệ thống chính trị, giúp giảm thời gian đi lại cho người dân cũng như bớt áp lực cho cán bộ công chức.

Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân PHẠM THỊ NGỌC DIỆU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới