TP.HCM nóng chuyện thu tiền đất, tăng học phí

(PLO)- Đại diện các sở, ngành thông tin về thu tiền sau đấu giá đất ở Thủ Thiêm, tăng học phí, hỗ trợ người lao động thuê nhà…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 19-5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

Tại đây, nhiều vấn đề liên quan đến việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm, tăng học phí, hỗ trợ người lao động (NLĐ) thuê nhà… được đại diện các sở, ngành thông tin.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM (trái) và bà Võ Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý đất, Cục Thuế TP.HCM, thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: LÊ THOA

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM (trái) và bà Võ Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý đất, Cục Thuế TP.HCM, thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: LÊ THOA

Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất ở Thủ Thiêm vẫn chưa nộp tiền

Liên quan đến hai doanh nghiệp (DN) trúng đấu giá đất ở Thủ Thiêm chưa nộp tiền sử dụng đất, bà Võ Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý đất, Cục Thuế TP.HCM, cho biết hai công ty này đã gửi văn bản đến Cục Thuế TP thông tin rằng đang gặp nhiều khó khăn phát sinh.

Theo bà Thủy, sau đó hai công ty hứa nộp 100 tỉ đồng trước ngày 30-4, số tiền còn lại sẽ nộp trong thời hạn 180 ngày theo hợp đồng đấu giá. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Cục Thuế TP vẫn chưa nhận được tiền nộp vào ngân sách từ hai công ty.

Theo đó, trường hợp DN không nộp đúng vào ngày quy định thì sẽ bị phạt số tiền chậm nộp là 0,03%/ngày. Vừa qua, Chi cục Thuế TP Thủ Đức đã ra thông báo tiền nộp và tiền chậm nộp, sau đó vào tháng 5 đã ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản.

Bà Thủy cho biết việc này sẽ có hiệu lực trong 30 ngày, nếu sau ngày đó DN không nộp đủ thì tiến hành các bước cưỡng chế tiếp theo.

Vị đại diện Cục Thuế TP.HCM cũng thông tin vừa qua, tình trạng kê khai giá thấp để trốn thuế trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản diễn ra khá phổ biến, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Trước thực tế trên, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm siết chặt quản lý thuế trong lĩnh vực này và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, để xử lý triệt để việc trốn tránh nghĩa vụ thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo đại diện Cục Thuế TP.HCM, hiện tình trạng kê khai giá thấp để trốn thuế trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản diễn ra khá phổ biến, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Tăng học phí là theo nghị định mới

Tại buổi họp báo, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81/2021 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập… bắt đầu được thực hiện từ năm học 2021-2022, chứ không phải đến thời điểm này mới triển khai.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian có dịch COVID-19, kinh tế TP chưa phục hồi nên tạm thời năm học 2021-2022, được sự đồng ý của HĐND TP, UBND TP, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện thu học phí và hỗ trợ học theo như quy định trước đây.

Theo ông Minh, việc điều chỉnh học phí là theo nghị định, cơ bản ngành giáo dục đã trình UBND TP mức học phí thấp nhất nhằm hỗ trợ học sinh TP.

“Sáu năm liên tục, ngành giáo dục đều tham mưu TP không tăng học phí” - ông Minh khẳng định và cho biết không có Nghị định 81/2021 thì ngành giáo dục cũng không có ý định kiến nghị tăng học phí.

Ông Minh cũng cho biết mức sàn học phí hiện nay là áp dụng nghị định mới (Nghị định 81/2021). Tuy nhiên, ngành giáo dục vẫn tiếp tục trình TP chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh các cấp.

Ông Minh khẳng định việc tăng học phí không ảnh hưởng gì đến chất lượng của ngành, mà tăng chất lượng giáo dục chính là nhiệm vụ chính trị. “Dù có tăng học phí hay không thì phải đảm bảo chất lượng giáo dục để các em trở thành công dân có đầy đủ năng lực, phẩm chất” - ông Minh nhìn nhận.

Sẽ tiêm vaccine mũi 4 càng nhanh càng tốt

Về lĩnh vực y tế, bà Lê Thị Huỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện nay các quận, huyện và TP đang tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho trẻ 5-11 tuổi và tiêm mũi 1 cho trẻ chưa tiêm đợt đầu.

Đối với tiêm vaccine mũi 4, các quận, huyện đang triển khai theo kế hoạch của UBND TP. Bà Như thông tin Bộ Y tế không có quy định thời gian hoàn tất việc tiêm mũi 4, các địa phương sẽ căn cứ vào số người đủ điều kiện tiêm chủng, nhất là đúng khoảng cách.

“TP.HCM sẽ căn cứ vào lượng vaccine được cung cấp và nhân lực để xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho người dân trên địa bàn theo nguyên tắc ưu tiên cho các nhóm đối tượng, bao phủ càng nhanh càng tốt” - bà Như nói và thông tin trường hợp quận, huyện không đảm bảo nhân sự thì Sở Y tế và Trung tâm 115 sẽ điều phối thêm.

Gần 1,2 triệu người lao động sẽ được nhận hỗ trợ

Liên quan đến chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết dự kiến TP.HCM có gần 1,2 triệu NLĐ được hỗ trợ với tổng kinh phí dự toán là hơn 2.000 tỉ đồng.

Gồm hơn 987.000 NLĐ đang làm việc tại DN và hơn 205.000 NLĐ quay lại thị trường lao động.

Ông Lâm cho biết sau khi kinh phí được TP phê duyệt thì sẽ được chuyển về quận, huyện, TP Thủ Đức và chuyển về tài khoản của các DN để DN chi trả cho NLĐ theo quy định không quá hai ngày.

Thông tin từ BHXH, đến giờ này có 1.439 đơn vị DN đã gửi hồ sơ, duyệt khoảng 15.000 người.

“NLĐ chỉ cần có đơn xác nhận của chủ nhà trọ, nộp cho DN lập danh sách gửi BHXH, sau đó BHXH xác nhận, gửi UBND quận, huyện phê duyệt thôi” - ông Lâm thông tin và cho biết việc xác nhận của chủ nhà trọ là cơ sở để DN lập danh sách. Trong đó, yêu cầu tiên quyết là người sử dụng lao động, NLĐ và người cho thuê trọ phải trung thực, khách quan, chính xác; tránh trường hợp trục lợi chính sách.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm