TP.HCM sẽ khảo sát hơn 46.000 căn nhà ven kênh

(PLO)- Theo kế hoạch của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, dự kiến sẽ thực hiện điều tra toàn bộ thửa đất, căn nhà đối với các hộ gia đình, cá nhân hiện đang là chủ sở hữu đất, nhà hoặc đang cư trú tại nhà ở trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn TP với khoảng 46.452 căn.

Việc di dời, giải tỏa nhà ven kênh rạch sẽ giúp cải tạo môi trường, chỉnh trang đô thị, đặc biệt là với một đô thị lớn như TP.HCM.

Chính vì vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM đã giao Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP tiếp tục chủ động rà soát, hoàn thiện kế hoạch, đặc biệt là phiếu khảo sát, bảng câu hỏi và áp dụng công nghệ phục vụ khảo sát, điều tra nhà ven kênh.

Kết quả khảo sát là cơ sở để Chủ tịch UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chốt số liệu để tăng cường công tác quản lý địa bàn, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng không phép trong phạm vi ranh di dời giải tỏa nhà ven kênh.

Mới đây Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã đưa ra kế hoạch điều tra nhà ở trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM.

Nhà ven kênh Đôi (quận 8, TP.HCM). Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Đẩy nhanh thực hiện di dời nhà ven kênh

Chủ tịch UBND TP.HCM vừa qua đã có chỉ đạo liên quan việc xây dựng đề án di dời toàn bộ nhà ven kênh trên địa bàn TP và thực hiện chỉnh trang đô thị, khai thác quỹ đất phát triển kinh tế.

Mục tiêu được đưa ra của đề án là phấn đấu và quyết tâm đến năm 2030 phải cơ bản di dời, bố trí tái định cư toàn bộ cho khoảng 46.452 căn hộ trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn TP. Đồng thời khai thông dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường, thực hiện chỉnh trang đô thị, khai thác quỹ đất phát triển kinh tế.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, TP xác định có hai nhiệm vụ trọng tâm là di dời, tái định cư cho toàn bộ các hộ dân trên và ven sông, kênh, rạch và thực hiện chỉnh trang đô thị, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển kinh tế.

Căn cứ mục tiêu và nhiệm vụ nêu trên để xác định tiêu chí, phạm vi và danh sách các hộ dân bị ảnh hưởng (xác định hộ dân phải di dời thuộc ranh giải tỏa trên và ven sông, kênh, rạch và các hộ dân thuộc phạm vi thực hiện chỉnh trang đô thị, khai thác quỹ đất phát triển kinh tế).

Với quan điểm xây dựng chính sách bồi thường, hỗ trợ theo hướng đối với nhà, đất đủ điều kiện sẽ bồi thường theo giá thị trường và vận dụng tối đa chính sách hỗ trợ theo quy định để thực hiện di dời, giải tỏa nhà, đất trong phạm vi thực hiện đề án di dời nhà ven kênh. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy hoạch... để tổ chức thông tin, tuyên truyền và vận động nhân dân đồng thuận, ủng hộ thực hiện đề án.

Trao đổi với pv PLO, TS Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết việc di dời nhà ven kênh là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết nhằm giải quyết đồng thời nhiều vấn đề cho TP.HCM.

Các vấn đề mà ông Hải nêu có thể kể đến như: giảm ô nhiễm môi trường trên và hai bên bờ sông, kênh, rạch; khơi thông dòng chảy và sông, kênh, rạch để giảm ngập nước; chỉnh trang và cải tạo đô thị; nâng cao chất lượng sống của người dân thông qua việc tạo ra các không gian xanh và các tiện ích xã hội hai bên bờ sông, kênh, rạch.

"Để thực hiện đề án di dời nhà ven kênh cần có một cuộc điều tra xã hội học với quy mô lớn, được tiến hành một cách khoa học và khẩn trương, dựa trên nền tảng dữ liệu địa chính, nhà ở và dân cư của các địa phương. Kết quả của cuộc điều tra xã hội học này sẽ làm cơ sở cho việc lập đề án và đưa ra các giải pháp phù hợp về quy hoạch, đất đai, nhà ở, tài chính…", TS Phạm Trần Hải nói.

TP.HCM có khoảng 48.143 căn nhà trên và ven sông kênh, rạch. Trong đó, có chín dự án đã và đang triển khai thực hiện di dời, giải tỏa để chỉnh trang đô thị, cụ thể là đã bồi thường, giải phóng mặt bằng 1.149 căn, đang tiếp tục thực hiện 243 căn.

Hiện TP còn khoảng 46.452 căn nhà trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn TP chưa triển khai thực hiện, chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Khảo sát, điều tra tại 17 quận, huyện và TP Thủ Đức

Theo kế hoạch của Viện Nghiên cứu phát triển TP, dự kiến sẽ thực hiện điều tra toàn bộ thửa đất, căn nhà trên và ven sông, kênh, rạch đối với các hộ gia đình, cá nhân hiện đang là chủ sở hữu đất, nhà hoặc đang cư trú tại nhà ở trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn TP với khoảng 46.452 căn.

Cụ thể là tập trung tại địa bàn 17 quận, huyện như quận 4, 5, 6, 7, 8, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân; huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ và TP Thủ Đức.

Ranh giới phạm vi điều tra cần xác định là các thửa đất, căn nhà nằm trong hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch trên địa bàn TP. Điều tra mở rộng một phần trong tất cả các thửa đất, căn nhà khác nằm trong hành lang mở rộng biên hoặc trong khu vực dự kiến thực hiện các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị do các quận, huyện, TP Thủ Đức. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến là hơn 8,6 tỉ đồng.

Viện Nghiên cứu phát triển TP giao trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế là đơn vị trực thuộc Viện đã có kinh nghiệm tư vấn, triển khai khảo sát thực tế tại dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc các sở ngành chức năng, các đơn vị thuộc các quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện khảo sát.

Viện cũng giao Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị phối hợp, hỗ trợ công tác chuyên môn liên quan đến đô thị, môi trường, địa chính, đất đai và pháp lý; Phòng Nghiên cứu văn hóa-xã hội phối hợp, hỗ trợ công tác chuyên môn liên quan đến các vấn đề về di cư, y tế, giáo dục và các vấn đề xã hội.

Thí điểm di dời, bố trí tái định cư cho nhà ven kênh

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi vừa có chỉ đạo liên quan dự thảo thí điểm đề án di dời, bố trí nhà tái định cư, nhà ở xã hội cho các hộ dân trên và ven sông, kênh, rạch kết hợp chỉnh trang đô thị trên địa bàn quận 8.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng hoàn thiện khung đề án của TP, trong đó các nêu rõ các nội dung: tổng số căn nhà phải giải tỏa, di dời trên toàn địa bàn TP, phạm vi giải tỏa, quan điểm, nguyên tắc, tiêu chí thực hiện và UBND quận 8 là đơn vị thực hiện thí điểm vào năm 2024 và UBND quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ tập trung triển khai thực hiện vào năm 2025.

Sở Kế hoạch và đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, chuẩn bị nguồn vốn để bố trí kịp thời cho các dự án tái định cư và dự án nhà ở xã hội theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới