Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo liên quan tiến độ xây dựng các nhà máy giết mổ công nghiệp và gia hạn thời gian hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.
Sử gia cầm giết mổ không hợp vệ sinh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Ảnh: NV |
Từ những khó khăn, vướng mắc của các nhà máy giết mổ công nghiệp và thực trạng hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn. Hơn nữa là đảm bảo tốt điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, UBND TP chấp thuận gia hạn thời gian hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc thủ công trên địa bàn TP đến 31-3.
TP cũng đồng ý gia hạn thời gian hoạt động của trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn (cơ sở giết mổ bằng dây chuyền công nghiệp) đến ngày 31-12 để hoàn tất công tác di dời về nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm của tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên tại xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi.
Để đảm bảo việc triển khai thực hiện chấm dứt hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc thủ công theo đúng tiến độ, UBND TP.HCM giao UBND các quận, huyện tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường, hoạt động vận chuyển và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Cạnh đó, UBND các quận, huyện phải quyết liệt đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ lậu, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm không kiểm soát, không rõ nguồn gốc trên địa bàn làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân.
Sở NN&PTNT được giao chủ trì, phối hợp với các địa phương làm việc với các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp trên địa bàn TP. Từ đó có báo cáo, đề xuất UBND TP có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng dự án, nhằm nâng dần công suất giết mổ công nghiệp. Đảm bảo trong năm 2023 các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp phải hoạt động đạt từ 80 - 100% công suất theo thiết kế. Thời gian thực hiện chậm nhất là tháng 3-2023.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT còn được giao chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức đoàn kiểm tra việc chấp hành ngưng hoạt động tại các cơ sở giết mổ gia súc thủ công đảm bảo đúng theo thời gian quy định. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các trường hợp còn tổ chức giết mổ thủ công sau khi đã hết thời gian gia hạn.
Các đơn vị có liên quan tiếp xúc, làm việc với các cơ sở giết mổ gia súc thủ công để vận động chuyển hướng sản xuất sang hợp tác gia công giết mổ tại các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, bố trí, hỗ trợ tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề cho lực lượng lao động dôi dư khi ngưng hoạt động cơ sở giết mổ thủ công. Thời gian thực hiện trong tháng 2-2023.
Giết mổ gia súc, gia cầm là một bước rất quan trọng trong quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng thực tế hiện này còn không ít người kinh doanh, người tiêu dùng còn xem nhẹ quy trình xử lý này.
Theo bác sĩ BS CKII Nguyễn Khắc Vui, nếu chúng ta sử dụng những gia cầm, gia súc bị giết mổ ở nơi mất vệ sinh thì thịt sẽ có nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn gây bệnh.
Nếu không chế biến đúng cách, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm số lượng lớn vi khuẩn như E.coli, Salmonella gây bệnh cho con người. Bên cạnh đó, những loại vi khuẩn này hoàn toàn có thể bị nhiễm chéo trong quá trình chế biến thịt tươi thông qua dụng cụ như thớt, dao, chậu rửa...
Chính vì vậy, người dân nên chọn mua gia cầm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chọn nơi đảm bảo an toàn trong khi giết mổ để đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình.