Ngày 30-12-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó yêu cầu TP thực hiện “Thí điểm chính sách mang tính đột phá để TP chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển”.
Trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị và Nhân dân TP.HCM tích cực triển khai thi hành Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, cùng nhìn lại chủ trương thí điểm chính sách của Đảng, Nhà nước ta nói chung và quá trình thực hiện các chính sách thí điểm trên địa bàn TP.HCM trong thời gian vừa qua nói riêng, trên cơ sở đó đề xuất một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng, thực hiện thí điểm chính sách đặc thù phát triển TP trong giai đoạn mới.
Đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM Đỗ Đức Hiển. Ảnh: Quochoi |
Thí điểm, làm thử là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta
Thể chế, chính sách là một trong những công cụ hàng đầu trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức tốt các lĩnh vực của đời sống xã hội. Một trong những yêu cầu cơ bản trong xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách là bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của chính sách.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các quan hệ xã hội không ngừng thay đổi, làm mới, từ đó phát sinh các yêu cầu quản lý, điều chỉnh bằng chính sách, pháp luật. Quá trình chuyển đổi trạng thái của các quan hệ xã hội là một quá trình thường xuyên, liên tục, trong khi đó, chính sách, pháp luật cần có tính ổn định tương đối nhằm định hình sự phát triển. Bởi vậy, thí điểm, làm thử là cơ chế cho phép đề ra những nội dung chính sách mới, khác với quy định chung và được áp dụng trong phạm vi hẹp với tính chất thử nghiệm, từ đó rút kinh nghiệm trước khi điều chỉnh chính sách chung áp dụng trong phạm vi rộng.
Việc thực hiện thí điểm, làm thử là bước đi thận trọng, chắc chắn, vừa không phá vỡ tính thống nhất, đồng bộ của thể chế chính sách chung, vừa bảo đảm tính kịp thời, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn, từng thời điểm. Thí điểm, làm thử còn được coi là bước đệm nâng chính sách, pháp luật lên một chuẩn mới.
Thí điểm, làm thử không phải một chủ trương mới mà đã được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng ta qua các thời kỳ. Ngay từ Hội nghị Trung ương 3 khoá IV về nhiệm vụ kinh tế năm 1978, Đảng ta đã chỉ đạo “làm thật tốt các thí điểm hợp tác xã sản xuất nông nghiệp”.
Hội nghị Trung ương 6 khoá IV năm 1979 xác định, “trong việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở miền Nam, phải nắm vững phương châm tích cực và vững chắc, hiện nay phải nhấn mạnh vững chắc. Ở những nơi đã có hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất, phải kịp thời củng cố. Tổ chức nông dân vào hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất, phải theo đúng ba nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Ở những nơi chưa tổ chức nông dân sản xuất tập thể, phải chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý ở cơ sở, đưa nông dân từ những hình thức vần công, đổi công, tổ đoàn kết sản xuất lên hình thức tập đoàn sản xuất và hợp tác xã; chống tư tưởng chủ quan, nóng vội, cưỡng ép mệnh lệnh, làm ồ ạt, gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống nhân dân”. Đây là tiền đề cho việc thực hiện các mô hình thí điểm, các quyết định được coi là “xé rào, đột phá” trước thời kỳ đổi mới .
Báo cáo về xây dựng Đảng của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V về nội dung đổi mới phương thức làm việc đã đề ra yêu cầu "những vấn đề mới, khó, phức tạp và đặc biệt quan trọng thì cần được Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo làm thử, lấy kết quả thực tế của việc làm thử mà ra quyết định”.
Trong điều kiện thực tiễn thời điểm đó, cơ chế làm thử là cần thiết, kịp thời giải quyết những yêu cầu cấp thiết của cuộc sống, đồng thời cung cấp những cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc hoạch định đường lối, chính sách. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được khởi động từ Đại hội VI (năm 1986) cũng bắt nguồn từ chính những tư duy, cách làm đột phá, sáng tạo trong thực tiễn và được khẳng định.
Khi đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội xuất hiện nhiều vấn đề khó, phức tạp, đòi hỏi thận trọng trong từng bước triển khai, Đảng ta tiếp tục xác định thí điểm là việc cần làm, từ đó cung cấp cơ sở thực tiễn vững chắc để Nhà nước tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp thực tế.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước, Hội nghị Trung ương 5 khóa X đã ban hành Nghị quyết 17/NQ-TW về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, trong đó đã đề ra phương hướng: “Thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Qua thí điểm sẽ tổng kết, đánh giá và xem xét để có chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp về tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp”.
Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng yêu cầu “Những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; những việc mới, chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; những việc chưa rõ, phức tạp, nhạy cảm, còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để có chủ trương, giải pháp phù hợp”.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng XIII thông qua đã đặt ra yêu cầu: “Cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới”. Ảnh: TTXVN |
Nhằm hoàn thiện nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng XIII thông qua cũng khẳng định cần xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường... Đồng thời, nhằm phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chiến lược cũng đặt yêu cầu: “Cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới”.
Để tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thí điểm, trên cơ sở các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về cơ chế thực hiện các mô hình thí điểm, làm thử từng bước được hoàn thiện.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định Quốc hội có thẩm quyền ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.
Nghị định 39/2022 ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ (thay thế Nghị định 138/2016) quy định Chính phủ thảo luận và quyết định thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Thành viên Chính phủ chủ động, tích cực, kịp thời đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, các chủ trương, cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật cần thiết để sửa đổi, bổ sung, ban hành, việc thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đối với những vấn đề mới chưa quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đó, trong thời gian qua, nhiều chính sách quan trọng đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng ban hành dưới hình thức thí điểm trong phạm vi hẹp để rút kinh nghiệm, đánh giá những ưu điểm nhược điểm, những khó khăn, điểm yếu cần phải khắc phục trước khi quyết định triển khai trên phạm vi rộng hơn.
Như vậy, có thể thấy thí điểm, làm thử là một chủ trương, đồng thời cũng là một công cụ chính sách đã được Đảng ta áp dụng trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, đặc biệt phát huy hiệu quả trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế.
Thông qua thí điểm, làm thử, chính sách được đưa vào thử nghiệm, bước đầu được thực tiễn kiểm nghiệm, cung cấp bằng chứng cho việc nghiên cứu, xây dựng thể chế, chính sách chung. Thí điểm, làm thử một mặt hạn chế rủi ro trong quá trình đổi mới, mặt khác cũng góp phần vào quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật, bảo đảm tính ổn định, lâu dài.
TP.HCM là một trong 10 tỉnh, TP trực thuộc trung ương được lựa chọn thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên diện rộng. Ảnh: HOÀNG GIANG |
TP.HCM là địa phương đi đầu trong thí điểm nhiều chính sách
TP.HCM là đô thị loại đặc biệt, là TP lớn nhất Việt Nam về dân số và kinh tế, đứng thứ hai về diện tích, đồng thời cũng là một trong những trung tâm kinh tế và văn hóa, giáo dục quan trọng của cả nước. Trong quá trình phát triển, TP.HCM luôn là đơn vị tiên phong trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách thí điểm. Điều này xuất phát từ chính nhu cầu và đặc trưng riêng có của TP.HCM.
Cụ thể, TP.HCM là đơn vị hành chính lớn với dân số hơn 10 triệu người, tổng diện tích hơn 2.095 km2. Với quy mô cùng với tính đa dạng về các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội, các quan hệ xã hội trên địa bàn TP có thể đại diện cho các quan hệ xã hội trong phạm vi cả nước. Bởi vậy, việc lựa chọn TP.HCM là đơn vị thực hiện thí điểm các chính sách mới bảo đảm tính đại diện, cho phép khái quát hoá một cách tổng thể, làm cơ sở để nghiên cứu, điều chỉnh chính sách áp dụng trong phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó, TP.HCM là đô thị có tốc độ tăng trưởng đứng hàng đầu của Việt Nam và trong khu vực. Tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng đồng nghĩa với việc các quan hệ xã hội thường xuyên biến động, hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội có điều kiện phát sinh các vấn đề mới, phức tạp, chưa được điều chỉnh trong các chính sách chung, từ đó có nhu cầu được điều chỉnh bởi các cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù.
Từ nhu cầu và đặc trưng riêng có của TP như đã nêu trên, trong giai đoạn từ Đổi mới đến nay, TP.HCM luôn là địa phương đi đầu trong việc đề xuất và thực hiện các mô hình thí điểm, làm thử mang tính tiên phong của cả nước, khẳng định tính hiệu quả trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, năm 1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần VII của Đảng thông qua Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, trong đó có chủ trương phát triển các thành phần kinh tế, mở rộng các hình thức liên doanh, hợp tác với nước ngoài làm hàng xuất khẩu... Nhằm thực hiện hướng đi mới này, Chính phủ (lúc đó là Hội đồng Bộ trưởng) chủ trương thành lập khu chế xuất, và TP.HCM được chọn để xây dựng mô hình thí điểm này. Thành công của Khu chế xuất Tân Thuận đã mở đường cho TP.HCM tiếp tục thành lập nhiều khu chế xuất khác và được nhân rộng trên địa bàn cả nước, đồng thời tạo cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng định chế này trong các đạo luật về đầu tư, doanh nghiệp...
Năm 1993, Thành ủy TP.HCM chủ trương thành lập Trung tâm chứng khoán TP, xây dựng thị trường vốn; và đến năm 2000, Chính phủ cho phép thành lập Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM - sở giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam. Cũng trong năm 2000, Khu công viên phần mềm Quang Trung hình thành từ việc chuyển đổi mô hình hội chợ triển lãm thành Công viên phần mềm trên cơ sở nghiên cứu, học hỏi Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và một số nước tiên tiến khác. Đây là nơi tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp phần mềm TP.HCM và cũng là khu công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của cả nước.
Có thể nói, từ thực tiễn đổi mới, vận dụng đường lối của Đảng, TP.HCM đã góp phần quan trọng cùng cả nước tạo cơ sở, tiền đề quan trọng cho nền kinh tế vượt qua rào cản của cơ chế cũ, thực thi nhiều biện pháp tích cực để tháo gỡ khó khăn với những mô hình mới, cách làm mới trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước, TP.HCM là một trong 10 tỉnh, TP trực thuộc trung ương được lựa chọn thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên diện rộng theo quy định tại Nghị quyết 26/2008 của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường giai đoạn 2009-2016. TP.HCM là địa phương có số lượng đơn vị hành chính thí điểm nhiều nhất (gồm tất cả 24 quận, huyện, 259 phường). Kết quả thí điểm mô hình này đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và làm cơ sở quan trọng để Quốc hội ban hành Nghị quyết 131/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.
Cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính là sự sáng tạo của TP.HCM hiện đang được áp dụng ở tất cả các cấp chính quyền địa phương trong cả nước. Ảnh: LÊ THOA |
Trong cải cách hành chính, cơ chế "Một cửa" và sau này được bổ sung thành "Một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính khởi đầu từ sự tìm tòi sáng tạo của TP đã được khẳng định là đúng, đã và đang được áp dụng thực hiện chung cho các cơ quan hành chính nhà nước ở tất cả các cấp chính quyền địa phương trong cả nước, là đóng góp có ý nghĩa quan trọng, có tính đột phá của TP.HCM trong tiến trình cải cách nền hành chính quốc gia.
Trong lĩnh vực tư pháp, TP cũng là địa phương khởi nguồn cho việc thí điểm, mở rộng thí điểm rồi chính thức hóa hoạt động của mô hình Thừa phát lại trên địa bàn cả nước. Việc thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa Thi hành án dân sự được xác định tại Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 thông qua mô hình Thừa Phát lại đã góp phần tạo nên một bức tranh mới, một sức sống mới của đời sống pháp luật và tư pháp trong một nền kinh tế thị trường đang từng bước hoàn thiện và một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đang trong quá trình định hình.
Bên cạnh đó, phát huy khả năng và tính chủ động tích cực của mình, TP cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước đã và đang tổ chức triển khai nhiều mô hình thí điểm theo chủ trương chung của Quốc hội, Chính phủ, chẳng hạn như thí điểm mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm thí điểm lao động ngoài trại giam , thí điểm xử lý nợ xấu , thí điểm đấu giá biển số xe ô tô...
Thực tiễn cho thấy, việc thí điểm, làm thử các mô hình thời gian qua trên địa bàn TP tuy thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, với quy mô và thời gian thực hiện cũng khá đa dạng nhưng có điểm chung đó là những mô hình này đều xuất phát từ thực tiễn khách quan, được nghiên cứu thận trọng và quá trình tổ chức thực hiện bài bản, khoa học. Nói cách khác, từ bức xúc của thực tiễn đến nghiên cứu giải quyết ở tầm lý luận và hình thành các quan điểm chính trị, chính sách pháp luật rồi thông qua hoạt động lập pháp, lập quy để quay trở lại thực hành, thí điểm trong đời sống xã hội - đó là con đường phát triển khách quan của các mô hình thí điểm, làm thử ở TP giai đoạn vừa qua.
Với những trăn trở đầy trách nhiệm của những cán bộ trực tiếp làm công tác thực tiễn ở một địa phương, một ngành đến sự cởi mở tư duy, lắng nghe tiếng nói của khoa học và thực tiễn để nâng tầm sách lược, chiến lược của những người lãnh đạo, quản lý và cuối cùng là sự đón nhận cải cách của các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân; đây là các yếu tố không thể thiếu của những thành công các mô hình thí điểm, làm thử ở TP.Hồ Chí Minh thời gian qua.
Tàu metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) chạy thử nghiệm đoạn qua TP Thủ Đức. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Nghị quyết 31 là cơ sở để TP.HCM tiếp tục vai trò tiên phong
Xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực phía Nam và cả nước, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của Đông Nam Á là một trong những nhiệm vụ quan trọng và được Đảng, Nhà nước ta xác định đây không chỉ là nhiệm vụ của Đảng bộ, Nhân dân TP mà còn là trách nhiệm chung của cả nước; xây dựng TP.HCM của cả nước, vì cả nước.
Với tinh thần đó, ngay khi bước vào những năm đầu của thế kỷ 21, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW 18-11-2002 về phương hướng, nhiệm vụ, phát triển TP.HCM đến năm 2010. Để khắc phục một trong những nguyên nhân gây nên những tồn tại, yếu kém trong quá trình xây dựng, phát triển TP trong giai đoạn trước là "Một số cơ chế, chính sách vĩ mô của Nhà nước chưa đồng bộ, chưa phù hợp với điều kiện đặc thù của TP lớn như TP.HCM", Nghị quyết yêu cầu "Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, phân cấp mạnh hơn cho TP, cho phép TP được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà TP đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không phù hợp".
Trên cơ sở chủ trương này, nhiều mô hình thí điểm, làm thử trên một số lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội đã được TP lập thành đề án và tổ chức thực hiện với sự theo dõi, giám sát của Chính phủ. Chủ trương cho phép thí điểm như đã nêu trên tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP đến năm 2020.
Năm 2017, trên cơ sở sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW và kiến nghị của Ban Thường vụ Thành uỷ TP về cơ chế, chính sách đặc thù để TP phát triển nhanh, bền vững hơn vì cả nước, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 21-KL/TW, trong đó đánh giá: "Chủ trương cho thí điểm các giải pháp và chính sách phù hợp với đặc thù của TP tuy đã được triển khai bước đầu... nhưng chưa được quan tâm đúng mức, thiếu tính đột phá, kết quả chưa rõ nét".
Từ đó, Bộ Chính trị yêu cầu "Việc thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP phải đặt trong tổng thể chung của cả nước, kết hợp hài hoà giữa cái chung và cái riêng, trong khung khổ pháp luật; việc gì đã rõ thì cho làm ngay, việc gì chưa rõ, phức tạp thì cho làm thí điểm, sơ kết, tổng kết để nhân rộng. Với tinh thần đó, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV ban hành Nghị quyết cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để TP phát triển nhanh, bền vững hơn..."
Thực hiện chủ trương này, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM với 18 nội dung thuộc năm lĩnh vực. Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 54 cho thấy việc thực hiện các chính sách thí điểm, cơ chế đặc thù đối với TP.HCM đã góp phần vào sự phát triển của TP trong những năm gần đây.
Cầu dây văng Thủ Thiêm 2 nối trung tâm TP.HCM với Thủ Thiêm là điểm nhấn kiến trúc, biểu tượng mới của TP, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Trong năm năm triển khai thực hiện Nghị quyết, ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, kinh tế TP liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011 - 2015. Một số nội dung của cơ chế đặc thù cho TP sau khi được triển khai đã được đưa vào quy định tại Luật và áp dụng cho cả nước; một số tiếp tục được cho phép nhân rộng thí điểm ở tỉnh, TP khác. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các cơ chế thí điểm, đặc thù của TP.HCM còn bộc lộc những hạn chế, bất cập. Một số cơ chế, chính sách đặc thù tuy đã được thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp, một số chính sách chưa đủ sức nặng để tạo đà tăng trưởng, chưa đủ sức bật cho TP; một số chính sách cần thiết với TP nhưng chưa phát huy được tác dụng do còn vướng mắc với các quy định khác của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, việc thành lập TP Thủ Đức với quy mô đơn vị hành chính lớn mà không có các chính sách đặc thù đi kèm, đặc biệt dẫn đến mục tiêu tạo ra không gian, động lực phát triển mới chưa đạt được như kỳ vọng.
Trên cơ sở đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI, ngày 30-12-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để TP.HCM tiếp tục thực hiện vai trò tiên phong, đi đầu trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách thí điểm, đặc thù, góp phần giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan toả, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Kinh tế TP.HCM đang trên đà phục hồi, bứt tốc phát triển sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Cần chính sách vượt trội trong kiến tạo phát triển và đổi mới sáng tạo
Trải qua gần ba năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, bối cảnh kinh tế - xã hội của TP.HCM đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Về cơ hội, với vị trí địa – chính trị thuận lợi, nguồn lực lao động đa dạng, trong đó có một bộ phận ở bậc cao; các thành phần kinh tế khá phát triển, nhất là kinh tế tư nhân… tạo nên hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế tương đối tốt và khá đồng bộ so với cả nước.
Những thành tựu to lớn trong đổi mới kinh tế, xã hội của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, trong đó đặc biệt là các thành tựu về khoa học, kỹ thuật, tài chính ngân hàng; giao thông vận tải; thông tin liên lạc; hệ thống luật pháp và thủ tục hành chính; kinh tế đối ngoại… sẽ là những nguồn lực to lớn để phát triển TP trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, sự phát triển của kinh tế thế giới và mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các nền kinh tế, giữa các đô thị trong khu vực và trên thế giới vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để TP.HCM đón nhận các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài.
Về thách thức, so với những năm đầu thế kỷ XX, TP.HCM đang đứng trước nhiều thách thức lớn về định hướng phát triển. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước của TP có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp. Mặc dù được đánh giá là đô thị năng động, mức độ tăng trưởng kinh tế, xã hội cao hơn so với các vùng khác, tuy nhiên tăng trưởng vẫn thiếu tính bền vững.
Sau quá trình tăng trưởng nóng, nhiều vấn đề xã hội phát sinh nhưng chưa được giải quyết triệt để, thấu đáo như giao thông quá tải và ùn tắc; triều cường, ngập úng, ô nhiễm môi trường gia tăng; nhà ở, bệnh viện, trường học, hệ thống phúc lợi xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của người dân,… Năng lực cạnh tranh của TP so với các địa phương khác trong cả nước và so với các TP trong khu vực và trên thế giới còn những điểm hạn chế, khó bứt phá.
Đứng trước thời cơ và thách thức như vậy, Nghị quyết 31 với sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được coi là những đòn bẩy về chính sách mà TP phải nắm bắt và tận dụng có hiệu quả nhằm tạo bước đột phát trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó đáng chú ý là nhóm nhiệm vụ, giải pháp về ban hành chính sách, pháp luật vượt trội đáp ứng yêu cầu phát triển TP trong giai đoạn mới" đề ra các yêu cầu mới so với trước đây. Cụ thể, thí điểm chính sách mang tính đột phá để TP chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển. Cùng đó là cho phép thí điểm trong một số lĩnh vực đặc thù như thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính và chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Trung tâm Tài chính quốc tế".
Nghị quyết cũng cho phép TP.HCM thí điểm việc lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công - tư để triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và khoa học - công nghệ…
Để thể chế hóa Nghị quyết này, hiện nay cấp ủy, chính quyền TP đang phối hợp với các Bộ, cơ quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết 54/2017. Theo dự kiến, dự thảo Nghị quyết bao gồm các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc sáu lĩnh vực và một nội dung về cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.
Cần cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền nhiều hơn cho TP Thủ Đức để phát triển xứng tầm. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Phân loại các chính sách thành nhóm cụ thể
Để việc xây dựng nghị quyết mới mang tính hiệu quả, tạo ra không gian để TP.HCM “thay chiếc áo đã quá chật”, phát triển xứng với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, TP.HCM cần tập trung vào những nội dung cụ thể.
Trước hết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần bám sát và thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng đã được xác định tại Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong đó, mục tiêu của các chính sách một mặt nhằm phát huy sự năng động, sáng tạo, khai thác triệt để, có hiệu quả nhất các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược của TP, mặt khác phải phù hợp và đồng bộ với mục tiêu của các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của vùng Đông Nam Bộ, bảo đảm tinh thần "TP vì cả nước, cả nước vì TP" và là "hạt nhân, cực tăng trưởng của Vùng".
Đồng thời, nội dung của các chính sách cần có sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa các yếu tố phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại với mục tiêu hàng đầu là bảo đảm Nhân dân được thụ hưởng thành quả và giá trị của sự phát triển của TP.
Hai là, trên cơ sở làm rõ những thách thức mà TP đang đối mặt thời gian qua, việc xây dựng nghị quyết cần ưu tiên tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, nhất là những vấn đề cần có sự đột phá trong kiến tạo phát triển và đổi mới sáng tạo của TP.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thiết kế cụ thể từng chính sách của dự thảo Nghị quyết bảo đảm phù hợp về nội dung, thẩm quyền quy định và biện pháp tổ chức thực hiện, ngoài việc liệt kê các chính sách cụ thể theo nhóm lĩnh vực, cần tập trung rà soát, phân loại các chính sách thành các nhóm.
(1) Những chính sách đã có và đã triển khai theo Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội mà qua tổng kết có tác dụng tốt, đề xuất tiếp tục được triển khai thực hiện có cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Chẳng hạn như về mức dư nợ vay; phí, lệ phí; việc quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư nhóm A sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị; và về thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức...
(2) Những chính sách không có trong Nghị quyết 54/2017 nhưng gần đây, Quốc hội đã cho phép thí điểm ở một số tỉnh, TP khác. Chẳng hạn như về ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; ưu đãi thuế thu nhập cá nhân đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công...
(3) Những chính sách đang được nghiên cứu sửa đổi trong các đạo luật liên quan nhưng TP cần được thí điểm để áp dụng sớm hơn như việc xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất; cho phép các tổ chức sử dụng đất được thế chấp, cho thuê quyền thuê đất trả tiền hàng năm...
(4) Những chính sách mới, đặc thù với tính chất vượt trội, cần sự ủng hộ tối đa vì sự phát triển của TP như về tăng mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên; hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở; cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức...
Việc phân nhóm các chính sách như đã nêu trên cũng sẽ cho thấy được tính tổng thể, toàn diện, có hệ thống của các cơ chế, chính sách được đề xuất và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình đánh giá tác động của chính sách.
Chẳng hạn như đối với nhóm chính sách mới thì cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng, thuyết minh rõ ràng hơn về tính hợp lý, khả thi, từ đó tạo sự đồng thuận trong quá trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết.
Ba là, do tính chất là chính sách thí điểm của Quốc hội, xét về mặt pháp lý, các cơ chế, chính sách được quy định trong nghị quyết ngoài yêu cầu phải phù hợp với quy định của Hiến pháp thì có thể là những nội dung chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả hệ thống pháp luật trong trạng thái động, để bảo đảm các quy định của nghị quyết không bị vô hiệu hóa bởi các quy định của các luật được ban hành sau, cần quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật.
Theo đó trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì ưu tiên áp dụng quy định của Nghị quyết, ngoại trừ trường hợp việc áp dụng các quy định đó là có ưu đãi, thuận lợi hơn; việc áp dụng hoặc không áp dụng trong trường hợp này do chính quyền TP quyết định.
Bên cạnh đó, thực tế triển khai Nghị quyết 54/2017 và một số nghị quyết thí điểm trong thời gian qua cho thấy, một trong những vấn đề cần quan tâm đó là sau khi được Quốc hội ban hành Nghị quyết cần sớm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và tổ chức triển khai thực hiện ở cấp Chính phủ, các Bộ nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ. Nhất là những nội dung phân cấp, phân quyền cho TP và các quận, TP Thủ Đức nhưng còn thiếu các quy định về trình tự, thủ tục để thực hiện cũng như cơ chế phối hợp để giải quyết các vướng mắc phát sinh.
Một trong những vấn đề mà TP.HCM cần quan tâm là thể chế hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Cuối cùng, tại Nghị quyết 31, cùng với việc yêu cầu xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển TP, Bộ Chính trị cũng yêu cầu xây dựng cơ chế để cụ thể hóa thực hiện Kết luận 14/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung và coi đây là một trong những giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết.
Theo đó, Kết luận 14 yêu cầu nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì Nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.
Xuất phát từ yêu cầu nêu trên, nhất là từ thực tiễn của quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP trong thời gian qua, bên cạnh quy định về thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức như đã quy định tại Nghị quyết 54/2017, cơ quan soạn thảo cũng cần cân nhắc có sự lồng ghép một số quy định phù hợp để tạo cơ sở pháp lý cho cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, đảng viên của TP.HCM nói riêng trong việc chủ động nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất các giải pháp để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.
Đặc biệt là cơ chế để xử lý những dự án đầu tư, những công trình tồn đọng nhiều năm do vướng mắc về cơ chế, thủ tục; đồng thời, tạo động lực để cán bộ, đảng viên tích cực đổi mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh của lĩnh vực, cơ quan, đơn vị nơi công tác hoặc được giao phụ trách.
Đồng thời khuyến khích mô hình mới, cách làm hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù phát triển TP sau khi được Quốc hội thông qua.