Sáng 1-3, Sở TT&TT, Sở KH&CN, ĐH Quốc gia TP.HCM và Thành đoàn TP.HCM đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và thách thức”.
Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
48% công ty ứng dụng ChatGPT vào công việc
Tại buổi tọa đàm, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, thông tin từ khi ra mắt hồi tháng 11-2022, chỉ sau hai tháng ChatGPT đã đạt khoảng 100 triệu người dùng, tạo ra một làn sóng mới, tác động đến rất nhiều khía cạnh của cuộc sống.
Qua khảo sát 1.000 doanh nghiệp (DN), có khoảng 48% số công ty đã ứng dụng ChatGPT vào công việc. Các DN cho biết ChatGPT đang dần thay thế nhân sự ở một số vị trí nhất định. “Ở góc độ Sở TT&TT, chúng tôi nhận thấy cần phải nâng cao nhận thức, tìm hiểu sâu hơn về ChatGPT để khai thác những lợi thế của ứng dụng này trong quản lý nhà nước” - ông Thắng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, ChatGPT cũng đặt ra những thách thức tiềm ẩn trong quản lý nhà nước, như làm sao để đảm bảo tính minh bạch, chính xác, an toàn thông tin, kiểm soát và giải quyết các tranh chấp, xung đột có liên quan đến ChatGPT. “Việc tiếp cận cần nhanh chóng, khoa học nhưng cũng phải bình tĩnh, thận trọng và xác định những rủi ro để có biện pháp phòng tránh” - ông Thắng nói thêm.
“Hãy chỉ xem ChatGPT là công cụ hỗ trợ và con người mới chính là quyết định cuối cùng.”
TS Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam
Nêu ý kiến tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định TP rất quan tâm đến việc ứng dụng KH&CN vào việc phát triển TP. Trong tương lai gần, ChatGPT sẽ là một công cụ hữu ích.
Theo ông Đức, để tận dụng được thế mạnh mà ChatGPT mang lại, các đơn vị, nhà nghiên cứu, chuyên gia cần tìm hiểu ưu điểm, hạn chế, tiếp cận đa chiều và tìm cách để công cụ này nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền TP, phục vụ người dân. “Đó là mục tiêu cao nhất” - ông Đức khẳng định và nhìn nhận sứ mệnh của TP.HCM là phải giữ được vai trò đầu tàu trong sáng tạo, đổi mới để phục vụ người dân tốt hơn.
Ông Đức cam kết TP sẽ tạo điều kiện để các chuyên gia trong và ngoài TP cùng tham gia, tìm hiểu, nâng cao hiểu biết về ChatGPT nhằm khai thác ứng dụng một cách hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thảo luận với các chuyên gia về ứng dụng ChatGPT tại buổi tọa đàm. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Nếu làm chậm, TP.HCM sẽ mất cơ hội phát triển
ChatGPT và các ứng dụng AI là cơ hội mới, chúng ta cần nhanh chóng nắm bắt nhưng cũng cần sáng suốt, tỉnh táo, không chạy theo một cách mù quáng. Cũng không nên phản ứng tiêu cực mà nên tiếp nhận một cách có chọn lọc, bởi nếu chúng ta làm chậm thì sẽ bị tụt hậu, TP sẽ mất đi cơ hội phát triển.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM DƯƠNG ANH ĐỨC
Trang bị kiến thức trước khi dùng ChatGPT
PGS-TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia TP.HCM), phân tích thế mạnh của ChatGPT là những vấn đề liên quan đến văn bản như dịch thuật, phân loại, tổng hợp, tóm tắt thông tin... Vì vậy, đây sẽ là một công cụ hỗ trợ đắc lực trong lĩnh vực quản lý nhà nước.
Ông Điền nêu thực tế, một ngày TP.HCM tiếp nhận hàng ngàn phản ánh, góp ý từ người dân và cần có người đọc, phân loại xem các phản ánh thuộc lĩnh vực nào rồi mới chuyển đến bộ phận phụ trách. “Nếu có thể ứng dụng ChatGPT để tạo ra câu trả lời sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều công sức” - ông Điền nói.
Theo ông Điền, ChatGPT đã làm tốt trong việc tổng hợp thông tin nhưng không phải thông tin nào cũng đúng. Do đó, muốn sử dụng ChatGPT hiệu quả thì người sử dụng cần trang bị kiến thức để có thể kiểm chứng thông tin đó đúng hay sai. Khi đó, ChatGPT sẽ là công cụ hỗ trợ rất đắc lực.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả, nhà khoa học khuyến cáo ChatGPT cũng tiềm ẩn một số rủi ro như tin giả, thông tin sai, lừa đảo hay thất thoát dữ liệu nhạy cảm khi người dùng nhập dữ liệu đầu vào.
Về vấn đề này, TS Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam, kiến nghị người dùng cần cẩn trọng trong việc tương tác và chia sẻ thông tin với ChatGPT. Bởi những thông tin gợi ý cho trợ lý ảo này có thể bị kẻ xấu đánh cắp.
Ông Khang kiến nghị cần có cơ chế làm sạch dữ liệu trước khi đưa vào ChatGPT, không đưa các dữ liệu nhạy cảm hoặc những dữ liệu mật trong quá trình sử dụng. Cùng với đó, các kết quả đầu ra cũng phải có một cơ chế kiểm soát, chắc chắn rằng các nguồn gốc và các thông tin được ChatGPT cung cấp là chính xác.
“Hãy chỉ xem ChatGPT là công cụ hỗ trợ và con người mới chính là quyết định cuối cùng” - ông Khang nêu ý kiến.
Nhằm ứng dụng tốt AI vào đời sống cũng như quản lý nhà nước, ông Khang đưa ra đề xuất bốn nhóm giải pháp. Cụ thể, xây dựng kiến trúc hệ sinh thái AI có khả năng tích hợp ứng dụng GPT, xây dựng cơ chế kiểm định tự động đầu ra của ChatGPT đối với các ứng dụng liên quan đến dịch vụ công, nâng cao nhận thức về GPT và AI, đầu tư nghiêm túc phát triển nghiên cứu khoa học về dữ liệu.
TP.HCM đặt hàng bốn lĩnh vực
Tại buổi tọa đàm, Sở TT&TT TP.HCM đã đặt hàng các đơn vị, chuyên gia nghiên cứu ứng dụng ChatGPT vào bốn lĩnh vực.
Đầu tiên, ứng dụng ChatGPT hỗ trợ TP nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ. Cụ thể, ứng dụng ChatGPT hỗ trợ TP nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ. Bao gồm ứng dụng ChatGPT vào dịch vụ công trực tuyến, trả lời tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng ChatGPT vào tổng đài 1022 nhằm ghi nhận và trả lời kiến nghị của người dân, DN.
ChatGPT cũng được đề xuất hỗ trợ lãnh đạo TP trong việc xây dựng hệ thống trợ lý ảo, đăng ký và kiểm tra lịch làm việc, tóm tắt hồ sơ, tài liệu.
Đối với lĩnh vực giáo dục, TP đặt hàng ứng dụng ChatGPT làm trợ lý ảo học tập phục vụ cho giảng viên, giáo viên, học sinh. Cuối cùng là nghiên cứu cơ chế bảo mật, quản lý dữ liệu trong việc sử dụng ứng dụng ChatGPT.