Ngày 22-6, HĐND TP.HCM khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 16 (kỳ họp chuyên đề).
Tại đây, các đại biểu đã thống nhất thông qua hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, TP.HCM giữ quan điểm sắp xếp, tổ chức không gian theo hướng đô thị toàn cầu, đa trung tâm. Sau khi HĐND TP.HCM thông qua, TP.HCM sẽ trình Thủ tướng.
Quy hoạch đô thị theo hướng đa trung tâm
Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu TP.HCM là đô thị toàn cầu. Đồng thời, là TP có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh và số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước…
Quy hoạch đặt chỉ tiêu đến năm 2030, tăng trưởng kinh tế đạt 8,5 - 9,0%; GRDP đầu người đạt 14.800 - 15.400 USD/người; tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% GRDP.
Trong thời kỳ quy hoạch, hệ thống đô thị của TP.HCM bao gồm khu vực đô thị trung tâm (các quận nội thành) đạt tiêu chuẩn của đô thị đặc biệt; 6 đô thị trực thuộc gồm TP Thủ Đức là đô thị loại I.
Quy hoạch cũng xác định 5 đô thị vệ tinh (là 5 huyện ngoại thành) gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, làm cơ sở để nâng cấp lên thành phố.
Sau thời kỳ quy hoạch, hệ thống đô thị của TP.HCM bao gồm khu vực đô thị trung tâm (các quận nội thành) đạt tiêu chuẩn của đô thị đặc biệt và 4 đô thị trực thuộc gồm TP Thủ Đức là đô thị loại I và 3 đô thị vệ tinh đạt tiêu chuẩn đô thị loại II hoặc III.
Quy hoạch TP.HCM cũng dự kiến thực hiện khoảng 199 dự án, trong đó có khoảng 72 dự án trọng điểm đặc biệt ưu tiên đầu tư với tổng số vốn khoảng 360 tỷ USD.
TP.HCM cũng mong muốn phát triển các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi khu vực biển Cần Giờ và dự án vịnh Gành Rái làm đầu mối kết nối khu vực phía Nam TP.HCM với vùng Đông Nam Bộ. TP.HCM cũng nêu kiến nghị phát triển tuyến đường ven biển mới phía Nam phục vụ phát triển kinh tế biển từ Gò Công Đông, Tiền Giang qua Cần Giờ rồi đến Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai.
Góp ý, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cho rằng, quy hoạch TP.HCM cần được làm đồng bộ với quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật khác. Ngoài ra, đồ án quy hoạch cần xác định rõ các phạm vi khuyến khích phát triển để đề xuất mô hình, chính sách mới, đảm bảo tính khả thi của việc thực hiện quy hoạch.
Bà Hiền nêu thực tế, đến năm 2030, huyện Củ Chi cần tổng số giường bệnh khoảng 4.200 giường để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân. Với tốc độ tăng dân số đến năm 2030, bà Hiền nói huyện Củ Chi cần bổ sung thêm khoảng 2.000 giường bệnh để đáp ứng nhu cầu khám, điều trị của người dân trên địa bàn huyện. Theo bà, TP cũng cần tính toán về quy hoạch cho lĩnh vực y tế, giáo dục để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới.
Định hình rõ nét thành phố trong thành phố đối với TP Thủ Đức
Báo cáo trước các đại biểu HĐND, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo TP.HCM khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch TP với tinh thần “không quá cầu toàn nhưng không nóng vội”. Quy hoạch phải đồng bộ với các quy hoạch quốc gia, vùng Đông Nam Bộ và các quy hoạch của TP.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng khẳng định trong quy hoạch từ nay đến năm 2030, TP.HCM giữ đơn vị hành chính, đô thị như hiện nay.
Giai đoạn này TP.HCM thực hiện các nhiệm vụ lớn, là gia tăng nội lực của các đô thị này, định hình rõ nét thành phố trong thành phố đối với TP Thủ Đức. Đối với 5 huyện, TP.HCM sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để 5 huyện này đạt được các tiêu chuẩn đô thị, ít nhất là phải đạt được đô thị loại 3.
Giai đoạn 2030-2040, TP.HCM sẽ tổ chức thành 5 vùng đô thị gồm đô thị trung tâm; TP Thủ Đức; vùng đô thị khu Nam (quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh); khu Tây Bắc gồm huyện Củ Chi, một số vùng có liên quan của Hóc Môn, Bình Chánh; khu Tây Nam gồm một phần huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12. Riêng huyện Cần Giờ sẽ nghiên cứu tiếp.
Đồng thời TP.HCM sẽ tiếp tục nghiên cứu mô hình “thành phố trong làng, làng trong thành phố” theo gợi ý của Thủ tướng để cụ thể hóa trong quy hoạch này.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh để thực hiện được quy hoạch này, TP.HCM cần chọn được những điểm trọng tâm đột phá về thể chế, về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng về công nghệ thông tin, đường sắt đô thị; đột phá về cơ cấu kinh tế, chọn lựa đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư.
Theo ông Phan Văn Mãi, thời gian qua TP.HCM có nhiều cơ chế đặc thù nhưng chưa khai thác hết. Ông đơn cử như nghị quyết 98 cho phép TP đi vay tiền đầu tư trả dần nhưng TP chưa làm tốt, thời gian tới sẽ phát huy cơ chế này.
Cũng theo ông Mãi, Chính phủ cho rằng TP.HCM cần vượt qua sự e dè hiện nay, phải có tư duy, tâm thế hành động mạnh mẽ, thay đổi nhiều hơn nữa để triển khai quy hoạch đạt kết quả cao nhất.
Cần giải pháp đột phá để mức tăng trưởng đạt 2 con số
Về phương án tăng trưởng GRDP, TP.HCM phấn đấu đến năm 2030 đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 8,5%-9%. Ông Mãi nói đây là tỷ lệ tăng trưởng rất thách thức đối với TP.HCM.
“Nhưng TP.HCM phấn đấu, có kịch bản, kế hoạch, giải pháp và sự đầu tư để đạt được mục tiêu từ đây đến năm 2030 và phấn đấu giai đoạn sau năm 2030 sẽ đưa tăng trưởng của TP.HCM lên 2 con số”- ông Mãi khẳng định.
Cụ thể, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết sẽ tập trung xác định các danh mục đầu tư trọng điểm, có những giải pháp đột phá bố trí nguồn lực xứng đáng để thực hiện. Quan trọng nhất là phải sửa đổi cơ chế chính sách để TP huy động các nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển và phải giải quyết tốt các điểm nghẽn của TP.
Ông Phan Văn Mãi cũng cho biết, mức thu nhập bình quân đầu người cũng đã được tính toán dựa trên quy mô, kịch bản tăng trưởng GRDP và mức tăng dân số.
Chủ tịch UBND TP.HCM nói thêm, Trung ương đặt mục tiêu TP.HCM phải là địa phương tiên phong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ mà quốc gia đã cam kết, phải đi đầu trong việc thực hiện các chỉ tiêu quốc gia.
Ông đơn cử như đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu là nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao, đến 2045 là nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao. Với mục tiêu này, TP.HCM phải là địa phương thực hiện, thậm chí thực hiện vượt để cân đối cho mục tiêu quốc gia.
Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định phải có quyết tâm chính trị lớn, đi kèm đó là các kế hoạch cụ thể huy động lực lượng để phát triển thì TP mới hoàn thành tốt các mục tiêu như trên.
Về cơ cấu kinh tế và các ngành chủ lực, ông Mãi cho biết ngành dịch vụ tại địa phương đang chiếm khoảng 65%, công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 22% cơ cấu kinh tế TP.HCM. Phía Hội đồng thẩm định nhà nước cho rằng, tỷ trọng ngành dịch vụ TP.HCM cao nhưng giá trị gia tăng chưa cao. TP chuyển qua dịch vụ quá sớm, thiếu đầu tư cho công nghiệp xây dựng, nên không có được tăng trưởng như mong muốn.
Tại quy hoạch lần này, TP.HCM đưa công nghiệp xây dựng lên 27%, tiệm cận 30% sau năm 2030, để khu vực công nghiệp xây dựng tiếp tục có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế TP.HCM giai đoạn năm 2045. Như vậy, tỷ lệ dịch vụ có thể kéo lùi lại nhưng không dưới 60% và phát triển dịch vụ hiện đại, giá trị gia tăng cao như: trung tâm tài chính quốc tế, dịch vụ phục vụ công nghiệp, dịch vụ pháp lý… sẽ được tập trung để phát triển.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận, quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không chỉ xác định rõ hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đô thị bền vững, hài hòa với môi trường và xã hội.
Quy hoạch này sẽ là "kim chỉ nam" cho các hoạt động xây dựng và phát triển TP trong thời gian tới, giúp TP.HCM vươn lên trở thành một đô thị thông minh, hiện đại và hội nhập quốc tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Từ đó, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP.HCM tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, Hội đồng thẩm định quy hoạch, ý kiến thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM và các ý kiến của đại biểu HĐND để hoàn thiện hồ sơ đảm bảo phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định pháp luật hiện hành để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Miễn nhiệm 1 đại biểu HĐND TP.HCM
Tại kỳ họp, 100% đại biểu HĐND TP.HCM có mặt đã đồng ý miễn nhiệm chức danh, cho thôi làm nhiệm đại biểu HĐND TP khoá X với đối với ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó Trưởng ban đô thị do đã chuyển công tác về Ủy ban Kiểm tra Trung ương.