Ngày 31-1, UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại hội thảo, đề xuất của đơn vị tư vấn về việc tổ chức năm vùng đô thị trên địa bàn TP và việc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số cho TP.HCM giai đoạn tới được nhiều chuyên gia bàn luận.
Đề xuất tách Bình Chánh để lập hai TP
GS-TS Nguyễn Trọng Hoài cho rằng nếu xây dựng năm đô thị vệ tinh tại TP thì phải đảm bảo tính đồng bộ, làm sao thu hút đầu tư từ các vùng khác vào đô thị vệ tinh, thay vì thu hút vào vùng lõi trung tâm TP.
Tuy nhiên, kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn thì cho rằng việc TP phát triển thêm ba đô thị vệ tinh (ngoài trung tâm TP và TP Thủ Đức) sẽ khiến TP không đủ tiềm lực để tăng trưởng kinh tế hai con số.
Theo ông, ngoài khu vực trung tâm, TP.HCM có TP Thủ Đức là đô thị tiềm năng, có khả năng đột phá nhanh trong tương lai.
“Vị thế TP Thủ Đức rất đặc biệt vì đại diện cho TP.HCM hợp tác với ba tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu” - KTS Nam Sơn nói. Ông cũng cho rằng trục liên kết của “tứ giác” này rất đặc biệt, kết nối đa dạng từ hàng không, cảng biển, đường bộ, cao tốc, đường sắt…
KTS Nam Sơn gợi ý có thể xây dựng thêm hai TP trong TP khác, có tiềm lực phát triển tương đương TP Thủ Đức. Trong đó, lấy trục đường cao tốc số 1, “chia đôi” huyện Bình Chánh, lập TP phía nam gồm quận 7, huyện Nhà Bè và một nửa huyện Bình Chánh; TP phía bắc gồm các huyện Hóc Môn, Củ Chi và một phần huyện Bình Chánh còn lại. “Như vậy TP sẽ có một TP trung tâm và ba TP vệ tinh” - ông Nam Sơn nói.
Vẫn theo ông Nam Sơn, với việc chia tách này, ngoài TP Thủ Đức thì TP.HCM sẽ có thêm TP phía nam phát triển kinh tế biển và TP phía bắc kết nối phát triển với Campuchia và các tỉnh ĐBSCL.
Không chạy quá đà về chỉ số tăng trưởng
Trước mục tiêu tăng trưởng hai con số của TP.HCM, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, cho rằng TP đang dần mất đi động lực, vai trò đầu tàu dẫn dắt, trung tâm, cửa ngõ kết nối.
“Nếu nhìn vào các chỉ số kinh tế - xã hội và các chỉ số chung so sánh TP.HCM với cả nước thì các chỉ số này đang bị xói mòn” - TS Tự Anh nói. Ông cũng nhìn nhận giai đoạn những năm 1990-2000, TP.HCM là cảm hứng cho cả nước về cải cách, đổi mới kinh tế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ít có đoàn đến thăm TP.HCM để học hỏi kinh nghiệm về vấn đề này.
Theo TS Tự Anh, khát vọng của TP.HCM và người làm quy hoạch muốn TP cất cánh, trở thành “anpha +” nhưng phải bám chắc vào thực tiễn. Do đó nếu TP chạy quá đà về tỉ lệ tăng trưởng sẽ có hệ lụy khác.
Ông nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM để thực hiện quy hoạch TP.HCM là giải quyết bài toán về bộ máy, cải cách và quản lý hành chính. “Nếu định hướng của chúng ta đúng mà chúng ta không thực hiện tốt thì phần lớn nằm ở khâu thực thi. Mà để thực thi thì phải có bộ máy, cơ quan hành chính, nguồn lực” - ông nói.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP đưa ra định hướng phát triển các ngành để đầu tư, xây dựng quy hoạch cho đúng.
Chỉ cần 1-2 dự án đột phá thì TP sẽ bung ra
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận năm 2010 và những năm trước đó, TP tăng trưởng hai con số.
Tuy nhiên, 10 năm gần đây lại tăng trưởng dưới hai con số và 2-3 năm gần đây chỉ tăng trưởng khoảng 6%. “Đây là điều phải coi lại” - ông Hoan chỉ đạo và khẳng định định hướng phát triển thời gian tới của TP.HCM chính là kinh tế xanh và kinh tế số. Do đó từng ngành kinh tế phải có yếu tố vượt trội, vượt bậc.
Ông dẫn chứng TP.HCM khẳng định công nghiệp của TP phải phát triển những ngành mới như vi mạch, điện tử, chip, bán dẫn… những ngành công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, loại bỏ những ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Từ đó, trong điều hành, thực thi, kể cả người dân cũng theo mục tiêu này. “Như vậy mới tạo ra giá trị mới, bứt phá mới, tạo ra động lực mới cho cả nước và mới có được một đầu tàu mới” - ông Hoan nhấn mạnh.
Theo ông Hoan, nông nghiệp đô thị của TP.HCM sẽ nghiên cứu phát triển theo hướng chuyển giao chứ không phải là nông nghiệp nông thôn. “Chúng ta sẽ có những khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành nên vùng nông nghiệp của TP theo hướng làm thí điểm, trình diễn và thậm chí là làm du lịch nông nghiệp” - ông nói và gợi ý xây dựng “vùng nguyên liệu” của TP nhưng ở các tỉnh lân cận.
Theo ông Hoan, TP.HCM đưa ra định hướng phát triển các ngành để đầu tư, xây dựng quy hoạch cho đúng. Riêng về kịch bản tăng trưởng, ông Hoan đề nghị phải nói kỹ các yếu tố tạo ra GRDP. Ông cho rằng muốn kinh tế TP đột phá thì cần có chính sách đột phá. “Công trình gì, dự án gì, nguồn lực bố trí bao nhiêu, chính sách như thế nào, đặc biệt sau năm 2030… Chỉ cần 1-2 dự án, chính sách đột phá thì kinh tế TP sẽ bung ra” - ông nói.•
Đề xuất làm vành đai 5 TP.HCM
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho rằng hiện ngoài đường vành đai 3, vành đai 4 đang đầu tư và một số tuyến cao tốc như TP.HCM - Chơn Thành đã có dự án, đường TP.HCM đi Đức Hòa (Long An) thì Bình Dương đang định hướng, đưa vào quy hoạch tỉnh, đề xuất TP.HCM cập nhật, kết nối quy hoạch vùng một số tuyến đường để giảm ùn tắc giao thông. Từ đó giúp việc đi lại giữa các địa phương trong vùng được thuận lợi.
Trong đó, Bình Dương dự kiến đề xuất TP.HCM làm đường vành đai 5 thuộc TP.HCM, kết nối Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên.
Theo ông Dành, nếu không đầu tư đường vành đai 5 từ sớm, từ xa thì Bình Dương sẽ trở thành điểm nghẽn rất lớn trong tương lai.