TP.HCM triển khai nhiều giải pháp để phát triển khu sinh quyển Cần Giờ

(PLO)- UBND huyện Cần Giờ đã phối hợp cùng nhiều đơn vị để thực hiện các đề tài về giải pháp phát triển bền vững, nâng cao chất lượng khu sinh quyển Cần Giờ.

Ngày 27-11 tại TP.HCM, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TN&MT) tổ chức diễn đàn đối thoại Tăng cường quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ. Diễn đàn là nơi các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý chia sẻ những khó khăn và đưa ra giải pháp để phát triển khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Các đại biểu tham gia diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Khu vực đặc biệt cần được quan tâm

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó cục trưởng, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ (TN&MT) chia sẻ, đến thời điểm hiện nay Việt Nam có một hệ thống gồm 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận.

Vấn đề quản lý khu vực sinh quyển đã được quan tâm hơn, cụ thể là hành lang pháp lý cũng như cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy cho quản lý phụ thuộc chính quyền cũng dần dần được hình thành.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó cục trưởng, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ (TN&MT) phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

"Khu vực sinh quyển Cần Giờ rất đặc biệt, đây là một khu rừng phòng hộ, vùng rừng rộng ven biển. Việc quản lý khu sinh quyển Cần Giờ không chỉ là bảo vệ chức năng rừng phòng hộ mà còn đóng góp về bảo tồn đa dạng sinh học quan trọng. Đây chính là lá phổi xanh của TP.HCM.

TP.HCM đang được đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh mẽ, vấn đề về môi trường diễn ra khốc liệt. Chính vì vậy, cần có sự quan tâm của tất cả các bên, từ lãnh đạo đến cộng đồng, các doanh nghiệp có liên quan để thúc đẩy cho bảo tồn và phát triển bền vững"- bà Hoàng Thị Thanh Nhàn nói.

Đặt ra nhiều giải pháp để bảo vệ khu sinh quyển

Ông Cao Huy Bình, Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ, cho biết hiện nay TP.HCM đã có nghị quyết định hướng phát triển Cần Giờ đến năm 2030. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ.

Hiện nay huyện đang tăng cường công tác quản lý rừng, trồng rừng, chăm sóc rừng, các giải pháp nâng cao sinh kế cho người giữ rừng, đảm bảo thu nhập cho người trực tiếp giữ rừng.

Toàn cảnh đường Rừng Sác, huyện Cần Giờ. Ảnh: ĐÀO TRANG

Đồng thời, địa phương cũng đã phối hợp cùng nhiều đơn vị để thực hiện các đề tài về giải pháp phát triển bền vững, nâng cao chất lượng rừng ngập mặn Cần Giờ. Xây dựng các hợp phần trong học tập và ứng dụng công nghệ 5.0 phục vụ giáo dục môi trường, hệ sinh thái rừng ngập mặn và giá trị khu dự trữ sinh quyển cho học sinh, sinh viên và du khách

"Trong quá trình quản lý, bảo vệ phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ, đặc biệt là bộ phận giáp ranh còn thực trạng người dân khai thác, đánh bắt các nguồn lợi trong rừng, đặc biệt là thủy sản với số lượng nhiều. Đây là áp lực lớn trong công tác quản lý rừng. Ngoài ra, khi phát triển kinh tế gắn với phát triển các dịch vụ thì việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng cũng gặp nhiều khó khăn" - ông Cao Huy Bình nói.

Đại diện Sở TN&MT TP.HCM cho biết hiện nay sở cũng đang phối hợp với Sở NN&PTNT thực hiện các chương trình liên quan công tác đa dạng sinh học trên địa bàn.

Về quy chế quản lý và bảo vệ môi trường, Sở TN&MT đề nghị ban quản lý rà soát, nghiên cứu, xây dựng quy chế theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, sau đó sở sẽ trình UBND TP.

Theo Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ, ngày 21-1-2000, rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, đây là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam.

Khu dự trữ này bao gồm vùng lõi, được thành lập với mục đích lâu dài là bảo tồn các sinh cảnh, hệ sinh thái và đa dạng sinh học trong khu vực, diện tích vùng lõi 4.721 ha; Vùng đệm bao quanh vùng lõi, vùng đệm góp phần hạn chế tác động của con người giúp cho việc bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng lõi, diện tích vùng đệm 37.339 ha; Vùng chuyển tiếp, đây là khu vực bao quanh ngoài cùng của huyện, được duy trì cho phát triển nông nghiệp, khu dân cư và các hoạt động khác, diện tích vùng chuyển tiếp 29.310 ha.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới