TP.HCM ứng phó thách thức an ninh phi truyền thống

(PLO)-  An ninh phi truyền thống ảnh hưởng sâu sắc đến sự ổn định và phát triển bền vững của tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 30-5, Hội thảo khoa học “Phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa, khủng hoảng, thảm họa an ninh phi truyền thống - những vấn đề lý luận và thực tiễn” đã được tổ chức tại Trường ĐH Cảnh sát nhân dân TP.HCM.

Hội thảo do Viện An ninh phi truyền thống phối hợp cùng ĐH Cảnh sát nhân dân và Sở KH&CN TP.HCM tổ chức.

Thành tố quan trọng của an ninh quốc gia

Tham dự hội thảo có Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm - Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TP.HCM, Thiếu tướng Trần Thanh Hưng - Hiệu trưởng Trường ĐH Cảnh sát nhân dân và nhiều ban ngành liên quan.

Theo PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn, khi thế giới bước vào thế kỷ 21, trong nhiều nghị quyết, văn kiện quan trọng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã đề cập đến các nguy cơ của an ninh phi truyền thống đang đe dọa sự phát triển bền vững của các nước.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TỰ SANG

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TỰ SANG

Cũng theo ông Thìn, nhiều tác nhân của an ninh phi truyền thống đang hằng ngày, hằng giờ ảnh hưởng sâu sắc đến sự ổn định và phát triển bền vững của tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ông Thìn cũng cho biết TP.HCM là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước và khu vực. TP có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Trong những năm qua, TP.HCM đã đạt nhiều thành tựu to lớn và ngày càng xứng tầm một TP văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với việc đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Thìn cũng nhấn mạnh những thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống đã tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định và phát triển bền vững của TP như tội phạm xuyên quốc gia; an ninh kinh tế, an ninh mạng…

Lấy địa bàn cơ sở làm tuyến đầu chống dịch

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết trong công tác phòng chống dịch, kinh nghiệm rút ra là lấy địa bàn cơ sở làm tuyến đầu. Trong đó, lực lượng công an là nòng cốt, huy động hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia, thực hiện tốt an sinh xã hội cho người dân…

Công an TP.HCM có vai trò quan trọng

Tại hội thảo, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết Công an TP.HCM là đơn vị chiến đấu trực tiếp trong vấn đề phòng chống tội phạm và an ninh chính trị, trật tự xã hội, diễn biến phức tạp trong dịch COVID-19… Đó là một trong nhiều nội dung của an ninh phi truyền thống.

Theo tướng Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến người dân và đặt ra nhiều thách thức đối với lực lượng Công an TP.HCM.

Theo tướng Nam, lợi dụng tình hình dịch bệnh, địa bàn TP phức tạp, dễ tập trung các hoạt động chống phá, kích động. Từ đó, các thế lực trong và ngoài nước đã câu kết, khai thác nhiều vấn đề để thu hút sự quan tâm của dư luận, phát tán thông tin xuyên tạc gây rối hoạt động chính trị ở TP.CM trong thời gian chống dịch.

“Công an TP đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng. Công an TP xác định mục tiêu phát huy vai trò nòng cốt, biến nguy cơ thành thuận lợi, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội” - tướng Nam nói thêm.

Cũng theo tướng Nam, tiếp tục phát huy kinh nghiệm đó, TP đạt 44% dự toán trong năm 2022, theo đà này vượt 40% dự toán trung ương giao. “Đó là con số chứng minh là nền kinh tế TP phục hồi nhanh, trong đó có sự đóng góp lớn của Công an TP, đảm bảo an ninh chính trị. Làm được điều đó là do lực lượng Công an TP nắm bắt kịp thời, dự báo kịp thời an ninh phi truyền thống nhanh chóng, hiệu quả” - tướng Nam nhấn mạnh.

Tại hội thảo, giám đốc Công an TP cũng nói: Thời điểm dịch bệnh, Công an TP đã tham mưu thiết lập vùng xanh, đi đầu trong công tác chống dịch. Triển khai công tác kiểm soát nghiêm, không chỉ lực lượng công an mà huy động toàn bộ hệ thống chính trị, toàn dân tham gia thiết lập vùng xanh...

Nói về công tác đấu tranh tội phạm, tướng Nam cũng cho biết đã biến nguy cơ thành thuận lợi, tiến hành nhập liệu toàn bộ số liệu đối tượng đua xe, ngáo đá… đưa vào hệ thống trung tâm quản lý dữ liệu của Công an TP. Đồng thời triển khai phương án kế hoạch của Bộ Công an về phòng chống tệ nạn xã hội, gắn với nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, kéo giảm 9,8% so với năm 2020.

Trong quá trình vừa chống dịch vừa đảm bảo an ninh trật tự, Công an TP đã thực hiện phòng chống dịch trong khu vực trại giam. Nhờ việc triển khai kịp thời nên trên 7.000 phạm nhân do Công an TP quản lý tử vong rất thấp.

Về người lang thang cơ nhỡ, Công an TP đã tập trung 1.630 người lang thang cơ nhỡ, đi test COVID-19 và đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội đúng người. “Việc này được làm tốt và nhanh vì nếu không làm tốt sẽ có người chết đói, bị các đối tượng xấu lợi dụng. Cho đến nay, vấn đề này Công an TP vẫn đang quyết liệt nên số người ăn xin trên các tuyến đường hiện nay gần như không có” - tướng Nam cho biết.

An ninh phi truyền thống là gì?

Dù chưa có sự thống nhất hoàn toàn về khái niệm “an ninh phi truyền thống”, nhưng có thể hiểu một cách khái quát “an ninh phi truyền thống” là an ninh mang tính chất phi quân sự và “các vấn đề an ninh phi truyền thống” là tất cả những mối đe dọa đến chủ quyền quốc gia và sự tồn tại của con người cũng như sự phát triển nói chung ngoài xung đột quân sự, chính trị và ngoại giao.

An ninh phi truyền thống bao gồm nhiều lĩnh vực như an ninh kinh tế, môi trường sinh thái, khủng bố xuyên quốc gia, buôn lậu vũ khí, xung đột sắc tộc và tôn giáo, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, buôn lậu ma túy, di cư trái phép, cướp biển, rửa tiền…

An ninh phi truyền thống mở rộng phạm vi sang lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, sức khỏe, quyền con người.

Giá trị cơ bản của khái niệm an ninh quốc gia mở rộng từ giá trị bảo vệ lãnh thổ quốc gia và chủ quyền sang các giá trị sống còn của hệ thống chính trị, truyền thống xã hội, sự hài hoà và ổn định của các quan hệ dân tộc, duy trì và toàn vẹn văn hóa, sự thịnh vượng kinh tế và phát triển, công bằng và công lý. Những mối đe doạ những giá trị này, không chỉ từ đe doạ quân sự bên ngoài và sự lật đổ chính trị, mà còn từ sự không công bằng về kinh tế hay sự tan rã xã hội…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm