TP.HCM và vùng Tây Nguyên bắt tay kết nối thị trường

(PLO)- TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, kết nối thị trường, thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Chính quyền địa phương các tỉnh vùng Tây Nguyên phải hỗ trợ, liên kết lẫn nhau để chia sẻ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Nếu mỗi địa phương, mỗi vùng có chính sách riêng, có cách làm riêng nhưng không có kết nối chung thì sản xuất không tiếp cận được thị trường”. Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nói tại hội thảo liên kết vùng giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên do UBND TP.HCM và tỉnh Lâm Đồng đồng tổ chức ngày 15-12.

TP.HCM và vùng Tây Nguyên bắt tay kết nối thị trường
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan tham quan gian hàng tại hội thảo. Ảnh: VÕ TÙNG

Hướng đến tăng trưởng xanh bền vững

Tham dự hội thảo, nhiều doanh nghiệp (DN) đã mang đến hội thảo nhiều tham luận để làm rõ những tiềm năng, lợi thế trong tăng trưởng xanh mà các DN này được hưởng lợi từ việc liên kết vùng giữa TP.HCM và năm tỉnh Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết các DN cần phải thay đổi quy trình trong sản xuất. Trong đó chú trọng giảm thiểu rác thải độc hại ra môi trường, gây hiệu ứng nhà kính.

Ông Đức lấy ví dụ ở Saigon Co.op: “Chúng tôi đã tập trung phát triển các loại bao bì tự phân hủy, những sản phẩm có tác động môi trường cũng được đơn vị loại bỏ khỏi hệ thống như ống hút nhựa dùng một lần. Điều này thúc đẩy các sản phẩm từ các hợp tác xã, nơi sản xuất phát triển xu hướng tương tự, giảm thiểu rác thải ra môi trường”.

Ông Đức đề xuất chính quyền các tỉnh vùng Tây Nguyên quy hoạch lại nguồn nguyên liệu cho từng sản phẩm. Tổ chức các đầu mối thu mua, hợp tác chặt chẽ với nhà nông để đảm bảo sản phẩm nông nghiệp đưa ra thị trường là sản phẩm tốt nhất.

Trình bày tham luận tại hội thảo, kỹ sư Phí Anh Tuấn, Chủ tịch PAT Consulting, nhấn mạnh thêm về việc số hóa trong quản lý các hợp tác xã. Theo ông Tuấn, việc số hóa công tác quản lý các trang trại, các hợp tác xã sẽ tăng hiệu quả sử dụng đất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Đặc biệt với các hộ nuôi trồng organic sẽ minh bạch hóa nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa giúp tăng giá trị sản phẩm cùng với việc tăng năng suất trồng trọt. Ngoài ra, việc quản lý số hóa các trang trại, hợp tác xã tốt sẽ giúp họ tiếp cận được các nguồn vốn vay do thông tin của DN đầy đủ, minh bạch.

Nhiều DN cũng chia sẻ những khó khăn, đề xuất chính quyền các địa phương hỗ trợ về mặt chính sách để có thể đứng vững trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay.

Muốn khai thác tối đa thì cũng phải liên kết, trong đó TP.HCM là trung tâm tiêu thụ, chế biến thì Tây Nguyên là vùng cung cấp nguyên liệu.

Tiếp cận khoa học công nghệ để tăng liên kết vùng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đánh giá TP.HCM là trung tâm văn hóa chính trị, đào tạo nguồn lực của cả nước. TP.HCM không chỉ quan trọng với các tỉnh Tây Nguyên mà với ĐBSCL.

TP.HCM có gần 9 triệu người dân, gấp 1,5 lần dân số các tỉnh Tây Nguyên với 6,5 triệu người. Chính vì vậy TP.HCM vừa là thị trường tiêu thụ lớn về nông sản, lương thực vừa là nơi cung cấp hàng tiêu dùng và đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh.

“So với cả nước, TP.HCM là TP năng động, lực lượng lao động trẻ lớn với 4,8 triệu người. Đây là con số rất tốt mà không TP nào trong nước có được” - ông Phạm S chia sẻ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm vùng Tây Nguyên hiện nay có khoảng 65.000 DN và 20.000 hợp tác xã, trong đó lứa tuổi làm DN hiện nay trẻ hơn 10 năm trước. Đây là điều kiện tốt để tiếp cận khoa học công nghệ. Thông qua hội thảo này, ông Phạm S kỳ vọng các tỉnh có liên quan xem xét lại sự phối hợp và tiếp cận khoa học công nghệ để tăng cường liên kết của vùng với TP.HCM.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thị trường thế giới rất rộng mở nhưng không dễ dàng để bước vào. Các tập đoàn lớn có thể đi được nhưng DN nhỏ thì rất khó. Chính vì vậy, ông Hoan cho rằng các DN đến từ TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên cần liên kết lại theo ba góc độ.

Thứ nhất là DN lớn phải là người đi đầu, người tiên phong, là người dẫn dắt hỗ trợ DN nhỏ và DN mới khởi nghiệp. Các DN này cần hỗ trợ DN mới ra đời để họ hướng theo, cùng có sản phẩm xuất khẩu.

Thứ hai, ông Hoan cho rằng chính quyền địa phương các tỉnh vùng Tây Nguyên phải hỗ trợ, liên kết lẫn nhau để chia sẻ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi. “Nếu mỗi địa phương, mỗi vùng có chính sách riêng, có cách làm riêng nhưng không có kết nối chung thì sản xuất không tiếp cận được thị trường, nguồn nguyên liệu không tiếp cận được DN. Thậm chí sản xuất trong nước không đáp ứng được thị trường xuất khẩu. Do đó, vai trò của Nhà nước, lãnh đạo các địa phương cũng rất quan trọng” - ông Hoan nói.

Thứ ba, phải kết hợp giữa xuất khẩu với thị trường nội địa, khai thác tối đa thị trường nội địa. Muốn khai thác tối đa thì cũng phải liên kết, trong đó TP.HCM là trung tâm tiêu thụ, chế biến thì Tây Nguyên là vùng cung cấp nguyên liệu. Ở nơi tiêu thụ phát ra những “tín hiệu” hoặc yêu cầu đòi hỏi mới thì khu vực nguyên liệu căn cứ theo đó để phục vụ. •

Hơn 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Tính đến tháng 3-2023, Việt Nam có hơn 3.000 DN đổi mới sáng tạo trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, chỉ tính từ năm 2020 đến 2022, số vốn đầu tư vào DN khởi nghiệp sáng tạo đạt gần 2 tỉ USD.

Cả nước hiện có 200 không gian làm việc chung, 84 cơ sở ươm tạo, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 208 quỹ đầu tư mạo hiểm trong đó có gần 40 quỹ đầu tư trong nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm