Tăng tốc kết nối giao thương TP.HCM và vùng Tây Nguyên

(PLO)- Hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên mang tầm chiến lược, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của cả hai.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 29-12, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2010-2021.

Chủ trì hội nghị có ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; ông Trương Hải Long - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông; ông Võ Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; lãnh đạo các sở, ban ngành và đông đảo doanh nghiệp tiêu biểu của các địa phương.

Hợp tác để TP.HCM - Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững

Theo báo cáo, trong 11 năm qua, chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực như: Đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông và các hoạt động an sinh xã hội.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (thứ ba từ trái qua) cùng năm chủ tịch UBND các tỉnh Tây Nguyên ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: VÕ TÙNG

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (thứ ba từ trái qua) cùng năm chủ tịch UBND các tỉnh Tây Nguyên ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: VÕ TÙNG

Báo cáo tại hội nghị cũng nhìn nhận Tây Nguyên còn những hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại; GRDP bình quân đầu người vẫn còn ở mức thấp.

Nhìn chung, đây vẫn là vùng gặp nhiều khó khăn, phát triển chủ yếu dựa trên nền tảng nông nghiệp với quy mô nhỏ; có ít chuỗi giá trị sản xuất gia tăng cao, thiếu lao động lành nghề, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, rủi ro cao, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu; công nghiệp, dịch vụ các tỉnh trong vùng chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng. Liên kết thị trường nội vùng, liên kết với các khu vực và quốc tế còn bị hạn chế bởi nhiều nguyên nhân, trong đó rõ nét nhất là việc kết nối cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối.

Trong bối cảnh đó, báo cáo khẳng định sự hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên được xem là sự hợp tác mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể, trong những năm qua, TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã ký kết, triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước…

Tăng cường hợp tác để cùng thắng

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên là hoạt động liên kết kinh tế mở nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp của các địa phương.

Những năm qua, với các điều kiện thuận lợi, các chính sách ưu đãi của các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đã tạo sức hút lớn, hấp dẫn nhiều doanh nghiệp từ TP.HCM lên đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Nhiều dự án đã được triển khai một cách hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, nguyên vật liệu và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương.

“Sức hút của Tây Nguyên, chính sách của các địa phương và sự chung tay của các doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên” - ông Mãi đúc kết.

Tại hội nghị, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Kết quả hợp tác tuy đã đạt được nhiều nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai địa phương. Một số nội dung thỏa thuận hợp tác thực hiện còn chậm, hiệu quả chưa cao (giáo dục, lao động, văn hóa…).

Công tác chuyển giao, ứng dụng chuyển đổi số còn ở mức độ hạn chế. Tiến độ triển khai các dự án đầu tư du lịch của các nhà đầu tư đến từ TP.HCM còn diễn ra chậm, chưa khai thác hiệu quả các nguồn lực đất đai, môi trường đầu tư, kinh doanh… Cạnh đó, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, một số nhà đầu tư chưa thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng...

Tại hội nghị, từ hình mẫu mối quan hệ hợp tác giữa TP.HCM và tỉnh Lâm Đồng, đại biểu các tỉnh mong thời gian tới hợp tác, giao thương giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên sẽ tăng tốc để đạt được nhiều thành quả hơn, thúc đẩy sự phát triển trên nguyên tắc cùng thắng (win - win).

Tăng kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư hai chiều

Tại hội nghị lần này, lãnh đạo UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên và TP.HCM cũng đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 với mục tiêu: Chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các bên và khu vực; tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau, thúc đẩy hợp tác công - tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên; trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.

Lĩnh vực hợp tác trọng tâm sẽ bao gồm: Phát triển du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại hai chiều; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển y tế, giáo dục và lĩnh vực nông nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm