Sáng 14-4, Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với Công đoàn ngành giáo dục TP tổ chức hội thảo góp ý xây dựng bộ tiêu chí “trường học hạnh phúc”.
Cần thiết phải xây dựng “trường học hạnh phúc”
Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng, trường học trong bối cảnh mới phải quan tâm nhiều hơn đến yếu tố con người, chương trình học và môi trường tác động tới người học bên cạnh việc truyền tải kiến thức.
|
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HP |
Đặc biệt tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đề cập đến sự cần thiết của việc xây dựng "Trường học hạnh phúc".
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Minh Quốc Bảo, Chủ tịch công đoàn ngành giáo dục TP khẳng định, một trong những giải pháp nâng cao năng lực sư phạm, đạo đức cho đội ngũ nhà giáo trong tình hình mới là xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc".
Cụ thể, từ 22 tiêu chí xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc" theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), các chuyên gia đã rút gọn còn 3 đến 5 tiêu chí để phù hợp với điều kiện trong nước.
Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn giáo dục Việt Nam triển khai hệ tiêu chí này đến trường học. Trên cơ sở đó, Công đoàn ngành giáo dục TP phối hợp cùng Sở GD&ĐT đã xây dựng dự thảo bộ tiêu chí "trường học hạnh phúc" trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.
“Trường học hạnh phúc” bắt đầu từ đâu?
Tại hội thảo, nhiều cán bộ quản lý đã chia sẻ những suy nghĩ cũng như giải pháp để xây dựng “trường học hạnh phúc”.
Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD&ĐT quận 3 cho rằng, “trường học hạnh phúc” cần được xây dựng trên giá trị của tình yêu thương, sự tôn trọng và an toàn.
|
"Trường học hạnh phúc" khi giáo viên và học sinh cảm thấy vui khi tới trường. Trong ảnh: Cô trò trường THCS Bình Tân, quận Bình Tân. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Cụ thể, HS khi đến trường được học hỏi, tiếp thu kiến thức, tham gia nhiều hoạt động để phát triển toàn diện, được thể hiện chính kiến của mình. Điều này chỉ có được trong một môi trường có tinh thần dân chủ.
Mặt khác, “trường học hạnh phúc” khi HS thấy an toàn khi đến trường và học ở trường. Các em nhận được sự trợ giúp kịp thời khi có những vấn đề về tâm lý từ thầy cô. Do đó vấn đề này các cán bộ quản lý cần quan tâm.
Trong khi đó, bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 cho rằng “trường học hạnh phúc” khi các em thấy vui khi đến trường, được nói lên suy nghĩ của mình và làm những điều mình thích. Còn với GV, họ được quan tâm về đời sống vật chất lẫn tinh thần, được tạo điều kiện tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ, bồi dưỡng về chuyên môn.
Bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, TP Thủ Đức cho rằng mỗi trường học có đặc thù riêng về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nên cần tiêu chí mở đối với việc thực hiện mô hình này.
Ở góc độ phòng GD&ĐT, bà Trần Đức Hạnh Quỳnh, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 1 cho rằng, trường ở khu vực nội thành khác với trường ngoại thành về nhiều mặt như sĩ số, diện tích. Do đó, việc xây dựng bộ tiêu chí cần tính toán phù hợp đặc thù từng khu vực.
Dự thảo bộ tiêu chí xây dựng “trường học hạnh phúc”
Xây dựng “trường học hạnh phúc” gồm 3 tiêu chí
Tiêu chí 1: Môi trường nhà trường (trường có cơ sở vật chất, trường học xanh, sạch đẹp, an toàn; quy tắc ứng xử trường học; đảm bảo sức khoẻ thể chất, tinh thần; tôn trọng sự khác biệt; thân thiện; cơ hội để phát triển).
Tiêu chí 2: Dạy học và hoạt động giáo dục nhà trường (tích cực học tập nâng cao năng lực chuyên môn; học tập, kiểm tra, đánh giá phù hợp; lắng nghe, thấu hiểu, đối thoại tích cực; chuyển đổi số giáo dục...
Tiêu chí 3: Các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường (giáo viên làm gương cho học sinh; giáo viên và học sinh hợp tác chia sẻ, phối hợp hiệu quả với cha mẹ..)