TP.HCM xếp thứ ba về công tác phòng, chống tham nhũng

(PLO)- Theo kết quả mà Thanh tra Chính phủ vừa công bố, TP.HCM xếp thứ ba về công tác phòng, chống tham nhũng, tỉnh Phú Yên xếp cuối bảng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết quả đánh giá công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh năm 2022.

Theo kết quả mới được công bố thì tỉnh Vĩnh Phúc đứng đầu (77.95 điểm); TP.HCM xếp thứ 3 về công tác phòng, chống tham nhũng (77.28 điểm); tỉnh Phú Yên xếp cuối bảng xếp hạng (50.02 điểm).

Năm 2022, điểm trung bình đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh đạt 66.06 điểm, cao hơn 3.94 điểm so với năm 2021 (62.12 điểm), cao hơn 2.2 điểm so với năm 2020 (63.86 điểm), đồng thời là điểm trung bình cao nhất kể từ khi tổ chức đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng từ năm 2016 đến nay.

Nhiều địa phương chưa quan tâm PCTN

Kết quả thanh tra cũng cho thấy, đa số người đứng đầu các địa phương đều có văn bản chỉ đạo xử lý tố cáo, kiến nghị của công dân về tham nhũng; kiến nghị, đề nghị bảo vệ người tố cáo tham nhũng qua công tác tiếp công dân. Lãnh đạo địa phương cả nước đã ngày càng nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc định kỳ tiếp công dân, trực tiếp lắng nghe, đối thoại và ra quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân.

Tuy nhiên, còn một số địa phương việc tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh còn sơ sài, như Cà Mau và Tây Ninh không có điểm. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn tiếp công dân được một lần trong năm. Các tỉnh Ninh Thuận, Bạc Liêu và Quảng Nam ghi nhận Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân 2 lần trong năm tại mỗi địa phương.

Việc thực hiện công tác phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước vẫn đạt được kết quả tốt ( 78,20 %). Trong khi nội dung phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước chỉ đạt 45,90%.

Điểm số này phản ánh đúng thực trạng còn nhiều địa phương lúng túng và bị động trong việc triển khai nhiệm vụ phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác đánh giá PCTN của địa phương mình; vẫn còn tình trạng triển khai, tổ chức đánh giá công tác PCTN mang tính đối phó, chưa đi vào thực chất, thường giao cho Thanh tra tỉnh chủ trì thực hiện.

Việc này dẫn đến tình trạng khi triển khai, gặp nhiều khó khăn trong việc các sở, ban ngành, quận, huyện phối hợp cung cấp số liệu, tài liệu minh chứng để Thanh tra tỉnh tổng hợp, tự chấm điểm, làm chậm báo cáo tự đánh giá của địa phương theo kế hoạch.

Công tác phát hiện tham nhũng vẫn chủ yếu qua công tác điều tra, truy tố và xét xử. Hiệu quả từ các biện pháp phòng ngừa qua giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm tra nội bộ chưa được cải thiện đáng kể (chỉ đạt 6%). Việc xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN vẫn là khâu yếu của các địa phương.

Còn nhiều bức xúc khi làm thủ tục trực tuyến

Theo kết quả đánh giá, trong các chỉ số thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong khu vực nhà nước thì kết quả công khai minh bạch theo các quy định của Luật PCTN 2018 của năm 2022 có kết quả tăng ấn tượng khi đạt 88,17% so với yêu cầu và tăng 5,08 % so với năm 2021.

Tuy nhiên, đối với nhận định của PAPI và PCI 2022 thì người dân và doanh nghiệp vẫn chưa dễ dàng tiếp cận thông tin mà các cơ quan nhà nước cấp tỉnh đã công khai (mức độ đạt dưới 3,5/5 so với đánh giá).

Những tài liệu khó tiếp cận nhất với doanh nghiệp, người dân lần lượt là bản đồ và các quy hoạch sử dụng đất, các kế hoạch đầu tư công, chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương, và kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Thanh tra Chính phủ nhận định, đây đều là các loại thông tin tài liệu phải công khai theo quy định nhưng trên thực tế hầu như chưa được cung cấp một cách đầy đủ, rõ ràng bởi các địa phương

Trong nội dung thực hiện các biện pháp phòng ngừa thì có 2 chỉ số đạt điểm số chưa cao, gồm: kết quả thực hiện Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ (đạt 60,89%), việc xử lý xung đột lợi ích (đạt 46,83%) và Kết quả chuyển đổi số cấp tỉnh-DTI 2022 (đạt 57,24 %).

Điều này phản ánh thực tế khách quan còn nhiều bức xúc của người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận với cơ quan nhà nước thông qua hình thức trực tuyến cũng như việc tiếp xúc trực tiếp tại các cơ quan công quyền.

Xử lý người đứng đầu khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng

Để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả, Thanh tra Chính phủ yêu cầu các địa phương tiếp tục bám sát, kết hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh triển khai các nhiệm vụ về PCTN, nâng cao vai trò giám sát và chất lượng các cuộc giám sát trong việc phát hiện tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng.

Các địa phương cần chấn chỉnh kịp thời để nâng cao hiệu quả của cơ quan thanh tra trong việc phát hiện hành vi tham nhũng qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra, kiểm tra.

Đẩy mạnh thực hiện cơ chế bảo vệ người tố cáo, phát huy cơ chế khen thưởng người có thành tích trong tố cáo hành vi tham nhũng để khuyến khích người dân, xã hội, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp cùng chung tay với nhà nước trong công tác PCTN.

Đối với việc xử lý hành vi tham nhũng, địa phương cần chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiên quyết chuyển cơ quan chức năng xem xét để xử lý hình sự đối với cán bộ, công chức và người đứng đầu cơ quan đơn vị khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Theo báo cáo chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022, do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố, Việt Nam là 1 trong số 6 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội.

Năm 2022, Việt Nam tăng 3 điểm CPI so với năm 2021, từ 39 lên 42 trên thang điểm 100; điều này cho thấy những nỗ lực, sự quyết tâm mạnh mẽ và hiệu quả thực tế trong phòng, chống tham nhũng năm qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm