Giáo dục liêm chính: Một trụ cột trong phòng, chống tham nhũng

(PLO)- Văn hóa, đạo đức, liêm chính phải là gốc của chính sách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tọa đàm “giáo dục về phòng, chống tham nhũng (PCTN) với yêu cầu xây dựng văn hóa liêm chính trong giai đoạn mới” do báo Pháp Luật TP.HCM cùng Trường ĐH Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội được tổ chức sáng qua (19-10), tại Hà Nội.

Mất 13 năm đưa giáo dục PCTN vào luật

Tham dự tọa đàm có TS Nguyễn Văn Thanh - nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Ông là người trực tiếp tham gia quá trình soạn thảo Luật PCTN đầu tiên vào năm 2005 và sau đó là Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PCTN, lãng phí.

Giáo dục liêm chính: Một trụ cột trong phòng, chống tham nhũng
Quang cảnh tọa đàm “giáo dục về phòng, chống tham nhũng với yêu cầu xây dựng văn hóa liêm chính trong giai đoạn mới”. Ảnh: PHI HÙNG

“Lúc đấy, không hiểu sao nhưng không ai nghĩ ra là phải đưa giải pháp giáo dục vào Luật PCTN. Muốn PCTN tốt thì một giải pháp quan trọng phải là giáo dục hai nhóm đối tượng: thế hệ trẻ và đội ngũ cán bộ, công chức” - TS Thanh thông tin.

Để khắc phục việc chậm đưa giáo dục PCTN thành một giải pháp, quá trình soạn thảo Nghị quyết Trung ương 3 khóa X một năm sau đó đã đặt vấn đề và được thông qua thành một chỉ đạo: “Đưa nội dung Luật PCTN và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình giáo dục. Mở chuyên mục tuyên truyền, giáo dục về vấn đề này trên các báo, đài”.

Từ chỉ đạo chính trị ấy của trung ương, Thủ tướng ra Quyết định 137 phê duyệt Đề án “đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng” - gọi tắt là Đề án 137. Sau mấy năm thí điểm thì đề án được triển khai trên cả nước từ năm 2013. “Đến khi Luật PCTN được sửa đổi toàn diện vào năm 2018 thì ngay ở chương đầu tiên có riêng Điều 6 về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN!” - TS Thanh nói.

Tìm và hiểu về PCTN là một nhu cầu

Tại buổi tọa đàm, TS Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, chia sẻ: “Kết quả tổng kết 10 năm triển khai trên toàn quốc Đề án 137 cho thấy nội dung PCTN đã được lồng ghép, đưa vào chương trình giáo dục THPT, chương trình đào tạo các trường cao đẳng, đại học - tức hướng tới đối tượng học sinh, sinh viên và nhất là trong chương trình bồi dưỡng của các trường chính trị trên cả nước…”.

p3-anh 2.jpg
Ông Đinh Đức Thọ, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM phát biểu tại tọa đàm.
Ảnh: PHI HÙNG

Nhưng bên cạnh những kết quả tích cực, tổng kết cũng cho thấy những mặt hạn chế, bất cập. Ông Long thẳng thắn nêu: “Khi thí điểm triển khai Đề án 137, chúng tôi đã xây dựng tài liệu gốc để các ngành chuyển thành tài liệu phù hợp với đối tượng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng của mình. Đến nay, những giáo án ấy vẫn chưa được cập nhật!”.

Cạnh đó, triển khai thì vẫn chủ yếu dưới hình thức dạy - học chính khóa thông thường, trong khi hiệu quả hơn phải là các hoạt động ngoại khóa, chẳng hạn đóng vai xử lý tình huống.

Văn hóa liêm chính là nền tảng

Theo Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Đinh Đức Thọ và Trưởng khoa Lý luận lịch sử nhà nước và pháp luật - PGS Nguyễn Hoàng Anh, xây dựng văn hóa liêm chính là nền tảng của công cuộc PCTN, tiêu cực mà Đảng ta đã và đang tiến hành.

Cạnh đó, “xây dựng văn hóa liêm chính trong giai đoạn mới” là hướng đến bản chất của Đảng ta là một Đảng văn minh, trong đó, từ cả hệ thống chính trị đến từng đảng viên là những chủ thể, con người mang văn hóa, đạo đức liêm chính.

Theo TS Long, PCTN, tiêu cực dựa trên ba trụ cột: giáo dục, phát hiện và xử lý. Với nhịp độ công cuộc PCTN, tiêu cực đang được đẩy lên rất cao, rất thực chất như hiện nay thì nhu cầu tìm hiểu, trao đổi, thảo luận của học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức là rất lớn! “Nhưng thời lượng chỉ hai tiết/năm như trong chương trình giáo dục THPT thì rất khó đáp ứng” - TS Long nói và đặt ra vấn đề trong giai đoạn mới, cần nhận thức rõ hơn về yêu cầu xây dựng văn hóa liêm chính. Theo đó, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hình thành nên văn hóa liêm chính.

Nâng tầm “liêm chính” thành văn hóa

Về từ khóa “liêm chính”, TS Nguyễn Văn Thanh cho biết khi “làm” Luật PCTN năm 2005, từ cấp chuyên viên đến lãnh đạo cấp cao đều nhận thức rất rõ trụ cột cơ bản của đạo luật là “phòng ngừa”. Nhưng thời điểm đó, đạo luật chưa thực sự coi xây dựng văn hóa liêm chính là trọng tâm, dù lần đầu tiên đã luật hóa vấn đề quà tặng - vốn rất liên quan đến văn hóa công vụ, liêm chính.

Quá trình vận động chính sách sau đó, kể cả lần sửa luật khá lớn vào năm 2013, vấn đề này vẫn chưa được nhận thức đầy đủ. Và phải tới Luật PCTN năm 2018 mới hình thành rõ hơn trục liêm chính, trong đó bước đầu luật hóa yêu cầu kiểm soát xung đột lợi ích.

Thảo luận ở tọa đàm cho thấy “liêm chính, văn hóa liêm chính” vẫn là những khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam. PGS Vũ Công Giao, người tham gia triển khai Đề án 137 tại Trường ĐH Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội, cơ sở đào tạo duy nhất trên cả nước có chương trình thạc sĩ về quản trị nhà nước và PCTN, cho biết đang có nhiều định nghĩa.

Trong Từ điển tiếng Việt, “liêm chính” gồm “liêm” là “không tham lam, trong sạch” và “chính” là “ngay thẳng, đúng đắn”. Còn Từ điển tiếng Anh thì liêm chính (integrity) là tập hợp các phẩm chất đạo đức như sự trung thực, ngay thẳng, trong sạch.

Quá trình xác định “liêm chính” là gì không phải là việc chiết tự, chẻ chữ của hai hoặc nhiều chữ và hội ý nó để cho ra nghĩa mới. Theo nhiều học giả, phải xác định được nội hàm của liêm chính. “Liêm chính khi nâng lên thành văn hóa thì trở thành những quy tắc, chuẩn mực chung, giúp ngăn ngừa tham nhũng. Với tính chất là một giá trị đạo đức, văn hóa liêm chính là yếu tố cốt lõi để hiện thức hóa một trong bốn không, đó là không muốn tham nhũng” - TS Giao nói.

Nuôi dưỡng liêm chính bằng lương, không phải từ thu nhập

Nói tiếp về Luật PCTN, TS Nguyễn Văn Thanh cho biết một trong những giải pháp thúc đẩy văn hóa liêm chính là tất cả ngành, nghề, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là khu vực công, phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử để trực tiếp điều chỉnh hành vi ở các thành viên của mình.

“Nhưng theo quan sát của tôi, gần 20 năm qua, cả nước làm cái này không tốt. Các bộ quy tắc không tốt và tổ chức thực hiện cũng chưa tốt”.

Còn PGS Trần Văn Độ, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Phó Chánh án TAND Tối cao, cho biết từ yêu cầu của Luật PCTN, ngành tòa án đã xây dựng bộ quy tắc đạo đức thẩm phán, trong đó xác định liêm chính gồm thanh liêm và chính trực, không lợi dụng địa vị để thu lợi.

Nhưng nhìn rộng hơn, liêm chính không chỉ là mục tiêu, là giá trị đạo đức mà mỗi người phải vươn tới, mà còn là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước. “Cần nuôi dưỡng văn hóa liêm chính. Lương quá thấp, không đủ sống thì làm sao liêm chính? Nhà nước cần suy nghĩ để làm sao cán bộ, viên chức có thể sống được bằng lương ngân sách chứ không phải bằng thu nhập” - ông Độ nói.

Người trọng nhân nghĩa thì khó tham nhũng

Giáo dục văn hóa liêm chính cần đặt trong cội nguồn gốc rễ sâu sắc cấu thành giá trị văn hóa của con người. Nghề dạy luật chúng tôi thấm thía câu nói của một nhà triết học nổi tiếng: “Nếu chúng ta điều chỉnh tất cả mọi thứ bằng quy phạm pháp luật thì sẽ tạo ra một xã hội hỗn loạn”.

Có nghĩa là muốn thay đổi thì phải bắt đầu từ giáo dục tư tưởng, tư cách nhân phẩm con người. Muốn vậy, giáo dục phải được cầm cương bởi những nhóm tinh hoa trách nhiệm, có thể tạo ra những giá trị nền tảng. Nếu không làm được như thế thì giáo dục nói chung, giáo dục về PCTN chỉ là khẩu hiệu.

Trong quan hệ nhân quả, những nỗ lực, vất vả chống tham nhũng hiện nay chỉ là “quả”. Bởi nếu con người tử tế, tôn trọng giá trị nhân nghĩa, sống vì mọi người… thì sẽ không có tham nhũng.

Chúng ta gần đây nói nhiều về sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng đồng thời lúc này các quốc gia cũng đang xây dựng những bộ quy tắc đạo đức để kiểm soát AI. Nói thế để thấy văn hóa, đạo đức, liêm chính phải là gốc của chính sách PCTN, tiêu cực.

PGS NGUYỄN THỊ QUẾ ANH, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật - ĐH Quốc gia
Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm