Theo các nhà phân tích, nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể đang phát triển một loại trực thăng mới cho tàu sân bay, sau khi một nhóm kỹ sư nước này công bố nghiên cứu về thuật toán cho quy trình giúp máy bay hạ cánh an toàn hơn, tờ South China Morning Post đưa tin.
Các kỹ sư, đến từ ba trường đại học Trung Quốc chuyên về xây dựng hải quân, đóng tàu và hàng không, mới đây đã xuất bản công trình nghiên cứu trên Tạp chí Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ - tạp chí khoa học do Hiệp hội Kỹ sư Dân dụng Mỹ xuất bản.
Máy bay V-22 Osprey, được mệnh danh là "chim ưng biển" của Mỹ. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ/AFP
Theo South China Morning Post, các kỹ sư đã xem xét một mô hình hạ cánh mới dựa trên sự tối ưu hóa lấy cảm hứng từ loài chim bồ câu - các tính toán dựa trên hành vi của chim bồ câu - với mục đích giảm thiểu tai nạn đối với máy bay trực thăng cánh quạt xoay tiltrotor.
Trực thăng cánh quạt xoay tiltrotor là loại trực thăng lai máy bay cánh quạt cố định. Khi cất và hạ cánh thì hai động cơ sẽ dựng đứng để máy bay hoạt động như một trực thăng, khi đạt độ cao nhất định thì hai động cơ xoay theo phương nằm ngang để trực thăng bay như một máy bay cánh quạt cố định.
Tuy nhiên, những năm qua, lo ngại về độ an toàn đối với loại máy bay này vẫn tồn tại, liên quan các vấn đề phức tạp khi đáp trực thăng trên tàu sân bay.
Theo South China Morning Post, quân đội Trung Quốc không có bất kỳ máy bay trực thăng cánh quạt xoay tiltrotor nào trong biên chế. Bắc Kinh đã nghiên cứu phát triển loại máy bay này hơn một thập niên qua.
Trong công trình nghiên cứu, các kỹ sư cho biết đã đưa ra một mô hình mới để lập kế hoạch di chuyển của trực thăng cánh quạt xoay khi tiếp cận tàu sân bay, dựa trên cách loài chim bồ câu di chuyển.
Các kỹ sư chia cách tiếp cận thành vùng có thể bay và vùng không bay, theo đó đề xuất một máy bay trực thăng cánh quạt xoay cần tuân theo ba quy trình hạ cánh chiến lược “từng bước” với các góc độ khác nhau.
Công trình nghiên cứu đưa ra một loạt mô hình toán học cho cách tiếp cận trên, trong đó có tính đến yếu tố thời tiết, chuyển động của tàu sân bay và điều kiện biển.
Máy bay MV-22B của Mỹ. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
South China Morning Post dẫn lời ông Collin Koh - chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS) – nhận định nghiên cứu trên có thể là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang phát triển loại máy bay trực thăng cánh quạt xoay, tương tự trực thăng V-22 Osprey của Mỹ, cho tàu đổ bộ tấn công Type-075.
“Máy bay cánh quạt xoay sẽ mạnh mẽ hơn về khả năng nâng so với các trực thăng thông thường” – ông Koh nhận định, nói thêm rằng máy bay này có thể mang lại năng lực không vận tốt hơn cho quân đội Trung Quốc.
Theo ông, máy bay trực thăng cánh quạt xoay cũng sẽ có thể được sử dụng trên các tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông.
Theo ông Lu Li-Shih - cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan ở Cao Hùng – nhận định nghiên cứu trên sẽ là nguồn tài liệu tham khảo về hoạt động hạ cánh an toàn, đồng thời là nền tảng lý thuyết đối với các loại máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) khác mà Bắc Kinh dự định phát triển cho hải quân.
Trong khi đó, Zhou Chenming - nhà nghiên cứu từ Viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang - cho hay Bắc Kinh vẫn do dự trong việc phát triển loại máy bay trực thăng cánh xoay vì những lo ngại về tính bất ổn và sẽ tìm kiếm các lựa chọn khác.
“Trung Quốc cần các máy bay vận tải lớn để hỗ trợ tàu Type-075 và các tàu hải quân lớn khác. Máy bay trực thăng phục vụ trên tàu trong tương lai của Trung Quốc sẽ được lấy cảm hứng từ thiết kế của máy bay trực thăng hỗn hợp Sikorsky-Boeing SB-1 Defiant của Mỹ” – nhà nghiên cứu này nói thêm.