Gần đây, đường dây nóng của nhiều cơ quan công an, phòng cháy chữa cháy (PCCC), bệnh viện… vẫn nhận được nhiều tin báo giả do người hoang báo ỷ y cơ quan chức năng sẽ không truy tìm được thủ phạm. Nhiều người còn đến tận nơi trình báo giả nhằm che giấu những hành vi phạm tội khác của mình hoặc người thân.
Cướp, cháy… đều có tin giả
Gần đây nhất, ngày 21-7, ông Trần Lý Phước Lợi (Bà Rịa-Vũng Tàu) đến công an tỉnh này trình báo bị một nhóm thanh niên tấn công, cướp xe máy, trong xe có nhiều giấy tờ tùy thân.
Vào cuộc điều tra, Công an TP Vũng Tàu xác định ông Lợi trình báo sai sự thật. Ông này không bị cướp mà liên quan đến một vụ tai nạn giao thông, công an đã tạm giữ các phương tiện liên quan đến vụ tai nạn. Sau vụ tai nạn, ông Lợi được người đi đường đưa đi cấp cứu, còn xe máy được CSGT đưa về trụ sở.
Thế nhưng thay vì đến cơ quan CSGT liên hệ, ông lại đi trình báo bị cướp với mục đích để cơ quan điều tra truy tìm xe máy và có cơ sở làm lại các giấy tờ đã bị thất lạc.
Trước đó, ông Lê Quang Trung (Vĩnh Long) được một tiệm vàng thuê đến TP Trà Vinh vận chuyển vàng. Trên đường về, Trung mang giấu vàng tại nhà riêng rồi đến công an trình báo mình bị cướp, tổng giá trị số tài sản lên đến 450 triệu đồng. Công an huyện Châu Thành nhanh chóng phát hiện ra mánh khóe Trung dùng để chiếm đoạt số tiền, vàng này.
Không chỉ báo tin giả về các vụ trộm cướp nhằm che giấu mục đích riêng, nhiều người còn báo cháy giả để làm “thú vui”. Một thời gian Cảnh sát PCCC TP.HCM liên tục nhận nhiều tin báo cháy giả. Điển hình một người tên NPBH (quận 4) khi bị triệu tập khai trong ba tháng đã dùng SIM rác gọi 25 lần đến Sở Cảnh sát PCCC TP, 10 lần đến Cảnh sát PCCC quận 1, quận 7 và quận 8 để quấy phá khiến lực lượng chức năng nhiều lần xuất xe đi gây lãng phí, tốn kém. Khi bị nhắc nhở, H. còn thách đố công an bắt được mình.
Tìm thủ phạm không khó
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc trình báo đến cơ quan chức năng về tội phạm hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác được xem là một hình thức tố giác tội phạm, quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, trong trường hợp tin tố giác là hoang báo, không có thật, người báo tin sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi đưa tin của mình. Nếu cố ý thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, việc hoang báo có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về hành chính, hành vi tố cáo sai sự thật có thể bị xử lý theo hành vi “báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng (khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013). “Thông thường các trường hợp báo tin giả là để trốn tránh nợ nần, giải quyết mâu thuẫn nên chủ yếu là dừng lại ở xử phạt hành chính” - luật sư Thơm giải thích thêm.
Như với hành vi báo cháy giả có thể bị xử phạt tới 5 triệu đồng. Cụ thể, khoản 3 Điều 40 Nghị định 167/2013 quy định phạt tiền 2-5 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Báo cháy giả; không báo cháy hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy.
Tuy nhiên, nếu việc báo tin giả nhằm thực hiện hoặc che giấu một hành vi tội phạm khác thì sẽ bị xử lý hình sự tương ứng. Ví dụ, nhân viên công ty đi rút tiền rồi giả vờ trình báo bị cướp để chiếm đoạt số tiền thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hoặc trường hợp báo tin giả để vu khống cá nhân, tổ chức nào đó, người báo tin cũng sẽ bị xử lý với tội danh tương ứng. Trên thực tế việc truy xét để xử lý hình sự các trường hợp báo tin giả còn nhiều khó khăn, song bằng kỹ thuật nghiệp vụ, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể tìm được đầu mối thủ phạm đưa tin giả ngay cả qua điện thoại.
Đã có trường hợp phạt tới 5 triệu đồng Với việc trình báo tin cướp giả, ông Trần Lý Phước Lợi cũng bị Công an TP Vũng Tàu ra quyết định xử phạt số tiền 750.000 đồng, còn Lê Quang Trung bị Công an huyện Châu Thành xử phạt vi phạm hành chính số tiền 1 triệu đồng. Đối với NPBH, người đã báo 35 tin báo cháy giả, bị Cảnh sát PCCC TP.HCM xử phạt tới 5 triệu đồng. |