Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN) riêng lẻ. Trong đó quy định trường hợp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền thì DN có thể đàm phán với nhà đầu tư để trả nợ bằng tài sản khác (nhà đất, ô tô, cổ phiếu…).
Khất nợ, đổi tài sản
Thời gian gần đây, nhiều công ty thông báo không thể thanh toán đúng thời hạn các khoản gốc lẫn lãi trái phiếu DN, đồng thời đưa ra phương án hoán đổi tiền gốc trái phiếu với các tài sản khác. Mới đây nhất, ngày 21-2, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) thông báo chưa thể trả nợ cho lô trái phiếu đã đến thời hạn đáo hạn với giá trị 1.000 tỉ đồng.
Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ quy định doanh nghiệp được thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Đến sáng 22-2, đại diện công ty này cho biết việc xử lý khoản nợ này sẽ được tiến hành theo hai cách. Đó là công ty sẽ kéo dài thời gian trả nợ vốn gốc thêm hai tháng, hoặc trái chủ có thể hoán đổi trái phiếu sang sản phẩm bất động sản của công ty.
Lượng trái phiếu đến hạn lớn
Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết trong 10 ngày đầu tháng 2, trên thị trường không có DN nào phát hành trái phiếu. Còn nếu tính từ đầu năm đến nay, tổng khối lượng phát hành trái phiếu DN riêng lẻ chỉ đạt 110 tỉ đồng.
Trong khi đó, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 2 trên 5.000 tỉ đồng. Qua đến tháng 3, lượng trái phiếu riêng lẻ đáo hạn tăng lên hơn 12.000 tỉ đồng.
“Việc chưa trả được nợ là bất khả kháng do thị trường bất động sản và các thị trường tài chính đang gặp nhiều khó khăn khiến công ty bị ảnh hưởng đến dòng tiền. Chúng tôi luôn nỗ lực thanh toán các khoản nợ và đang trong quá trình cấu trúc tài chính để hoạt động kinh doanh khởi sắc nhằm đảm bảo quyền lợi của trái chủ và các khách hàng, đối tác” - đại diện công ty này cho biết thêm.
Đây cũng là hướng giải quyết các khoản nợ trong bối cảnh mất thanh khoản được nhiều DN tính đến. Chẳng hạn, Công ty Tập đoàn Alpha Seven đã đàm phán thanh toán gốc trái phiếu bằng cổ phần.
Theo giới chuyên gia, các phương án trên là phù hợp với nội dung dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2022 mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ. Điều này nhằm mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên, cũng như cho phép DN phát hành có thêm thời gian để xử lý các vấn đề trái phiếu.
Giải pháp khá hợp lý
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương nhận định trong năm 2023 nhiều công ty bất động sản sẽ đối diện với áp lực đáo hạn trái phiếu với lượng tiền trả nợ cho trái chủ rất lớn. Trong khi đó, thị trường chứng khoán đang èo uột, vay ngân hàng ngày càng khó, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu suy giảm niềm tin nên khó phát hành đảo nợ. Vì vậy, các công ty địa ốc sẽ khó giải quyết khối nợ rất lớn từ trái phiếu DN đã phát hành.
Trong bối cảnh trên, sử dụng phương thức đổi trái phiếu bằng bất động sản hoặc các tài sản khác là một giải pháp khá hợp lý trong tình huống DN không thể thanh toán khi đến hạn.
“Những công ty bất động sản có dự án đã đưa vào hoạt động, tính pháp lý tốt sẽ dễ dàng thuyết phục các chủ nợ theo cách hàng đổi hàng. Trái chủ cũng được lợi lớn vì có thể mua được bất động sản với những điều khoản tốt cũng như mức giá hợp lý. Chưa kể, việc hoán đổi này còn có thể mang lại lợi nhuận tốt cho trái chủ trong tương lai vì bất động sản có xu hướng tăng trong dài hạn” - ông Phương nói.
Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, việc cho phép hoán đổi trái phiếu sang bất động sản hoàn toàn hợp lệ về mặt pháp lý và đây cũng là lối ra hợp lý trong bối cảnh thị trường trái phiếu DN khó phát hành như hiện nay. Nó giúp các DN phát hành giải quyết các khó khăn khi khoản nợ trái phiếu đến kỳ đáo hạn, đặc biệt là các DN có năng lực, thương hiệu và dự án hoàn chỉnh.
Nếu trái chủ thấy khoản tiền trái phiếu chưa cần sử dụng cấp bách có thể chuyển hóa sang đầu tư bất động sản nếu đánh giá được tiềm năng. Việc hoán đổi trái phiếu sang bất động sản sẽ đảm bảo an toàn hơn, vì lúc đó là tài sản thực chứ không còn là tờ giấy cam kết nữa.
Tóm lại, phương thức hàng đổi hàng sẽ có lợi cho đôi bên. Với trái chủ, yên tâm không bị mất tiền, thậm chí có khoản lợi thặng dư khi thị trường chứng khoán và bất động sản tăng trưởng mạnh mẽ. Về phía DN sẽ giải quyết được khoản nợ trái phiếu, không bị gánh nặng tìm vốn để trả nợ, cũng như giảm lượng hàng tồn kho.
Lợi ích cùng hưởng, rủi ro cùng chia sẻ
Dù pháp luật cho phép chủ nợ và người nợ được quyền thỏa thuận các nghĩa vụ trả nợ nhưng điều này không đồng nghĩa DN phát hành có thể ép trái chủ theo phương thức hoán đổi trái phiếu lấy tài sản khác. Dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2022 cũng yêu cầu DN phát hành phải tôn trọng quyết định của trái chủ.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng việc hoán đổi thành công phụ thuộc vào quan điểm của trái chủ. Chẳng hạn, DN phát hành nếu đưa giá trị bất động sản quy đổi vượt quá cao giá trị thị trường, hay tài sản không có tiềm năng sinh lời, bán được trên thị trường thì chẳng trái chủ nào chấp nhận. Sự thỏa thuận chỉ thành công nếu DN có sự công khai, minh bạch, thông tin đúng và trung thực, cũng như thiện chí trả nợ của mình.
“Với trái chủ, cần tìm hiểu kỹ dự án đã hoàn thành chưa, có hồ sơ pháp lý mới thực hiện việc hoán đổi này” - ông Đức nhấn mạnh.
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cũng lưu ý việc hoán đổi trái phiếu thành cổ phiếu đồng nghĩa chuyển vai trò chủ nợ sang sở hữu công ty. Trái chủ lúc này cùng chung vai góp sức cùng công ty để vượt qua khó khăn theo hướng lợi ích cùng hưởng, rủi ro chia sẻ.
Tuy nhiên, việc hoán đổi này có thể sẽ tạo ra khối lượng cổ phiếu rất lớn, gây pha loãng giá trị. Ngoài ra, thị trường chứng khoán hiện không mấy tích cực, giá cổ phiếu hoàn toàn có thể đi xuống nếu công ty không cải thiện được năng lực kinh doanh. Lúc đó, trái chủ chấp nhận chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu có thể nhìn thấy khoản tiền mua trái phiếu trước đó bị giảm, chưa kể không bán được cổ phiếu để thu tiền về.
Mặt khác, việc hoán đổi trái phiếu lấy bất động sản không phải là không có rủi ro. Đó là rủi ro về mặt pháp lý và thanh khoản. Do đó, để thành công trong việc hoán đổi, DN phát hành phải xây dựng được phương án mang tính có lợi cho trái chủ, phù hợp với các quy định của luật. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên có những hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho phương án đổi trái phiếu lấy tài sản khác.
Nhiều nước sử dụng trái phiếu chính phủ hoán đổi trái phiếu doanh nghiệp
|
TS Hoàng Văn Cường. TS Trương Văn Phước. |
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản do Thủ tướng chủ trì vào ngày 17-2 vừa qua, TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết: Hiện nay, nhiều quỹ đầu tư bên ngoài đang chuẩn bị sẵn tiền chờ cơ hội thâu tóm các dự án đang gặp khó khăn. Điều này sẽ có nguy cơ gây hệ lụy lâu dài đối với việc kiểm soát thị trường bất động sản và nhiều vấn đề khác của đất nước.
Trong trường hợp này, Chính phủ cần phải can thiệp trực tiếp bằng phát hành trái phiếu chính phủ để mua lại trái phiếu DN với lãi suất thấp hơn, thời gian dài hơn để người dân yên tâm không bị rủi ro đối với tiền vốn đã mua trái phiếu DN. Sau đó, chuyển các khoản nợ này cho các tổ chức quản lý nợ của Nhà nước quản lý và kiểm soát hoạt động của các dự án này để tiếp tục đầu tư đến khi thu hồi vốn.
Cùng góc nhìn, TS Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết nhiều nước cũng sử dụng trái phiếu Chính phủ để hoán đổi trái phiếu DN. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư có niềm tin về việc không bị mất tiền, cũng như hỗ trợ thanh khoản cho DN. Tuy nhiên, việc hoán đổi này không mang tính chất cào bằng mà chỉ dành cho các DN có dự án tốt, có khả năng phục hồi.