Trả phí chia sẻ thông tin báo chí-Bài 2: Những tiền lệ buộc Google, Facebook nhượng bộ

(PLO)- Nỗ lực của Úc và Canada trong việc yêu cầu các gã khổng lồ công nghệ trả phí chia sẻ thông tin báo chí có thể thiết lập tiền lệ cho các quốc gia khác áp dụng theo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước việc Google và Facebook sử dụng nội dung của các cơ quan báo chí nhưng không chia sẻ doanh thu, nhiều quốc gia đã hành động để buộc những gã khổng lồ công nghệ trên phải trả phí chia sẻ thông tin báo chí nhằm bảo vệ ngành báo chí nước nhà.

Bài 2 thuộc vệt bài cuộc chiến giữa các nước và các nền tảng công nghệ để buộc các nền tảng này phải trả phí chia sẻ thông tin báo chí sẽ đề cập chi tiết tiền lệ của Úc và Canada thành công buộc Google và Facebook phải nhượng bộ vấn đề trả tiền bản quyền báo chí.

Quốc gia đầu tiên gây tiếng vang trên toàn cầu trong việc "đòi tiền” từ Meta (công ty mẹ của Facebook, Instagram,...) và Alphabet (công ty mẹ của Google) là Úc. Năm 2021, Úc thông qua dự luật Thương lượng bắt buộc trên nền tảng kỹ thuật số và truyền thông tin tức.

Kể từ đó, ngày càng có nhiều quốc gia theo bước Úc buộc Google và Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí khi chia sẻ nội dung tin tức trên những nền tảng công nghệ này, theo tờ Project Syndicate.

Trả phí chia sẻ thông tin báo chí
Một người đàn ông chụp ảnh trước trụ sở chính của Meta tại bang California (Mỹ). Ảnh: REUTERS

Vào tháng 6, Canada công bố Đạo luật Tin tức Trực tuyến tương tự của Úc, trong khi Nam Phi tiến hành điều tra về thị trường quảng cáo kỹ thuật số. Các quốc gia như Indonesia, Nhật, New Zealand và Thụy Sĩ đều đã xem xét các dự luật tương tự của Úc. Gần đây, Brazil cũng khôi phục việc thảo luận Luật tin giả, vốn bị đình chỉ hồi tháng 5.

Úc - quốc gia tiên phong gây tiếng vang

Úc trở thành nước đầu tiên thông qua dự luật yêu cầu các nền tảng công nghệ trả tiền cho các cơ quan báo chí khi sử dụng nội dung của những cơ quan này. Tuy nhiên để đạt được điều đó, chính phủ Úc đã phải mất nhiều năm nghiên cứu, soạn thảo dự luật và đàm phán cam go với các gã khổng lồ công nghệ.

. Mở đầu cho chặng đường đấu tranh trên, vào tháng 12-2017, chính phủ Úc yêu cầu Uỷ ban Tiêu dùng và Cạnh tranh Úc (ACCC) điều tra công khai về tác động của nền tảng công nghệ đối với cạnh tranh trên thị trường dịch vụ truyền thông và quảng cáo, đặc biệt liên quan việc cung cấp nội dung tin tức và báo chí.

. Đến năm 2020, Bộ trưởng Tài chính Úc khi đó là ông Josh Frydenberg thông báo Canberra sẽ yêu cầu Facebook và Google chia sẻ doanh thu quảng cáo với các công ty truyền thông địa phương, trong bối cảnh các cơ quan báo chí nước sở tại gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ông Frydenberg cho biết động thái này diễn ra sau khi các cuộc đàm phán với Facebook và Google thất bại, không đưa ra được một bộ quy tắc tự nguyện để giải quyết khiếu nại của các hãng truyền thông trong nước rằng các gã khổng lồ công nghệ đã kiểm soát quá chặt chẽ quảng cáo.

Do đó, chính phủ Úc yêu cầu ACCC xây dựng quy tắc ứng xử bắt buộc giữa các cơ quan truyền thông và các nền tảng công nghệ. Bộ quy tắc này bao gồm việc chia sẻ dữ liệu, xếp hạng và hiển thị nội dung tin tức cũng như chia sẻ doanh thu được tạo ra từ tin tức. Bộ quy tắc này cũng thiết lập các cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và hình phạt tương ứng.

Google bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với động thái trên của chính phủ Úc trong khi Facebook thể hiện sự thất vọng.

. Tháng 7-2020, ACCC giới thiệu dự luật Thương lượng bắt buộc trên nền tảng kỹ thuật số và truyền thông tin tức để buộc những gã khổng lồ công nghệ Google và Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí. Theo ông Frydenberg, dự luật "sẽ giải quyết sự mất cân bằng về khả năng thương lượng giữa các doanh nghiệp truyền thông tin tức và nền tảng công nghệ".

Theo dự luật này, các gã khổng lồ công nghệ sẽ được khuyến khích đàm phán với các công ty truyền thông lớn ở Úc về khoản tiền mà những nền tảng công nghệ này sẽ trả cho việc sử dụng tin tức.

Nếu họ không thể đạt được thỏa thuận, một trọng tài độc lập sẽ được chỉ định để đưa ra quyết định ràng buộc. Các nền tảng công nghệ có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 7,4 triệu USD trong trường hợp họ không tuân thủ quyết định.

. Dự luật Thương lượng bắt buộc trên nền tảng kỹ thuật số và truyền thông tin tức hay còn gọi là Đạo luật Thương lượng tuyên truyền thông tin được trình lên Hạ viện Úc vào tháng 12-2020 và được cơ quan này thông qua vòng đọc thứ ba vào ngày 17-2-2021.

Ban đầu, hai gã công nghệ Facebook và Google phản đối mạnh mẽ dự luật trên, vốn sẽ cho phép các phương tiện truyền thông thương lượng riêng lẻ hoặc tập thể với nền tảng công nghệ và tham gia vào một quyết ràng buộc nếu các bên không thể đạt được thỏa thuận.

Google lập luận rằng chất lượng của Google Tìm kiếm (Google News) và YouTube sẽ giảm đáng kể nếu dự luật được thông qua. Google đe dọa đóng công cụ tìm kiếm tại Úc nhưng sau đó gã khổng lồ công nghệ này đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt toàn cầu với News Corp của ông Rupert Murdoch - chủ sở hữu tờ Wall Street Journal, và 2/3 số tờ báo ở các thành phố lớn của Úc để phát triển nền tảng đăng ký và chia sẻ doanh thu quảng cáo.

Trong khi đó, Facebook có hành động quyết liệt hơn khi đóng cửa các trang tin tức ở Úc xuất hiện trên nền tảng này và không cho phép người dùng Úc chia sẻ tin tức trên nền tảng này.

2023-08-29t100129z-2085237566-rc-7181.jpg
Biểu tượng của Meta - công ty mẹ của Facebook, Instagram. Ảnh: REUTERS

. Một tuần sau đó, Facebook khôi phục lại hoạt động sau khi Úc thực hiện một số thay đổi đối với dự luật. Thay đổi này bao gồm điều khoản rằng “phải tính đến việc liệu nền tảng công nghệ có đóng góp đáng kể cho sự bền vững của ngành tin tức Úc thông qua việc đạt được các thỏa thuận thương mại với các doanh nghiệp truyền thông tin tức hay không”.

Chính phủ Úc cũng cho hay dự luật cũng sẽ điều chỉnh về cơ chế trọng tài khi giờ đây điều khoản này sẽ chỉ được sử dụng như “biện pháp cuối cùng” sau một thời gian hòa giải "thiện chí".

. Đến ngày 25-2-2021, dự luật sửa đổi được cả Hạ viện và Thượng viện Úc thông qua, chính thức có hiệu lực vào tháng 3-2021.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính Úc công bố năm 2022, kể từ khi đạo luật Thương lượng bắt buộc trên nền tảng kỹ thuật số và truyền thông tin tức có hiệu lực, các công ty công nghệ đã ký hơn 30 thỏa thuận với các cơ quan truyền thông để trả tiền cho việc sử dụng nội dung của các cơ quan này, theo hãng tin Reuters.

Canada tiếp bước Úc

Tiếp nối thành công của Úc, Canada cũng đã có hành động tương tự khi công bố Đạo luật Tin tức Trực tuyến (hay còn gọi là Dự luật C-18) vào năm 2022. Đạo luật này có nội dung tương tự luật Thương lượng bắt buộc trên nền tảng kỹ thuật số và truyền thông tin tức của Úc, theo trang CTV News.

Đạo luật Tin tức Trực tuyến, được thông qua hồi tháng 6 và có hiệu lực vào ngày 19-12, yêu cầu các gã khổng lồ công nghệ phải trả phí cho các cơ quan báo chí Canada nếu muốn tiếp tục sử dụng nội dung của các cơ quan báo chí đó.

Đạp luật cũng yêu cầu các công ty công nghệ có 20 triệu người dùng hàng tháng và doanh thu hàng năm từ 1 tỉ CAD (748 triệu USD) trở lên phải bồi thường cho các cơ quan báo chí Canada vì đã dẫn liên kết đến các trang của họ.

Tuy nhiên, khác với trường hợp của Úc, Canada thực hiện một cách tiếp cận cứng rắn hơn. Trong khi chính phủ Úc hợp tác với Google và Meta để phát triển các điều khoản dành cho các nền tảng công nghệ và cơ quan báo chí nhằm thực hiện các giao dịch ngoài bộ quy tắc, thì chính phủ Canada không có điều khoản này.

Theo luật mới của Canada, các nền tảng công nghệ sẽ phải trả tiền cho mỗi liên kết tới một bài báo mà không thương lượng, theo tờ Lowy Institute.

Cả Google và Meta ban đầu đều tuyên bố rằng sẽ chặn tin tức của Canada khỏi nền tảng của họ để đáp trả luật mới. Tuy nhiên, hồi tháng 11, chính phủ Canada và Google đạt được thỏa thuận liên quan Đạo luật Tin tức trực tuyến. Theo đó, Google đã đồng ý sẽ trả 100 triệu CAD (73,6 triệu USD) mỗi năm cho các cơ quan báo chí của Canada.

Ngược lại, Meta quyết định chặn người dùng Canada tiếp cận tin tức trên nền tảng Facebook và Instagram từ tháng 8, động thái tương tự mà gã khổng lồ này từng áp dụng đối với trường hợp của Úc. Cuối tuần trước, Thủ tướng Canada - ông Justin Trudeau tuyên bố sẽ tiếp tục gây áp lực lên Meta tuân thủ luật mới, theo Reuters.

Đây là bài thứ 2 trong loạt bài về "yêu cầu các nền tảng công nghệ trả phí chia sẻ thông tin báo chí”. Mời quý độc giả đón đọc bài 3, với những đánh giá từ các chuyên gia về xu hướng các quốc gia nỗ lực yêu cầu các gã khổng lồ công nghệ hợp tác để bảo vệ ngành báo chí truyền thống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm