Trải lòng của hai nạn nhân bị “chăn dắt”

Hiện trung tâm đang liên hệ với gia đình để người nhà vào đưa hai ông bà về quê.

Hai nạn nhân của vợ chồng ông Chung trải lòng với chúng tôi…

Ông T. bộc bạch: “Tôi đi ăn xin và quá đau lòng khi nhớ lời cha dạy là đừng bao giờ ngửa tay xin ai”. Ông kể tiếp: Mấy tháng trước vợ ông Chung đến nhà một người bà con của tôi, nói là muốn thuê người vào Nam làm việc, mỗi tháng trả cho bà 3 triệu đồng. Vào tới nơi, tôi đi bán tăm bông nhưng không ai mua, ngoài nhà thì đã ứng trước 2 triệu đồng để trả tiền công thuê người ta cày cấy. Vợ ông Chung bảo tôi phải đi ăn xin, tôi không chịu, nằng nặc đòi về nhưng không có tiền, bà ấy cũng không cho về. Từ lúc cha mẹ sinh ra, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày mình phải làm việc này. Ngày tôi còn nhỏ, thôn kế bên có nhiều nhà vào Nam đi xin ăn. Cha tôi đã kêu các con lại dạy bảo: “Họ hàng nhà ta chưa có người nào đi xin. Dù có đói cũng đừng bao giờ ngửa tay xin của người khác, nhục lắm! Nếu lỡ đường có khát nước thì vô nhà người ta xin nước mà uống chứ không xin tiền để mua nước”. Năm ấy, già làng cũng họp dân, bảo rằng người ta cũng như mình, đừng đi xin của họ mà giàng trừng phạt. 

Trong trung tâm bảo trợ, bà Đào Thị T. và ông Lê Văn T. ngồi ôn chuyện quê nhà. Ảnh: TM

Không có tiền về quê, tôi đành phải đi xin ăn theo sai bảo của vợ ông Chung. Tôi nhớ lời người cha quá cố mà đau lòng, nhiều lúc không cất nổi cánh tay để xin. Tôi đã làm ô nhục họ hàng. Rất nhiều người cho tiền xong rồi bảo về nhà với con cháu đi, đừng đi xin nữa. Nhưng tiền đâu đủ để về. Đi xin suốt ba tháng 15 ngày nay, chỉ một lần duy nhất tôi được gọi điện thoại về cho vợ nói về chuyện mình bị buộc phải đi xin ăn. Vợ khóc. Tôi cũng khóc. Lỡ con cháu mà biết, làm sao tôi còn dạy dỗ chúng nó được nữa.

Còn bà Đào Thị T. nói: “Nhục lắm, 10 người cho hết chín người chửi” khi tâm sự với chúng tôi.

Bà kể, nhà có năm sào ruộng, hai vợ chồng một nắng hai sương để nuôi ba thằng con trai và hai đứa con gái. Thấy nhà khổ quá, một đứa con gái ra Hà Nội làm thuê, bỏ lại cho tôi đứa cháu ngoại hơn một tuổi rồi biệt tăm từ hơn 15 năm nay. Tôi đi tìm khắp nơi, nghe người ta bảo nó đã bị bán qua Trung Quốc. Hai vợ chồng dồn sức nuôi cháu ngoại ăn học, cũng may là cháu nó ngoan, học đến lớp 10 rồi.

Mấy tháng trước, nhà mất mùa, vợ ông Chung đến bảo vào Nam đi bán tăm bông sẽ kiếm được 500.000 đồng/ngày. Để tôi yên tâm, chị ấy ứng trước 3 triệu đồng để mua ba tạ lúa cho cả nhà ăn dần, còn lại đóng tiền học cho cháu. Ngày đầu tiên vào Đồng Nai, tôi đi bán tăm bông nhưng cả ngày chỉ được 30.000 đồng. Bán được hai ngày như thế, vợ ông Chung bảo tôi phải đi ăn xin. Ngày đầu tôi ra đứng ở cây xăng Tân Phong, lần đầu tiên trong đời tôi chìa bàn tay ra để xin, tôi đớ (ngượng - PV) lắm. 10 người cho tiền thì hết chín người chửi: "Sao không về giúp việc cho con cháu mà lại đi xin?". Ngày đó tôi chỉ xin được 80.000 đồng… Tôi xin về quê nhưng vợ ông Chung không cho và tiền ứng chưa trả nổi, tôi đành cố nhắm mắt đi xin tiếp. Vợ ông Chung chỉ tôi xé một cái nón cho rách đội lên đầu, lấy một miếng vải tơi phủ kín hai bên mặt để người ta khỏi nhìn thấy khuôn mặt của một người khỏe mạnh, đáp lên cái áo sờn vai ba miếng vá và khom lưng, cúi mặt khi xin tiền. Khi thấy bộ dạng đó, người ta cho tiền nhiều hơn. Hơn một tháng nay, tôi xin được một ngày 80.000 đồng, một ngày 60.000 đồng, còn lại đều từ 150.000 đồng trở lên, đa số mỗi ngày được 200.000 đồng.

Trong số những người bỏ tiền vào tay tôi, tôi biết có những người còn nghèo hơn mình nữa. Một cậu thanh niên mặc bộ đồ phụ hồ dính đầy vôi vữa, quần rách gấu, dừng chiếc xe đạp lại cho tôi 10.000 đồng. Cậu ấy đi rồi, tôi khóc. Mỗi lần tôi đòi về, vợ ông Chung đều bảo là chưa có tiền. Nhiều lúc tôi định bắt xe đường dài để trốn về nhưng ngày nào xin được cao nhất thì trong người cũng chỉ có 200.000 đồng, trong khi tiền xe về quê đến gần 1 triệu đồng. Cũng may mà có mấy chú công an đến, tôi mới có cơ hội được về quê. 

ĐÔNG YÊN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới