Tại buổi giao lưu, câu chuyện xúc động về một học sinh (HS) cá biệt được cô Phan Thụy Vân Trinh, giáo viên Trường Tiểu học Huỳnh Văn Ngỡi, TP Thủ Đức, kể lại khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Thầy Huỳnh Đình Nhân (thứ hai từ trái), giáo viên Trường THPT Trần Khai Nguyên, đang chia sẻ câu chuyện của mình. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Ấn tượng về một học sinh cá biệt
Làm công tác chủ nhiệm, cô Trinh có nhiều thời gian tiếp xúc, gần gũi với HS. Khi được người dẫn chương trình hỏi về một kỷ niệm khiến cô nhớ mãi trong quá trình công tác của mình, cô Trinh trả lời không chút đắn đo: “Đó chính là ấn tượng về một HS cá biệt”.
Năm học 2017-2018, cô Trinh được phân công chủ nhiệm lớp 2/1. Theo giáo viên chủ nhiệm năm trước thì lớp có một em thường xuyên lấy đồ của bạn nên bị bạn “tẩy chay”, ngay đến phụ huynh của em cũng bị các phụ huynh khác giữ khoảng cách.
“Hai tuần đầu năm học mới qua nhanh, tôi chú ý nhưng không thấy điều gì bất thường ở em, cũng không thấy em cá biệt như nhiều người nhận xét. Tôi đã tìm hiểu, xâu chuỗi mọi chuyện và phát hiện ra sự thật… Thì ra em thường bị một nhóm đối tượng chặn đường trấn lột đồ. Nhưng do nhà nghèo, em không có đồ đưa cho những đối tượng này và em buộc phải lấy đồ của bạn trong lớp. Sự việc kéo dài suốt một năm nhưng không ai hay biết” - cô Trinh kể tiếp.
“Tôi chỉ mong em đậu tốt nghiệp nhưng em đã khiến tôi bất ngờ khi đậu vào ngành học yêu thích!”
Sau khi biết rõ sự việc, cô đã can thiệp giải quyết nhóm bắt nạt em, đồng thời kể câu chuyện này cho HS và phụ huynh trong lớp biết để cùng chia sẻ, cảm thông. Từ đó, các bạn đã hiểu em, chơi cùng em như chưa từng có chuyện gì xảy ra. “Câu chuyện này đã đem đến cho tôi một trải nghiệm thực sự đặc biệt trong nghề giáo” - cô Trinh nói và cười rất tươi.
153
nhà giáo đã đạt danh hiệu
Trái tim người thầy năm 2022.
Hiểu trò mới “đọc” được tâm lý trò
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của thầy Huỳnh Đình Nhân, giáo viên Trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5, là kỷ niệm với một cậu HS có vấn đề về tâm lý trong lớp thầy chủ nhiệm năm vừa qua.
Năm học 2021-2022, thầy Nhân chủ nhiệm lớp 12A4. Qua nắm tình hình lớp, thầy được biết lớp có một HS phải hỗ trợ tâm lý mức độ nhẹ từ năm lớp 11. Thời gian học trực tuyến do COVID-19 em vẫn bình thường nhưng khi đi học trực tiếp, có thời gian tiếp xúc nhiều, thầy Nhân mới thấy em có vấn đề về tâm lý.
“Hôm đó, tôi đang ở phòng thí nghiệm thì được báo một HS của lớp trong giờ thể dục tự đấm tay vào tường dẫn đến chảy máu. Nghe chuyện tôi biết đó chính là em và lập tức chạy đến. Sau khi xử lý vết thương, tôi trò chuyện với em hơn 2 tiếng đồng hồ, biết được nguyên nhân là do áp lực từ gia đình. Ba mẹ em ép con học khối B để thi vào ĐH Y Dược, trong khi em không muốn trở thành bác sĩ mà chỉ muốn học công nghệ sinh học” - thầy Nhân chia sẻ.
Hiểu rõ vấn đề, thầy Nhân sau đó đã liên hệ với gia đình em để trao đổi. Ban đầu cha mẹ em không tin nhưng sau khi nghe thầy kiên nhẫn phân tích họ đã hiểu và đồng ý đưa con đến bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ.
“Trong suốt thời gian em điều trị về tâm lý tôi luôn bên cạnh. Kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi, do làm hội đồng thi nên cứ mỗi sáng tôi đều ghé qua nhà gọi em dậy. Tôi sợ việc phải uống thuốc quá nhiều, ngủ không đủ giấc sẽ khiến em mệt mỏi, không thể dậy đi thi. Tôi chỉ mong em đậu tốt nghiệp nhưng em đã khiến tôi bất ngờ khi đậu vào ngành học yêu thích” - thầy Nhân tâm sự.
Nói về cơ duyên với nghề giáo, thầy Nhân kể nó xuất phát từ niềm đam mê từ khi còn nhỏ. “Tất cả bức tường trong nhà, tôi đều lấy phấn vẽ lên như đang viết bài. Đến năm cấp III, trong ngày định hướng nghề nghiệp, phòng tư vấn của Trường ĐH Sư phạm chỉ có mình tôi tới tìm hiểu. Sau khi được tư vấn tôi đã quyết tâm theo nghề giáo” - thầy Nhân chia sẻ.•
Trái tim người thầy là chương trình họp mặt thường niên do Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM tổ chức. Chương trình nhằm tôn vinh những cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu, những nhà giáo luôn vượt khó, tận tụy với nghề và đạt được những thành tựu trong sự nghiệp trồng người.