Trạm BOT: Thiếu minh bạch khiến dân phản ứng

Nằm trong tổng thể các trạm BOT giao thông của cả nước, trên địa bàn Tây Nam bộ hiện có hơn 10 trạm thu phí đã và đang triển khai tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, TP Cần Thơ... Trong đó có những trạm thu phí bị phản ứng gay gắt thời gian qua như trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang); trạm T2, quốc lộ 91 (TP Cần Thơ) nên cần được xem xét nghiêm túc, có giải pháp xử lý hợp lý.

Dân miền Tây kêu khổ vì trạm thu phí

Bức xúc nổi lên do mức thu bất hợp lý, các trạm thu phí dày, vị trí đặt các trạm không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km. Nhiều người phản ứng khi trạm thu phí chặn ngang tuyến đường huyết mạch mà người dân, doanh nghiệp (DN) không có đường khác để chọn; đi một đoạn trả tiền suốt tuyến, thu phí tuyến chính gắn với tuyến tránh mà xe của người dân không đi qua.

Thực trạng trên không chỉ tác động đến người tham gia giao thông mà DN cũng phải è cổ gánh thêm mức tăng giá thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, làm giảm sức cạnh tranh. Đặc biệt là người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ của DN bị “móc túi” vì phải trả thêm mức phí do giá thành tăng. Môi trường đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn bị xem là vùng trũng về nhiều mặt, nay càng kém hấp dẫn hơn.

Trạm T2 vấp phải phản ứng của hàng loạt doanh nghiệp vận tải cũng như người dân vì họ cho rằng vị trí đặt trạm không hợp lý (ảnh trên) và trạm Cai Lậy (ảnh dưới). Ảnh: TH

BOT giao thông: Chờ trật tự mới

Giải quyết các bất cập BOT ở Tây Nam bộ, cần đặt nó trong bài toán khó của ngành giao thông là  “vốn ít, nhu cầu đầu tư lớn”.

Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách hạn hẹp, trần nợ công tăng; cần đẩy mạnh việc xã hội hóa, đa dạng hóa các phương thức như BOT để đầu tư cầu, đường là cần thiết và việc thu phí là lẽ tất nhiên.

Song mặt trái của xã hội hóa giao thông cũng đang là một điểm nghẽn cần tháo gỡ. Sự kiện “trạm thu phí Cai Lậy thất thủ” thời gian qua và gánh nặng của đồng bằng khi có đến hơn chục trạm thu phí đã và đang triển khai, tạo ra sức ỳ tăng phí cho sản phẩm, dịch vụ của DN và người dân đồng bằng. Việc này cần được nhìn nhận như những thách thức trước mắt cần giải quyết ngay.

Đảm bảo cho nhà đầu tư có lãi hợp lý, xã hội có đường đi tốt hơn mà không tạo gánh nặng quá sức và bất hợp lý đối với DN và người dân là lời giải cho bài toán cân bằng lợi ích bền vững. Mức thu thế nào để công bằng, hợp lý khi nhà đầu tư chỉ bỏ ra khoản vốn đầu tư sửa lại con đường cũ  cần được giải quyết nghiêm túc hơn là sự cò kè giảm phí các trạm BOT.

Trong điều kiện còn tù mù thông tin, người dân có quyền nghi ngờ về cách tính tổng mức đầu tư, mức phí và thời gian thu phí các dự án, công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT thời gian qua. Trách nhiệm phải giải trình thuộc về cơ quan quản lý, việc có hay không các vi phạm, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT. Người dân và DN có quyền đòi hỏi ngành giao thông, nhà đầu tư phải rà soát để sắp xếp lại trạm thu phí, khi lập trạm mới cần phải tham vấn đầy đủ, lấy ý kiến tổ chức xã hội, nghề nghiệp, HĐND và các đối tượng sử dụng đường bộ. Phải có cơ chế giám sát chặt chẽ, thực chất mức phí và lộ trình tăng phí.

Đối với miền Tây Nam bộ, quan điểm của ngành giao thông vận tải về các trạm thu phí cũng rất rõ ràng. Báo cáo của bộ này tại hội nghị Huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL ngày 22-8-2016 ở Ban chỉ đạo Tây Nam bộ nêu rõ: Việc thu hút vốn đầu tư cầu, đường theo hình thức BOT thời gian qua đã góp phần đa dạng hóa các hình thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nam bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và góp phần thúc đẩy quá trình luân chuyển hàng hóa. Việc hình thành các trạm thu phí của các dự án BOT đối với vùng khó khăn như Tây Nam bộ cần phải được tính toán tổng thể các tác động đối với phát triển kinh tế-xã hội, ảnh hưởng thu hút đầu tư và đời sống người dân. Quan điểm này cần được thể hiện rõ trong quản lý và xử lý các vấn đề bất cập của các trạm phí BOT vừa qua và sắp tới.

Cần có cơ chế để người dân giám sát hiệu quả

Khép lại những tranh cãi đúng, sai, có hay không lợi ích nhóm, các trạm thu phí BOT giao thông có ảnh hưởng tiêu cực đến người nghèo hay không, Nghị quyết số 84 ngày 6-9 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8-2017 nêu rõ: “Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tổng mức đầu tư, mức phí và thời gian thu phí các dự án, công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT, đề xuất giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9-2017. Đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT”.

Nghị quyết thể hiện thái độ rõ ràng, dứt khoát của một “Chính phủ hành động”. Theo đó, cần có cơ chế để người dân giám sát hiệu quả hành động của cơ quan thực thi để đảm bảo nghị quyết đi vào cuộc sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm