TP.HCM đưa phòng khám đa khoa về trạm y tế - Bài 1

Trạm y tế đông nhờ phòng khám đa khoa vệ tinh

(PLO)- Việc đưa các chuyên khoa và nhân lực từ bệnh viện quận, huyện về tuyến dưới thông qua mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh giúp tăng cường năng lực y tế cơ sở, giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS: TP.HCM hiện là địa phương duy nhất trên cả nước triển khai Đề án phòng khám đa khoa vệ tinh đặt tại trạm y tế của các bệnh viện quận, huyện. Sau gần bảy năm triển khai, đến nay nhiều bệnh viện quận, huyện đã có phòng khám đa khoa vệ tinh nhằm chăm sóc tốt sức khỏe người dân từ tuyến cơ sở, đồng thời góp phần giảm tải đáng kể cho các bệnh viện tuyến trên.

7 giờ 30 sáng, chị Lê Thị Loan (38 tuổi, ngụ phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức) đã đến Phòng khám đa khoa vệ tinh (PKĐKVT) Bình Chiểu tại Trạm y tế phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức) do đau đầu, chóng mặt không rõ nguyên nhân nhiều ngày.

Khám bệnh gần, người dân được lợi

Đến nơi, chị Loan được vào khám luôn. Sau khi thăm khám, kiểm tra, chụp X-quang, bác sĩ (BS) cho hay chị bị thiếu máu não, kê đơn thuốc về uống, dặn tái khám theo lịch.

“Trước đây khi bị bệnh, tôi đều đến khám ở BV TP Thủ Đức. Mỗi lần như vậy phải xin công ty nghỉ làm từ hôm trước, hôm sau đi sớm bốc số, nhiều bữa chờ lâu rất mệt. Giờ có PKĐKVT của BV đặt ở phường, vẫn là BS của BV TP Thủ Đức khám nhưng đi lại rất gần, không phải chờ, thoải mái hơn nhiều” - chị Loan chia sẻ.

Người dân đang chờ khám bệnh tại Phòng khám đa khoa vệ tinh Linh Xuân, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Người dân đang chờ khám bệnh tại Phòng khám đa khoa vệ tinh Linh Xuân, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Cẩn thận đỡ mẹ vừa khám tai mũi họng từ PKĐKVT Linh Xuân thuộc BV TP Thủ Đức bước ra, chị Hoàng Ngọc Ánh (ngụ phường Linh Xuân) cho hay mẹ chị năm nay đã 76 tuổi, đến khám do bị ù tai, đau trong tai.

“Mẹ tôi đến là vô khám liền, không phải chờ. Thiệt tình nếu không có phòng khám này, tôi sẽ phải chở mẹ đến BV như những lần trước” - chị Ánh tâm sự. Mẹ chị Ánh đi bên cạnh nói thêm: “BS khám kỹ, cho thuốc xong dặn uống hết còn đau thì khám lại”.

Hiện BV TP Thủ Đức có 3 PKĐKVT, BV Lê Văn Thịnh có 1 phòng khám và BV huyện Bình Chánh có 1 phòng khám.

Tại PKĐKVT Vĩnh Lộc B đặt ở Trạm y tế Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), chị Lê Thị Ngọc Hậu (37 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc B) đưa con gái chín tuổi đến xử lý vết thương ở chân do bị mảnh kính vỡ đâm. Các BS nhanh chóng xử trí, làm sạch, khâu vết thương cho bé. Đồng thời dặn dò chị chăm sóc vết thương tại nhà đúng cách để bé mau lành.

Chị Hậu cho biết từng đưa con đến trạm y tế chích ngừa vaccine nhiều lần nhưng nay mới biết trạm có PKĐKVT. “Bình Chánh là huyện ngoại thành, muốn khám ở BV huyện hoặc các BV trung tâm TP phải đi lại mất nhiều thời gian, có khi sáng đi chiều về. Giờ có BS từ BV huyện Bình Chánh về khám chữa bệnh ngay tại đây, chúng tôi mừng lắm” - chị Hậu bày tỏ.

Khám ở trạm y tế không khác gì BV

BS CKII Trần Cư, Phó khoa Nội tiết (BV TP Thủ Đức), kiêm Trưởng PKĐKVT Bình Chiểu, cho biết phòng khám đã hoạt động được sáu năm, có bảy chuyên khoa là Nội, Nhi, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền, Vật lý trị liệu, Chẩn đoán hình ảnh và Xét nghiệm. Trong đó, chuyên khoa Nội đông nhất, chủ yếu là các bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp, tim mạch, hen phế quản…

“PKĐKVT Bình Chiểu được trang bị khá đầy đủ thiết bị như máy xét nghiệm, X-quang, siêu âm, đo điện tim và một số dụng cụ y học cổ truyền… giúp BS giải quyết các bệnh cơ bản. Trường hợp cần chụp CT Scan, MRI (chụp cộng hưởng từ), siêu âm tim, bệnh nhân sẽ được chuyển lên BV TP Thủ Đức” - BS Cư thông tin.

Theo BS CKI Nguyễn Văn Út, Trưởng PKĐKVT Vĩnh Lộc B, tuy phòng khám mới thành lập vào tháng 5-2023 nhưng người dân đến khám khá đông. “Mới hoạt động nên chúng tôi chỉ có ba khoa là Nội, Ngoại và Y học cổ truyền. Tháng đầu tiên, chỉ riêng khoa Ngoại khám tổng cộng 100 bệnh nhân, đến tháng 6 tăng lên 379 bệnh nhân. Bệnh nhân khám ở khoa Nội cũng tăng từ 207 lên 355 ca” - BS Út nói.

w-P13_phongkhamdakhoa2.jpg
BS Nguyễn Văn Út thăm khám cho bệnh nhân ở Phòng khám đa khoa vệ tinh Vĩnh Lộc B.
Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Cũng theo BS Út, trang thiết bị y tế và thuốc tại phòng khám hiện đủ để giải quyết khoảng 90% nhu cầu khám chữa bệnh thông thường của người dân. Những ca cấp cứu hoặc cần nhập viện theo dõi, phòng khám sẽ liên hệ BV huyện Bình Chánh cho xe đến đón lên BV kịp thời.

“Khi tổ chức và chuyên môn ổn định, PKĐKVT sẽ tạo được lòng tin để “tiếng lành đồn xa”, người dân tìm đến nhiều hơn. Ngoài chăm sóc sức khỏe cho người dân xã Vĩnh Lộc B, chúng tôi sẽ liên kết với chính quyền cơ sở để người dân xã Vĩnh Lộc A cũng được hưởng lợi ích từ phòng khám” - BS Út thông tin thêm.

ThS-BS Võ Ngọc Cường, Giám đốc BV huyện Bình Chánh, nhấn mạnh mục tiêu BV hướng tới khi lập PKĐKVT là người dân được tiếp cận mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện. Mỗi khi cần chăm sóc sức khỏe, bà con chỉ cần “bước ba bước” là đến nơi, không còn phải đội nắng mưa đi xa.

PKĐKVT Linh Xuân cũng khá đông người dân đến khám mỗi ngày. Theo BS CKII Nguyễn Quang Sơn, Trưởng phòng khám này, khi mới thành lập vào năm 2017, nơi đây chỉ có các khoa Đông y, Vật lý trị liệu, Nội tổng hợp và Ngoại tổng hợp. Giờ đã tương đối đầy đủ khi có thêm các khoa Sản, Nhi, Tai mũi họng, Răng hàm mặt…

Mỗi ngày chúng tôi nhận 250-300 ca bệnh, trong đó khoa Nội tổng quát chiếm 70% bệnh nhân. Phòng khám được trang bị nhiều máy móc hiện đại với ba phòng siêu âm, chụp X-quang, xét nghiệm, đáp ứng được 90% nhu cầu xét nghiệm của người dân.

“Với 22 BS, 34 điều dưỡng, phòng khám “dư sức” phục vụ bệnh nhân, nếu cần thêm BV sẽ hỗ trợ” - BS Sơn cho hay.

Bệnh nhân không phải đi xa, tránh chờ đợi

PKĐKVT đặt tại trạm y tế nên người của trạm y tế và phòng khám thường xuyên hỗ trợ nhau trong công việc. Để thu hút bệnh nhân đến PKĐKVT, BS đã hẹn những bệnh nhân của khoa Nội tiết (BV TP Thủ Đức) tái khám tại đây nếu họ có nhu cầu. Như vậy bệnh nhân vừa không phải đi xa vừa tránh được cảnh đông đúc, chờ đợi lâu, quan trọng nhất là giúp giảm tải đáng kể cho BV tuyến trên.

BS CKII TRẦN CƯ, Trưởng PKĐKVT Bình Chiểu, TP Thủ Đức

Kỳ tới: Đưa bệnh viện về gần dân nhưng “vướng” nhiều thứ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm