TP.HCM ĐƯA PHÒNG KHÁM ĐA KHOA VỀ TRẠM Y TẾ - BÀI 2

Đưa bệnh viện về gần dân nhưng vướng nhiều thứ

(PLO)- Tại TP.HCM, bên cạnh một số phòng khám đa khoa vệ tinh hoạt động khá hiệu quả vẫn có những phòng khám chỉ hoạt động cầm chừng hoặc được một thời gian thì đóng cửa do vướng thủ tục BHYT, thiếu nhân sự…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

BS CKII Trần Cư, Phó khoa Nội tiết BV TP Thủ Đức kiêm Trưởng Phòng khám đa khoa vệ tinh (PKĐKVT) Bình Chiểu, cho biết trước kia có những thời điểm phòng khám tiếp nhận 250 ca/ngày. Đầu năm 2022, trung bình mỗi ngày phòng khám tiếp nhận khoảng 120 ca bệnh. Tuy nhiên, đến đầu năm 2023 lượt bệnh nhân giảm nhẹ.

Vướng thủ tục BHYT

Theo BS Cư, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do thay đổi quy định BHYT về khám chữa bệnh trái tuyến. Phòng khám nằm giáp ranh tỉnh Bình Dương, trước đây bệnh nhân có BHYT tuyến tỉnh đến khám rất đông. Nhưng hiện nay những người này phải đến các BV tuyến trên khám cho đúng tuyến để được hưởng chế độ BHYT.

phòng khám đa khoa vệ tinh
BS Trần Cư, Trưởng Phòng khám đa khoa vệ tinh Bình Chiểu, đang khám cho một bệnh nhân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Bệnh nhân có BHYT tuyến quận vẫn được khám tại đây nếu có xác nhận tạm trú. Từ đầu năm 2023, bệnh nhân ngoại tỉnh, nhất là công nhân ở trọ trên địa bàn gặp khó khăn khi làm tạm trú. Nhiều người dù rất muốn khám tại phòng khám cho gần nhưng bác sĩ (BS) đành phải tư vấn họ đến BV TP Thủ Đức để được hưởng BHYT” - BS Cư nói.

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, hiện trên địa bàn TP chỉ còn 5/8 PKĐKVT đang hoạt động (đã giải thể ba phòng khám) do nhu cầu thực tế.

BS CKII Nguyễn Quang Sơn, Trưởng PKĐKVT Linh Xuân, cho hay năm 2019, phòng khám tiếp nhận nhiều nhất 800 ca bệnh/ngày, cả năm tiếp nhận 171.188 lượt khám. Năm 2022, sau dịch COVID-19, mỗi ngày chỉ tiếp nhận khoảng 150 ca bệnh, cả năm khám 70.501 lượt bệnh nhân.

Người khám BHYT tại đây rất đông, chiếm đến 90% tổng số bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Phòng khám nằm gần Khu chế xuất Linh Xuân, giáp tỉnh Bình Dương nên đa số bệnh nhân là công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp, người ngoại tỉnh đến làm ăn, buôn bán…

“Trước kia họ được sử dụng BHYT của BV tuyến tỉnh, nay không được hưởng BHYT trái tuyến nên buộc phải lên tuyến trên. Điều này dẫn đến lượt khám ở đây giảm khoảng 30%” - BS Sơn nói.

ThS-BS Võ Ngọc Cường, Giám đốc BV huyện Bình Chánh, cho biết theo Thông tư 30 của Bộ Y tế, nếu người dân không có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã/phường, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến quận/huyện trên địa bàn TP thì không được hưởng BHYT khi khám tại PKĐKVT Vĩnh Lộc B, BS sẽ phải hướng dẫn họ lên BV tuyến trên để được hưởng đầy đủ quyền lợi.

“Mong Sở Y tế và cơ quan BHYT cùng ngồi lại tìm hướng giải quyết, kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trên để ngày càng nhiều người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách tốt nhất” - BS Cường đề xuất.

Tuyển người khó, giữ người còn khó hơn

Theo BS Cư, hiện PKĐKVT Bình Chiểu có 20 nhân viên y tế, trong đó có bảy BS (ba BS chuyên khoa nội, một BS y học cổ truyền, một BS chẩn đoán hình ảnh, một BS nhi và một BS răng hàm mặt).

“Năm 2022 phòng khám chỉ có 18 nhân viên y tế, khi đó bệnh nhân đông nên mọi người rất vất vả, có những ngày quần quật từ sáng đến tối chưa hết việc. Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, năm nay phòng khám mới xin thêm được hai nhân sự” - BS Cư nói thêm.

Cũng theo BS Cư, tuyển nhân viên y tế cho BV đã khó, tuyển nhân viên PKĐKVT càng khó hơn. Nếu tuyển được cũng khó giữ chân lâu dài do thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống. “Chúng tôi mong sẽ thêm có chính sách ưu đãi để thu hút, giữ chân nhân viên y tế lâu dài” - BS Cư mong mỏi.

Tương tự, BS Vũ Trí Thanh, Phó Giám đốc điều hành BV TP Thủ Đức, sau đại dịch COVID-19, nhân viên y tế nghỉ nhiều, BV gặp khó về nhân sự. Do đó, tháng 4-2023, BV đã chủ động xin tạm ngưng hoạt động hai PKĐKVT là Linh Trung 1 và Hiệp Bình Chánh.

“Ba cơ sở còn hoạt động là Bình Chiểu, Linh Tây và Linh Xuân. Để phục vụ người dân, BV sắp xếp bệnh nhân phường Hiệp Bình Chánh có thể khám ở Phòng khám Linh Tây, bệnh nhân phường Linh Trung khám tại Phòng khám Linh Xuân” - BS Thanh cho biết.

Cũng theo BS Thanh, nguyên nhân khó tuyển và giữ chân được nhân lực cho PKĐKVT là đa số BS trẻ muốn công tác tại BV lớn do có nhiều cơ hội học hỏi, nâng cao chuyên môn. Cạnh đó, nhân viên phòng khám nghỉ vì thu nhập rất thấp, chỉ có lương cơ bản, không có nhiều công khám do nguồn thu từ PKĐKVT không đáp ứng đủ.

Kỳ tới: Phòng khám đa khoa vệ tinh, cánh tay nối dài của BV

Bệnh viện lại… quá tải

Từ chỗ PKĐKVT có nhiều vấn đề khó như vậy, người bệnh lại tìm đến BV tuyến trên để điều trị. Tại BV TP Thủ Đức, mỗi ngày tiếp nhận trên dưới 4.000 lượt bệnh nhân, quay lại tình trạng quá tải trước kia. Nguyên nhân có lẽ vì đây là BV hạng I, đi kèm danh mục kỹ thuật, xét nghiệm cận lâm sàng đầy đủ, được BHYT chi trả các quyền lợi. Trong khi đó, PKĐKVT thuộc hạng IV, các xét nghiệm hay thuốc men còn hạn chế, thiếu chuyên khoa, khó về thủ tục BHYT...

BS VŨ TRÍ THANH, Phó Giám đốc điều hành BV TP Thủ Đức

PKĐKVT của BV quận Tân Phú đặt tại Trạm y tế phường Tây Thạnh (thành lập giữa năm 2017) cũng ngưng hoạt động từ giữa năm 2022. Nhân viên y tế phòng khám được rút về BV quận.

Dù phòng khám được trang bị khá hiện đại, nhân sự đầy đủ nhưng tâm lý của nhiều người vẫn là lên thẳng tuyến trên cho an toàn, lại được hưởng chế độ BHYT. Ngoài ra, có thể do vị trí phòng khám không quá xa BV quận nên thay vì đến trạm y tế, người dân sẽ đến thẳng BV dù đến đây họ biết sẽ gặp cảnh xếp hàng chờ bốc số, khám bệnh thường thấy.

BS NGUYỄN THANH TRƯỜNG, Giám đốc BV quận Tân Phú

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm