Phòng khám đa khoa vệ tinh giúp phát triển y tế cơ sở

(PLO)- Phòng khám đa khoa vệ tinh (PKĐKVT) đặt tại các trạm y tế (TYT) đang được triển khai tại TP.HCM là mô hình đưa BV về gần dân...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phòng khám đa khoa vệ tinh (PKĐKVT) đặt tại các trạm y tế (TYT) đang được triển khai tại TP.HCM là mô hình đưa BV về gần dân, là cánh tay nối dài của BV, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) cho người dân ngay tại địa bàn mà không phải đi xa.

phòng khám đa khoa vệ tinh
Bệnh nhân đang chờ khám bệnh tại BV huyện Bình Chánh. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Mô hình này đặt tại các TYT bước đầu đã góp phần hạn chế tình trạng quá tải của các BV tuyến trên. Đồng thời giúp tăng cường năng lực KCB của y tế cơ sở cũng như nâng cao sự hài lòng, tin tưởng của người dân vào nơi họ được chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Không chỉ có vậy, các PKĐKVT còn hỗ trợ TYT thực hiện các chương trình cung cấp dịch vụ y tế. Truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong chăm sóc sức khỏe, cung cấp các kiến thức về một số bệnh thường gặp, phục hồi chức năng cho người bệnh mạn tính, dinh dưỡng hợp lý cho người cao tuổi…

Chẳng hạn, huyện Bình Chánh có nhiều xã rất xa BV huyện như Bình Lợi, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B… Tại xã Vĩnh Lộc B, dân số rất đông (trên 150.000 người), người dân muốn KCB ở BV huyện Bình Chánh phải mất hơn 45 phút với quãng đường khoảng 20 km. Đó là chưa nói đến bệnh nhân phải cấp cứu…

Trước đây, mỗi ngày TYT xã Vĩnh Lộc B chỉ có khoảng 4,3 lượt bệnh nhân đến khám. Từ khi TYT PKĐKVT (thuộc BV huyện Bình Chánh), mỗi ngày có 40 lượt bệnh nhân đến khám. Điều đó chứng tỏ người dân đã tin tưởng hơn vào y tế tuyến cơ sở.

Ngoài ra, PKĐKVT là cơ sở của BV quận, huyện nên nó có thuận lợi trong mua sắm thuốc, vật tư y tế (do được BV chuyển sang) để sử dụng, không cần đấu thầu riêng lẻ. Người dân trên địa bàn có bệnh mạn tính ổn định trong phạm vi chuyên môn sẽ được khám bệnh tại địa phương, không phải lên tuyến trên như trước.

Ở một số địa bàn xa trung tâm như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn hay TP Thủ Đức, PKĐKVT thực sự là mô hình phù hợp với nhu cầu y tế của người dân.

Tuy vậy, mô hình này vẫn có một số hạn chế như cơ sở vật chất còn thiếu, các chuyên khoa chưa đầy đủ, một số nơi nhân lực không ổn định. Trong bối cảnh các BV tự chủ tài chính, chi phí vận hành tại phòng khám có thể chưa đủ để trang trải cho hoạt động vì bệnh nhân chưa nhiều. Bên cạnh đó, một số trường hợp đến khám tại PKĐKVT còn gặp khó về BHYT do không đúng tuyến.

Để mô hình ngày càng phát triển theo định hướng và nhu cầu xã hội, cần điều chỉnh quy định KCB đúng tuyến BHYT, cho phép thông tuyến toàn bộ thẻ BHYT khi KCB tại TYT - PKĐKVT. TP cũng cần cung cấp thêm các dịch vụ y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân cần sự hỗ trợ về kinh phí của chính quyền địa phương để các PKĐKVT hoạt động hiệu quả, bền vững.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm