Kể từ thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10-10-1945 khai sinh nghề luật sư (LS) cách mạng, đội ngũ LS Việt Nam đã trải qua một chặng đường phát triển 77 năm. Từ đó đến nay, đội ngũ LS nước ta đã thật sự lớn mạnh cả về chất và lượng, vai trò và vị thế ngày càng được nâng cao…
Mới đây, Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã được Chủ tịch nước tham khảo ý kiến của Đảng đoàn và Thường trực Liên đoàn LS Việt Nam tại Hà Nội ngày 15-7-2022.
Có thể nói, qua tham khảo nội dung đề án, chúng tôi cảm nhận được Đảng và Nhà nước ta đã có sự quan tâm và kỳ vọng rất nhiều về vị trí, vai trò của đội ngũ LS trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, một nhà nước pháp quyền nhân nghĩa, thể hiện tinh thần nhân văn Á Đông của cha ông ta, mà người kế thừa xuất sắc là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vị trí này xuất phát từ nhận thức về quyền tự bào chữa, nhờ LS hoặc người khác bào chữa là một quyền tự do dân chủ trọng yếu, là thành trì cần thiết trong thực hiện và đảm bảo các quyền tự do dân chủ của công dân, là quyền con người được khẳng định trong Hiến pháp 2013.
TS-LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam |
Trong ánh sáng “thần linh pháp quyền” nêu trên, với môi trường pháp lý ngày càng được hoàn thiện, nhiều vận hội mới đã mở ra cho sự phát triển của nghề LS ở Việt Nam. Đội ngũ LS đang cố gắng và từng bước nhận được sự tin cậy của xã hội, với sứ mệnh là những “vệ sĩ” dấn thân vì nghĩa hiệp, bằng sự tinh thông về pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, chia sẻ với tấm lòng yêu thương con người, bảo vệ quyền lợi của những phận người không may bị vướng vào vòng lao lý, bị thua thiệt trong phân tranh quyền lợi…
Tuy nhiên, về mặt xã hội, do chưa được thừa nhận là một chức danh tư pháp độc lập nên vai trò của LS trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và cải cách tư pháp bị hạn chế. Bảo vệ lẽ phải, sự công bằng được coi là thiên chức nghề nghiệp tạo nên giá trị cao quý của nghề LS trong thang giá trị xã hội, nghề LS từ bao đời nay được coi là một nghề nghiệp gắn bó với số phận và nỗi đau của con người.
Khi nhắc đến trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trước sự hàm oan của con người, cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn đã nói: “Một người bị tội oan, chẳng những người ấy đau khổ, mà gia đình, con cái họ càng đau khổ hơn. Làm điều oan cho một người nào đó thì chúng ta không còn lẽ sống nữa, bởi vì chúng ta là những người cộng sản”.
Với số lượng hơn 17.000 LS thực thụ hiện nay, có rất nhiều LS trẻ còn bỡ ngỡ, chưa thật sự sống được bằng nghề, phải bươn chải mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau. Đứng trước những khó khăn, chứng kiến những va đập căng thẳng trong tố tụng, một số LS nản chí, phát sinh tâm lý tiêu cực hoặc chấp nhận chạy theo dịch vụ, làm mất đi tâm thế và hình ảnh của LS. Do đó, việc xác định vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của LS nhằm thực hiện chức năng xã hội và chức năng tố tụng tư pháp cần được đánh giá và xem xét lại một cách căn bản cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Trong hiến pháp, Luật LS năm 2006 (sửa đổi năm 2012), các bộ luật tố tụng đều định vị khái niệm LS để chỉ những người cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, hội đủ các điều kiện, tiêu chuẩn và đạo đức nghề nghiệp nghiêm ngặt, khác với các diện chủ thể người bào chữa khác như người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo hay bào chữa viên nhân dân. Cũng như bất cứ hoạt động nghề nghiệp nào khác, nền tảng hoạt động của nghề LS phải dựa trên pháp luật và trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp.
Do đó, về phương hướng hoàn thiện pháp luật (Luật LS, các bộ luật tố tụng), theo chúng tôi, cần quy định về vị thế độc lập, bình đẳng của LS trong thực hiện chức năng cơ bản của tố tụng, thay đổi địa vị tố tụng của LS thật sự ngang bằng với các chủ thể tiến hành tố tụng. Nghiên cứu bãi bỏ các quy định liên quan đến thủ tục cấp đăng ký bào chữa, bảo vệ quyền lợi, tạo thuận lợi cho LS được tiếp cận ngay từ đầu và mang tính riêng tư với người bị tạm giam, cũng như khi giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố cho đến khi phiên tòa sơ thẩm được kết thúc.