Tạo chuyển biến mạnh hơn trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN

(PLO)- Trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN cần có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lực nhà nước; tăng cường kiểm soát quyền lực…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 3-10, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII đã chính thức khai mạc. Tại hội nghị lần này, Trung ương sẽ xem xét nội dung về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 vào sáng 3-10. Ảnh: TTXVN

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 vào sáng 3-10.
Ảnh: TTXVN

Các thành tựu từ nhà nước pháp quyền XHCN

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, đề cập đến nội dung trên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) ra đời vào năm 1945 đến nay, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, Đảng và Nhà nước ta luôn tiếp thu có chọn lọc những giá trị phổ quát của nhân loại về nhà nước pháp quyền để xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu rất quan trọng.

Tiếp đó, Tổng bí thư nêu các thành tựu cụ thể, đó là: Việc quản lý Nhà nước bằng pháp luật được chú trọng và tăng cường; hệ thống pháp luật được từng bước xây dựng, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Dân chủ XHCN ngày càng được nhận thức đúng đắn hơn và phát huy mạnh mẽ hơn, coi đây là cốt lõi của vấn đề đổi mới hệ thống chính trị.

Về kinh tế, đó là quyền được tự do sản xuất, kinh doanh ở tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm; quyền sở hữu hợp pháp tài sản và quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ; mọi tiềm năng, nhiệt tình, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân được phát huy...

Về chính trị, đó là quyền dân chủ trong bầu cử, ứng cử, đề cử; trong thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng các dự án luật; là sinh hoạt dân chủ trong các cơ quan dân cử, các đoàn thể xã hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng; là quyền con người, quyền công dân ngày càng được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn...

Đảng và Nhà nước ta luôn luôn tiếp thu có chọn lọc những giá trị phổ quát của nhân loại về nhà nước pháp quyền để xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam...

Cần hoàn thiện đồng bộ, đầy đủ hệ thống pháp luật

Trong lời văn, Tổng bí thư nêu bật bước vào giai đoạn phát triển mới, trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định sự cần thiết phải “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, coi đây “là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị” ở nước ta, đồng thời đề ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có xác định những nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030, tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách hành chính, cải cách tư pháp...

Tổng bí thư đề nghị các đồng chí tham dự hội nghị nghiên cứu, thảo luận, đánh giá những kết quả, thành tựu đã đạt được, phân tích những tồn tại và nguyên nhân. Từ đó, tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được quán triệt và triển khai thực hiện để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo.•

Cần bàn sâu về kiểm soát quyền lực

Một trong những nội dung tại hội nghị lần này là công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đại biểu cần chú ý đến những hạn chế, bất cập còn tồn tại như:

- Nhận thức lý luận về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng còn có những vấn đề chưa thật rõ.

- Việc hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp giữa các cấp, các ngành; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị còn chậm và lúng túng, nhất là trong việc xử lý tình trạng không rõ ràng về quyền hạn, trách nhiệm giữa các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

- Một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc của Đảng trong công tác lãnh đạo, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; vẫn còn tình trạng bao biện, áp đặt, làm thay hoặc né tránh, sợ trách nhiệm, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.

- Công tác tổ chức, cán bộ và thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên có mặt còn hạn chế; chưa thật sự bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, thiếu cơ chế phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng, trọng dụng nhân tài; chưa kiểm soát tốt được quyền lực trong công tác cán bộ; một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thiếu gương mẫu, ảnh hưởng xấu đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.

- Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng tuy đã có nhiều đổi mới và có đột phá trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; chất lượng, hiệu quả chưa đều ở các cấp, việc tự kiểm tra, giám sát còn nhiều hạn chế...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm