Ba tác giả cùng các vị khách mời và người hâm mộ đã cùng nhau trao đổi thẳng thắn và sôi nổi về những sự thật trần trụi của bóng đá Việt, với mong muốn cùng nhau góp tiếng nói để tạo nên nền bóng đá sạch của Việt Nam.
Ba tác giả: Nguyễn Nguyên, Đinh Hiệp và Đặng Hoàng (từ trái qua)
Buổi giao lưu có sự tham dự của ông Lê Bửu - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, cựu Còi vàng Dương Mạnh Hùng, cựu trợ lý huấn luyện viên ngôn ngữ các đội tuyển bóng đá VN Vũ Tiến Thành... và đông đảo người yêu bóng đá.
Bóng đá Việt đang thiếu... chất xám?
Trần trụi bóng đá Việt gồm 8 chương. Trong 7 chương đầu, các tác giả đã nỗ lực đi tìm những nguyên nhân khiến bóng đá Việt chậm tiến, với những sự thật đầy trần trụi được phơi bày. Ở đó, bạn đọc sẽ thấy đồng tiền đã phủ một cái bóng quá lớn lên bóng đá Việt. Tiền khiến các cầu thủ chấp nhận bán độ. Tiền khiến các trọng tài có thể đổi trắng thay đen kết quả của một trận đấu nào đó. Tiền cũng là món quà mà các quan chức bóng đá trao tay nhau để đạt được mục đích…
Ông Lê Bửu - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT chia sẻ tại buổi ra mắt sách “Trần trụi bóng đá Việt”.
Cuốn sách phô bày những sự thật trần trụi, cộng thêm hình bìa sách có màu đen khiến người hâm mộ đang nghĩ về bản chất của bóng đá Việt. Tuy nhiên, bóng đá Việt cũng từng có những thời kỳ huy hoàng, như U15 với Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường hay sự chuyên nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai. Những điều này so với những sự thật mà ba tác giả đã viết trong cuốn sách này, có gì mâu thuẫn không? Phải chăng, nhờ nỗ lực của VFF để tạo ra những thành quả như vậy?
Cựu Còi vàng Dương Mạnh Hùng cho rằng, bóng đá Việt Nam có nhiều góc khuất, chỉ có người hâm mộ là bất khuất”.
Trước những thắc mắc này, nhà báo Nguyễn Nguyên cho biết: “Thực chất, ánh sáng, tương lai giống như chúng ta đã nhìn thấy ở U15, chúng ta đã từng thấy ở những năm 2000, những năm mà chú Lê Bửu còn làm Tổng Cục trưởng. Năm đó, chúng ta thấy thế hệ của Văn Quyến từng đã tung lưới Trung Quốc 3-2 vào Vòng Chung kết giải U16 châu Á ở Đà Nẵng. So với mặt bằng đó, 5 năm sau,10 năm, 20 năm sau chúng ta lại không qua được Thái Lan”.
Nhà báo Nguyễn Nguyên nói thêm: “Đó là điều mà tôi cảm thấy nhiều người ấm ức và họ cảm thấy đau nhói. Là bởi mặt bằng khi các em được trồng xuống thì các em rất tốt, nhưng vì sao khi lớn lên, các em cứ ngã dần, ngã dần? Tôi cho rằng, có thể do họ thiếu được chăm sóc, do môi trường. Nhưng điều đó người lớn cũng phải nhìn thấy được trách nhiệm của mình. Và Trần trụi bóng đá Việt cũng nói lên một phần từ điều ấy.
Rất đông người hâm mộ đã đến tham dự và trò chuyện sôi nổi về bóng đá Việt trong buổi ra mắt “Trần trụi bóng đá Việt”.
Nhà báo Nguyễn Nguyên lấy dẫn chứng từ AFC: “Ở các giải trẻ của AFC, khi tổ chức thi đấu, bên cạnh công tác thi đấu thì tiểu ban của AFC họ luôn cử người đi xem các trận đấu, xem các đội bóng và họ ghi lại số liệu của các đội ấy. Đến khi các đội lên ngôi Vô địch, Á quân, hạng Ba, hạng Tư, họ đều tổng hợp các số liệu ấy và gửi cho các Liên đoàn khác để các Liên đoàn xem và học tập. Đó là công tác của AFC, nước mình thì không làm những công tác khoa học như thế. Thể thao là gì? Bóng đá là gì? Là những môn thể thao chơi khoa học. Do đó chúng ta phải làm việc một cách khoa học thì chúng ta mới tiến bộ được. Và những bước tiến đó mới đều đặn được”.
Có ý kiến cho rằng, phải chăng do chúng ta không quy tụ được chất xám, hay chất xám của chúng ta không đủ “xám” để đưa bóng đá Việt Nam đi lên? Nhà báo Đặng Hoàng – chủ biên Trần trụi bóng đá Việt nói: “Đất nước chúng ta không thể nói là thiếu chất xám được. Cái lý do chính ở đây là chúng ta không biết mời gọi, quy tụ”.
Anh nói thêm: “Hiện nay, sự quản lý của thể thao đã khiến cho vai trò của thể thao không còn như 20, 25 năm trước. Ai cũng biết, người đứng đầu ngành thể thao hồi trước cũng mang hàm Thứ trưởng, Bộ trưởng. Còn bây giờ thì không. Điều đó cho thấy Chính phủ đã không còn coi thể thao với vị trí cao như hồi trước nữa. Nếu chúng ta mở lòng ra để kêu gọi người tài, mở ra một cơ chế mới; dùng chất xám của xã hội, tận dụng và trân trọng họ thì đất nước chúng ta không thể thiếu chất xám”.
Vì một nền bóng đá sạch
Khi được hỏi về cuốn sách, cũng như về thực trạng của bóng đá Việt hiện nay, ông Dương Mạnh Hùng, người đã từng giành Chiếc còi vàng, cũng là nhân vật được nhắc đến trong sách, thẳng thắn: “Từ lúc làm cầu thủ, rồi trọng tài đến nay thì đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Cuốn sách các anh chỉ lột tả được một phần của bóng đá Việt. Từ cá nhân tôi thấy bóng đá Việt Nam có nhiều góc khuất, chỉ có người hâm mộ là bất khuất”.
"Trần trụi bóng đá Việt" là tâm huyết của ba nhà báo: Đặng Hoàng, Nguyễn Nguyên và Đinh Hiệp, được ra đời nhằm hướng đến một nền bóng đá sạch.
Trần trụi bóng đá Việt được ra mắt trước thời điểm diễn ra SEA Games 29; đặc biệt, vào ngày 15 tới đây, đội tuyển nam sẽ đá với Đông Timor. Chính điều này khiến người hâm mộ thắc mắc rằng, đây có phải là một chiêu để đánh bóng tên tuổi hay không? Liệu cuốn sách ra mắt thời điểm này có ảnh hưởng đến tâm thế của đội bóng và tâm lý của cầu thủ hay không?
Theo nhà báo Đinh Hiệp, cuốn sách này được ra đời, không phải vì chạy theo sự kiện trước hay sau SEA Games để làm cho cuốn sách bán chạy hơn. “Cuốn sách này được ra đời từ sự bức xúc ở giải vô địch quốc gia V.League năm nay. Có rất nhiều hiện tượng và sự kiện, nó gây một tác động rất xấu đến bóng đá Việt Nam. Tích lũy những cái tiêu cực như thế từ các năm trước cho đến năm nay thì chúng tôi nghĩ rằng mình phải làm một điều gì đấy để mọi người cùng góp tiếng nói vào, góp phần chấn hưng nền bóng đá Việt Nam”, anh nói.
Bằng việc mổ xẻ, giải mã những góc khuất của bóng đá Việt - như cách mà ông Dương Mạnh Hùng nói, cũng là cách mà ba tác giả đang nỗ lực muốn góp lên tiếng nói, công sức và tâm huyết của mình vì một nền bóng đá sạch. Bởi vì, theo như nhà báo Đinh Hiệp, ai cũng thấy bóng đá của Việt Nam hiện nay không sạch.
"Không chỉ những người trong cuộc mà người hâm mộ họ cũng đòi hỏi một nền bóng đá sạch. Ai cũng có nhu cầu được sống trong môi trường sạch. Càng sạch thì bóng đá mới càng tiến bộ. Bóng đá càng sạch thì các em mới tiến bộ được, nền bóng đá của chúng ta sẽ tiệm cận được với bóng đá khu vực, quốc tế; giúp các em trưởng thành, có điều kiện phát triển ra nước ngoài thi đấu. Nhờ môi trường sạch mới phát triển được”, nhà báo Đinh Hiệp nói.