Tranh cãi chuyện học sinh quỳ gối tri ân cha mẹ

Mới đây, tại một trường THPT trên địa bàn TP.HCM đã tổ chức lễ tri ân, trưởng thành. Tại đó, học sinh khối lớp 12 đã dành tặng những món quà, lời tri ân cho thầy cô, cha mẹ trước khi từ biệt mái trường.

Điều đáng nói ở đây là lần lượt các học sinh xếp hàng ngang, quỳ gối trên sân khấu và gửi đến bậc sinh thành món quà cùng lời tri ân sâu sắc.

Học sinh một trường tư tại TP.HCM quỳ gối tri ân cha mẹ. Ảnh: Vnexpress

Tuy nhiên sự việc này lại đang gây nhiều tranh cãi.

Một phụ huynh ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM, bày tỏ: “Tôi thấy bất ổn trước sự khuyến khích học sinh quỳ gối thể hiện biết ơn cha mẹ nhân ngày ra trường THPT. Điều này rất Khổng giáo, rất phong kiến! Nuôi con khôn lớn ngoài bổn phận còn là bản năng, là niềm vui của cha mẹ. Thể hiện sự hiếu thảo, biết ơn là tốt nhưng bằng nhiều cách như làm quà tặng cha mẹ, nói lời biết ơn chứ không phải các con quỳ gối. Khi một người lớn hơn quỳ gối trước người thấp kém hơn thì mới thể hiện sự nhân văn, sự tôn trọng. Còn đây là thể hiện tư duy bề trên của cha mẹ, thầy cô.

Tôi nhớ mãi câu chuyện chủ trường Quốc tế Canada kể, trong một buổi lễ khen thưởng cho học sinh, ông hiệu trưởng người Canada cao lớn đã quỳ gối xuống để trao phần thưởng cho một học sinh nhỏ bé. Điều này làm mọi người dự lễ hôm đó ngỡ ngàng, đó mới rõ ràng nhân văn và có giáo dục hơn nhiều! Tôi sẽ hết sức mắc cỡ khi được yêu cầu ngồi trên ghế để con mình quỳ gối thể hiện sự biết ơn mình trước đám đông. Bởi lẽ, được chăm sóc con cái là niềm hạnh phúc rồi. Chỉ cần con sống tốt với đời sống riêng của con, biết lao động để có thu nhập chân chính, có tinh thần xây dựng cộng đồng, quê hương đất nước tốt hơn chính là sự báo đáp tốt nhất của con cái rồi".

Anh Quang, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM năm nay có 2 con cùng thi chuyển cấp, cho biết bản thân anh không hề mong muốn cũng không đồng tình với việc con cái quỳ gối tri ân, tỏ lòng biết ơn với cha mẹ. “Đây là việc làm không cần thiết và mang tính hình thức. Hôm nay con quỳ, nhưng ngày hôm sau cãi lời bố mẹ, bỏ học thì cũng vô ích. Điều quan trọng con học giỏi, biết thương yêu, quan tâm tới mọi người là tôi vui rồi".

Cùng quan điểm, chị Mai Loan, sống tại quận 6, TP.HCM cho rằng đừng làm mất đi ý nghĩa của hoạt động tri ân, đánh dấu bước trưởng thành đầu đời của con bằng các quy định hay yêu cầu quá lố như bắt tất cả học sinh phải quỳ. Bắt buộc thì dễ bị “phong trào hóa” gây cảm giác diễn sâu mất đi tính chất đáng yêu, hồn nhiên của tuổi học trò. Và thực tế nhiều gia đình, phụ huynh cũng không thích bị bắt buộc làm điều đó.

Thế nhưng, những phụ huynh đã từng dự buổi lễ đó lại có suy nghĩ khác...

Dù đã nhiều ngày trôi qua nhưng những hình ảnh về buổi lễ tri ân của con tại trường tư ở TP.HCM vẫn còn in đậm trong tâm trí của rất nhiều phụ huynh lớp 12 hôm đó. Một phụ huynh đến từ tỉnh Đồng Nai bày tỏ: “Tôi rất bất ngờ và xúc động, tôi đã bật khóc khi con quỳ gối trước mặt mình. Hành động như thế chứng tỏ con đã trưởng thành, hiểu được công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Đây là lần đầu tiên, con thể hiện tình cảm thân thiết với tôi như thế. Trước giờ, con rất ngại điều này. Cho nên tôi rất trân trọng giây phút đó”.

Cùng tâm trạng, một phụ huynh đến từ tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: “Khi các con quỳ gối trước mặt, tôi bất ngờ. Vừa quỳ gối, con vừa thổn thức: “Khi bố đưa con vào trường, con không thích. Nhưng thời gian đã khiến con trưởng thành và hiểu thêm nhiều điều. Con cảm ơn và cũng xin lỗi vì đã có những lúc khiến bố phiền lòng. Dù là đàn ông nhưng tôi cũng không cầm được nước mắt. Tôi đã khóc vì hạnh phúc. Và những người xung quanh tôi cũng vậy".

Là một người từng quỳ gối tri ân cha mẹ nhân ngày lễ trưởng thành và tri ân, em T tâm sự: “Em không hề thấy hổ thẹn gì hết. Qùy gối trước người nuôi dưỡng sinh thành của mình là việc nên làm. Cả năm 12 đi học, em chỉ mong có ngày này thôi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới