Thời gian gần đây, việc Nga đạt bước tiến đáng kể tại chiến trường tỉnh Kharkiv (miền Đông Ukraine) làm nóng lên cuộc tranh cãi trong nội bộ phương Tây chuyện cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công sang lãnh thổ Nga.
Quan điểm trái chiều
Ngày 28-5, sau khi đạt được thỏa thuận nhận máy bay chiến đấu F-16 từ Bỉ kèm điều kiện không được triển khai các máy bay này tấn công sang lãnh thổ Nga, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky đã tha thiết yêu cầu phương Tây thay đổi chính sách này, theo trang Euronews.
“Tôi nghĩ điều này thật không công bằng. Họ bắn vào bạn nhưng bạn không được đáp trả chỉ vì bạn không có quyền sử dụng vũ khí” - ông Zelensky nói, cho rằng quan điểm không sử dụng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga đã “lỗi thời” vì “động lực trên chiến trường đã thay đổi”.
Ông Zelensky đưa ra phát ngôn trên chỉ một ngày sau khi Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg có lời kêu gọi tương tự, tức cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga.
“Tôi nghĩ đã đến lúc các đồng minh cân nhắc khả năng dỡ bỏ một số hạn chế áp đặt lên vũ khí mà phương Tây viện trợ cho Ukraine, đặc biệt là khi nhiều cuộc giao tranh đang diễn ra ở Kharkiv, gần với biên giới Nga - Ukraine” - ông Stoltenberg nói.
Bất chấp những lời kêu gọi trên, tranh cãi về việc triển khai vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu trên đất Nga vẫn tiếp diễn.
Các bên ủng hộ ý tưởng cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga lập luận rằng những hạn chế hiện tại ngăn Kiev phá hủy các khí tài quan trọng của Moscow, vốn được Nga sử dụng cho các cuộc “tấn công chết người” ở Ukraine. Ngược lại, phía phản đối cho rằng sự xuất hiện của vũ khí phương Tây có thể đẩy xung đột leo thang.
Hôm 28-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Ukraine được phép tấn công các địa điểm quân sự bên trong lãnh thổ Nga, theo hãng tin Reuters.
Ông Macron nói rằng phương Tây nên cho phép Kiev "vô hiệu hoá các địa điểm quân sự mà Nga dùng để bắn tên lửa về phía Ukraine, nhưng chúng ta không nên cho phép họ tấn công các mục tiêu khác ở Nga và các địa điểm dân sự hoặc quân sự khác ở Nga".
Đáp lại, ông Scholz đồng ý với ý kiến của ông Macron miễn là Ukraine tuân thủ các điều kiện do các quốc gia cung cấp vũ khí đưa ra, kể cả Mỹ, và luật pháp quốc tế. Mặc dù trước đó, Thủ tướng Đức nhiều lần từ chối cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Kiev vì lo ngại về sự leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren so sánh việc không cho Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga giống như việc buộc Kiev chiến đấu “với một tay bị trói sau lưng”.
Bà Ollongren nói thêm rằng việc dỡ bỏ những hạn chế này “không phải là một chủ đề tranh luận” và hy vọng rằng các đồng minh sẽ thay đổi quan điểm về vấn đề này.
Tương tự, Tổng thống Latvia - ông Edgar Rinkevics cũng kêu gọi rằng các nước phản đối nên “xem xét lại quyết định càng sớm càng tốt”.
“Các cuộc tấn công gần đây vào Kharkiv là hậu quả của việc chúng ta không thể cung cấp vũ khí cho Ukraine cũng như việc đặt ra những hạn chế sử dụng những vũ khí đó để tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga” - ông Rinkevics nói với đài CNN hôm 27-5.
Theo nhà lãnh đạo Latvia, quan điểm cho rằng các cuộc tấn công bằng vũ khí phương Tây có thể khiến Nga leo thang chiến tranh là “không có cơ sở”.
Trước đó, trong chuyến thăm Ukraine đầu tháng 5, Ngoại trưởng Anh David Cameron dường như đã bật đèn xanh để Ukraine sử dụng vũ khí của Anh trên lãnh thổ Nga, nói rằng Ukraine có quyền quyết định cách để sử dụng các vũ khí này hiệu quả nhất.
Trong khi đó, Thủ tướng Ý Georgia Meloni không đồng tình với kế hoạch sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga, nói rằng bà “không hiểu tại sao” ông Stoltenberg lại đưa ra lời kêu gọi như vậy.
Mỹ - đồng minh quan trọng nhất của Ukraine - cũng cho thấy sự chưa sẵn sàng trong việc thay đổi quan điểm về vũ khí Mỹ ở Ukraine.
Tác động lớn về địa chính trị
Các nhà phân tích cho rằng việc triển khai vũ khí phương Tây để tấn công mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga sẽ không làm thay đổi đáng kể tình hình trên chiến trường nhưng sẽ có tác động lớn về địa chính trị.
Cụ thể, chuyên gia cho rằng các cuộc tấn công như vậy sẽ làm gián đoạn các đường tiếp tế, hệ thống chỉ huy và trung tâm hậu cần của Nga, từ đó làm giảm hiệu quả các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine nhưng về cơ bản nó sẽ không làm thay đổi cán cân sức mạnh trên chiến trường.
Theo tờ The Conversasion, các loại vũ khí tầm xa mà phương Tây cung cấp (như hệ thống pháo phản lực bắn loạt cơ động cao (HIMARS),...) đủ hiệu quả nhưng khó có thể thay đổi những gì đang diễn ra bởi vì Nga liên tục huy động thêm lực lượng và vũ khí trong khi Kiev khó sánh kịp với kho quân sự của Moscow.
Ngoài ra, phát động cuộc tấn công vào Nga cũng là một thử thách với Ukraine khi nước này đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng binh sĩ và nền kinh tế cũng đang suy yếu.
Về địa chính trị, việc cấp phép cho Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công vào Nga có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng giữa Moscow và các nước NATO. Điều mà giới quan sát cũng như giới lãnh đạo phương Tây lo ngại hơn cả là khả năng Nga sẽ sử dụng biện pháp răn đe bằng hạt nhân nếu lãnh thổ nước này đối mặt với “mối đe dọa hiện hữu”, vốn là điều được quy định trong học thuyết hạt nhân của Moscow.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 28-5 cảnh báo rằng các đồng minh của Ukraine cần hiểu việc Kiev sử dụng vũ khí phương Tây tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga sẽ dẫn đến “hậu quả nghiêm trọng”. “Vì vậy, đại diện của các nước NATO, đặc biệt là ở các nước nhỏ ở châu Âu, phải nhận thức được họ đang bước vào cuộc chơi thế nào” - đài RT dẫn lời ông Putin.
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân từ Nga “không có gì mới” và đơn giản chỉ là chiến dịch truyền thông của Điện Kremlin.
“Những lời đe dọa hạt nhân của ông Putin không có gì mới. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, ông ấy đã nhiều lần đề cập việc leo thang hạt nhân như một phần trong nỗ lực đe dọa phương Tây để giảm dòng vũ khí vào Ukraine. Các chiến thuật ‘tống tiền hạt nhân’ đã tỏ ra có hiệu quả cao, làm suy yếu đáng kể phản ứng quốc tế đối với hoạt động quân sự của Nga” - ông Peter Dickinson, nhà phân tích tại viện nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), nhận định.
Ukraine đang dùng gì tấn công sang lãnh thổ Nga?
Trong bối cảnh phương Tây chưa cấp phép cho Ukraine sử dụng vũ khí do những nước này cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga, Kiev hiện sử dụng vũ khí của riêng mình cho hoạt động này, chủ yếu bằng máy bay không người lái (UAV), theo The Conversasion.
Các cuộc tấn công của Ukraine chủ yếu nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng và đã cản trở đáng kể hoạt động sản xuất nhiên liệu của Nga. Ngoài ra, Ukraine cũng nhiều lần tấn công vào các địa điểm khác ở Nga, bao gồm thủ đô Moscow.
Đáng chú ý, hôm 26-5, một UAV Ukraine đã tiến sâu hơn 1.800 km vào lãnh thổ Nga để tấn công một trạm radar - lập kỷ lục về khoảng cách bay của một UAV cảm tử, tờ Kyiv Post dẫn nguồn tin từ Tổng cục Tình báo Ukraine (HUR).