Tranh cãi quanh việc “tòa án không được từ chối giải quyết”


Các ĐBQH còn khá nhiều ý kiến trái chiều nhau khi thảo luận tại hội trường về dự luật tố tụng dân sự sửa đổi.

Bên đồng tình

ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng việc dự thảo đưa ra nguyên tắc “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”, thì sẽ đòi hỏi thẩm phán những khó khăn nhất định nhưng đó là thực tiễn yêu cầu. “Quy định như trên là đổi mới đúng với tinh thần cải cách tư pháp, thể hiện trách nhiệm của nhà nước với nhân dân”, ĐB Hùng nhấn mạnh.

Theo ĐB Hùng việc áp dụng án lệ, một số ý kiến cho rằng chưa nên hình thành án lệ và án lệ trở thành lo lắng. Vì vậy ban soạn cần quy định rõ hơn cụ thể hơn để án lệ hình thành. Đến mức nào đó sẽ có nguồn án lệ để áp dụng.

ĐB này cũng ủng hộ việc ghi âm ghi hình toàn bộ phiên tòa. Bên cạnh đó, bố trí phòng xử án phải khách quan, trang trọng, đảm bảo quyền con người, quyền công dân. “Chổ ngồi thẩm phán phải cao nhất bên dưới quốc huy để nhân danh nhà nước”, ĐB Hùng nói.

ĐB Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) cũng cho rằng, việc bổ sung quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”, là đảm bảo quyền công dân.

Trong khi đó ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) và ĐB Lương Văn Thành (Hải Phòng) lại băn khoăn trong quá tình xét xử, phạm vi phát biểu của kiểm sát nên như thế nào? ĐB Thành cho rằng:“ Kiểm sát viên tại phiên tòa không được phát biểu về giải quyết vụ án”.

Bên phản đối

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) không ủng hộ việc tòa án phải giải quyết mọi vụ việc.

Về dự án Luật tố tụng dân sự (sửa đổi) đang được thảo luận, bên lề hành lang QH, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) đã có cuộc trao đổi với báo chí về dự luật này.

PV: Ông có bình luận gì về những tranh cãi xung quanh vấn đề án lệ được các ĐBQH đưa ra trong sáng nay?

ĐB Nguyễn Đình Quyền : Án lệ là một hình thức pháp lý. Đối với các nước theo luật chung như Mỹ thì án lệ là nguồn quan trọng của pháp luật. Và trên cơ sở của án lệ, người ta tổng kết án lệ và đưa vào luật…Chỉ có khác biệt án lệ giữa Việt Nam và các nước là do ta mới đưa án lệ vào nên chúng ta chưa coi đó là nguồn của pháp luật. Chúng ta chỉ có coi đó là cái để các tòa án tham khảo. Án lệ có cái rất là hay.

Cùng một sự kiện pháp lý, cùng một hành vi xảy ra nhưng các tòa án lại xử về các tội danh khác nhau và các hình phạt khác nhau. Có thể có cả hành vi giống nhau nhưng án khác nhau. Nhưng nếu có án lệ, cùng sự kiện pháp lý, một tính chất, mức độ nguy hiểm, hành vi thì dứt khoát phải xử hành vi đó, hình pháp đó. Án lệ góp phần thống nhất pháp của tòa án. Án lệ hoàn toàn phù hợp với pháp Việt Nam và cải cách tư pháp của Đảng. Chúng ta cũng có bước đi phù hợp là chưa coi đó là bắt buộc, chưa coi đó là nguồn pháp luật nhưng đến lúc nào đó trên cơ sở tổng kết thực tiễn 5 năm, 10 năm có thể chúng ta có thể quy định đó là nguồn pháp luật của Việt Nam.

Ông có thể nói về thuận lợi và khó khăn trong việc áp dụng án lệ?

Cái đó phải qua tổng kết thực tiễn, nhưng tôi nghĩ nó là một yếu tố tham khảo nên khó khăn không nhiều, thuận lợi sẽ nhiều hơn.

Rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc “tòa án không được từ chối xét xử?” trong dự thảo?

Đây là quy định chúng ta học các nước tiên tiến. Quy định này cũng chủ yếu nằm ở hệ thống luật án lệ. Hệ thống luật án lệ nó quy định tất cả các hành vi, còn quy định luật thành văn thì những hành vi được khát quát trong các điều luật. Quy định này nghe có vẻ văn minh nhưng mà mọi thứ phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn. Thực tiễn thời gian qua ở Việt Nam không có những cái đó.

Các điều luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam đủ tính khái quát để xử lý tất cả các hành vi liên quan, không thể có hành vi nào đó nằm ngoài pháp luật. Ngoài ra, hoạt động tư pháp Việt Nam chưa đến mức cho chúng ta áp dụng điều luật đó. Bởi vì, cho phép áp dụng điều luật đó là chúng ta cho phép áp dụng một ý thức chủ quan của nhà tư pháp, người tiến hành tố tụng trong việc xem xét một vấn đề.

Điều luật phải áp dụng được vì không có tiêu chí khách quan để áp dụng mà chúng ta cho chủ quan của nhà tiến hành tố tụng, nhà tư pháp thì tính tùy tiện, lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền lợi các bên là rất lớn. Chính vì vậy, tôi là người hoàn toàn phản đối quy định đó.

Ở Việt Nam tri thức tư pháp của những người tiến hành tố tụng, đạo đức nghề nghiệp, tính công khai minh bạch chưa phải tuyệt đối. Nên áp dụng sẽ dẫn đến tùy tiện, khiếu kiện triền miên kéo dài. Và đây là cái mà chúng ta chưa thể áp dụng như với các nước tiên tiến, Vì các nước đó, công tố, thẩm phán tuyệt đối về cái chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới