Tranh cãi về đường lây truyền virus Corona

Trong họp báo ngày 8-2, Phó Cục trưởng Cục Dân sự TP Thượng Hải, ông Tăng Quần, cho biết các chuyên gia y tế nước này vừa phát hiện chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) có thể lây lan qua aerosol (khí dung), Tân Hoa Xã đưa tin. Tuyên bố này ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới khoa học khi nhiều chuyên gia khẳng định khó có khả năng virus Corona phát tán qua khí dung do loại khí này chỉ dùng trong y học.

Được biết tính đến 8 giờ tối 9-2, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) ghi nhận trên toàn thế giới có 37.566 ca nhiễm chủng 2019-nCoV với 813 người tử vong. Như vậy, so với hôm 8-2, số ca tử vong tăng 89 người. Tại TQ, các cơ quan y tế cho biết 2.152 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với chủng 2019-nCoV.

Tranh cãi xung quanh định nghĩa khí dung

South China Morning Post cho biết hiện có hai cách hiểu khi đề cập đến thuật ngữ aerosol (khí dung).

Ở cách hiểu thứ nhất, khí dung là một phương pháp điều trị các bệnh về đường hô hấp. Bác sĩ sẽ sử dụng máy xông khí, xông thuốc dưới dạng sương mù vào mũi, họng, khí quản, phế quản của bệnh nhân. Người được điều trị khi hít vào luồng khí từ thiết bị nếu có chứa mầm bệnh virus sẽ bị lây nhiễm.

Dựa vào định nghĩa này, nhiều chuyên gia nhận định không có cơ sở để virus phát tán do các thiết bị xông khí chỉ được các y, bác sĩ có chuyên môn vận hành và kiểm tra kỹ lưỡng. Do đó, người dân bình thường nếu không mắc các bệnh về đường hô hấp thì không cần phải lo lắng.

Ở cách hiểu thứ hai, khí dung chỉ các vi hạt lơ lửng trong không khí ở dạng keo có kích thước lớn hơn 0,2 micromet. Những vi hạt này có thể hình thành tự nhiên (dưới dạng sương mù, mây,...) hoặc nhân tạo (do con người ho, hắt hơi,...). Do kích thước siêu nhỏ, những hạt này nếu bị virus bám vào sẽ khiến người hít nhiễm bệnh.

Hiện nay truyền thông TQ phần lớn đang đưa tin tới người dân về đường lây nhiễm mới của virus Corona sử dụng định nghĩa thứ hai. Ví dụ, hãng tin Caixin ngày 9-2 trong bản tin về tuyên bố của ông Tăng Quần đã đính kèm dòng chú giải như sau: “Khả năng lây nhiễm này có nghĩa là một người có thể bị nhiễm bệnh từ virus khi hít phải hỗn hợp vi hạt trong không khí cũng như chất dịch li ti của người bệnh”.

Các chuyên gia phòng, chống dịch mặc đồ bảo hộ di chuyển trên đường phố tỉnh Giang Tây ngày 28-1. Ảnh: REUTERS

Bước tiến nguy hiểm của dịch Corona

Ngay sau khi đưa ra cảnh báo trên, ông Tăng cũng khuyến nghị người dân nên thường xuyên quét dọn không gian sinh hoạt chung. Nhà cửa cũng nên được mở cửa để không khí thông thoáng. Khi ra đường cũng nên tránh chỗ tụ tập đông người và đeo khẩu trang để bảo vệ vùng mũi và miệng.

Những khuyến nghị này nếu áp dụng cho định nghĩa thứ hai hoàn toàn có cơ sở khi các vi hạt sẽ tập trung nhiều hơn ở không gian kín và nếu không được giữ vệ sinh sẽ tạo thêm điều kiện cho virus phát triển. Ngoài chủng 2019-nCoV, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những loại cúm khác như cúm gia cầm H5N1 hay hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) đều có thể lây qua vi hạt trong không khí.

Ủy ban Y tế quốc gia TQ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tính đến ngày 9-2 vẫn chưa lên tiếng xác nhận phát hiện của các chuyên gia Thượng Hải, khẳng định cần thêm nhiều nghiên cứu để đưa ra kết luận cuối cùng. Hiện có hai đường lây nhiễm chính được công nhận: (1) Tiếp xúc với các bề mặt, vật dụng có virus lưu lại; (2) Tiếp xúc với dịch nhầy từ người bệnh do ho, hắt hơi, nước bọt.

Tỉnh Sơn Đông (TQ) ngày 9-2 thông báo tất cả trường học ở tỉnh này sẽ tiếp tục đóng cửa đến hết tháng 2 nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch Corona. Sở Giáo dục tỉnh Sơn Đông cho biết quyết định trên áp dụng cho tất cả trường học nhằm đảm bảo sự an toàn cho các học sinh và sinh viên. 

Theo tờ The Merkle Hash, một nghiên cứu năm 2014 về sự lây lan của virus nói chung của một số nhà khoa học Hàn Quốc cho thấy virus bám trên các vi hạt trong không khí có thể giữ trạng thái lơ lửng trong 20 phút. Hướng lây lan tính từ vòm họng của bệnh nhân theo chiều ngang có thể đạt 100 cm và 50 cm nếu bay thẳng đứng. Với phát hiện này, nếu áp dụng cho chủng 2019-nCoV, người bình thường chỉ cần hít phải hơi thở của bệnh nhân Corona trong khoảng cách 100 cm cũng có khả năng bị lây nhiễm.

Chưa hết, hôm 7-2, đài CNN dẫn một nghiên cứu công bố trên chuyên san của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) cho thấy có 40 nhân viên y tế và 17 bệnh nhân điều trị các chứng bệnh khác tại một bệnh viện ở Vũ Hán bị nhiễm virus Corona khi lưu trú lại bệnh viện. Như vậy, tỉ lệ người bị nhiễm bệnh trong thời gian này là 41%. Nghiên cứu cũng chỉ ra có trường hợp một bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV cho 10 nhân viên y tế.

Nhìn chung, các số liệu này cho thấy nguy cơ nhiễm bệnh ở mức rất cao khi tiếp xúc với bệnh nhân ở khoảng cách gần dù đã được trang bị đồ bảo hộ. Khi đặt cạnh phát hiện về đường lây nhiễm qua vi hạt của giới chuyên gia Thượng Hải, virus Corona chủng mới nhiều khả năng đã có một bước tiến nguy hiểm kể từ đầu mùa dịch đến nay khi tốc độ phát tán có thể tăng đến mức độ chóng mặt nếu không có biện pháp phòng vệ kịp thời. Ngoài ra, mức độ lây nhiễm quá rộng và chỉ có những người thể hiện triệu chứng mới được xét nghiệm virus Corona chủng mới, số ca nhiễm trên thực tế ắt hẳn phải cao hơn nhiều so với con số được ghi nhận.

Virus Corona chủng mới đã được đặt tên

Trong họp báo ngày 8-2, Ủy ban Y tế quốc gia TQ đã đặt cho virus Corona chủng mới tên khoa học là Novel Coronavirus Pneumonia (NCP), theo hãng tin Reuters.

Được biết đây chỉ là tên gọi tạm thời của chủng virus này. Tên chính thức vẫn đang chờ Ủy ban Quốc tế về phân loại virus quyết định và sẽ công bố trong vài ngày tới. Một số tờ báo và hãng tin TQ cũng đã bắt đầu sử dụng cách gọi NCP cho virus Corona chủng mới như Tân Hoa XãHoàn Cầu Thời BáoChina Daily

Trưởng nhóm kỹ thuật chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Maria Van Kerkhove, nhấn mạnh việc đưa ra tên tạm thời cho chủng virus mới là rất quan trọng để tránh cho TQ bị liên đới với dịch bệnh và bị kỳ thị không đáng có. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới