Tranh chấp mặt bằng, rào nhà hàng được không?

“Nhà hàng tôi đang kinh doanh nhưng mới đây công ty hợp tác với tôi (góp vốn bằng mặt bằng) lại thuê công ty bảo vệ mang hàng rào đến chắn cổng, buộc chúng tôi trả lại mặt bằng vì họ bảo hợp đồng đã hết hạn. Tôi cho rằng hành vi này không đúng. Chúng tôi đang trong quá trình giải quyết, mọi chuyện phải chờ tòa xử lý chứ” - bà Nguyễn Thị Thùy Trang, chủ nhà hàng Hoa Cát (đường Tự Lập, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM), phản ánh.

Theo bà Trang, mặt bằng này do Tập đoàn quốc tế Năm Sao (Tập đoàn Năm Sao) thuê lại của một đơn vị ở TP rồi góp vào với bà để mở nhà hàng vào năm 2011. Vừa qua, Tập đoàn Năm Sao cho rằng thời hạn hợp tác đã hết, đề nghị bà trả mặt bằng. Tuy nhiên, cả hệ thống nhà hàng đang vận hành nên bà đang thương lượng để tiếp tục hợp đồng. Mặt khác, Tập đoàn Năm Sao đòi giao mặt bằng khi chưa giải quyết được phần tài sản trên đất thì bà chưa thể giao trả mặt bằng được…

Hàng rào được Tập đoàn Năm Sao dựng lên trước cổng nhà hàng Hoa Cát nhằm buộc nhà hàng giao trả mặt bằng. Ảnh: NH

“Nếu giờ có tranh chấp, Tập đoàn Năm Sao phải kiện ra tòa án để giải quyết chứ không thể tự ý rào chắn, ngăn không cho chúng tôi hoạt động” - bà Trang nói.

Phía Tập đoàn Năm Sao cho biết bà Trang đã vi phạm hợp đồng hợp tác kinh doanh rất nhiều lần, công ty cũng đã yêu cầu bàn giao mặt bằng nhưng bà Trang không thực hiện. Về mặt pháp lý, mặt bằng trên Năm Sao vẫn đang còn thời gian sử dụng nên việc quản lý mặt bằng không cho phía bà Trang kinh doanh là việc mà Năm Sao phải làm.

Trước sự kiện trên, Công an phường 4 (quận Tân Bình) thông tin công an phường đã mời hai bên đến làm việc. Tập đoàn Năm Sao thừa nhận có cho người xuống kéo hàng rào bảo vệ mặt bằng nhưng sẽ không cản trở kinh doanh. Mặt khác, hai bên chưa gây mất an ninh, trật tự nên công an không xử lý. Theo quan điểm của công an phường, mặt bằng trên hai bên xảy ra tranh chấp được xem là tranh chấp dân sự, sẽ do tòa án giải quyết. Công an chỉ xử lý khi xảy ra tình trạng chửi bới, đập phá, cản trở hoạt động kinh doanh của nhà hàng.

Nhờ ủy ban cưỡng chế

Tập đoàn quốc tế Năm Sao dùng rào sắt chắn lại cổng nhà hàng là không đúng cho dù tập đoàn vẫn còn thời gian sử dụng mặt bằng. Hành vi trên được xem là hành vi ngăn cản người khác thực hiện quyền tự do kinh doanh. Đối với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, khi xảy ra tranh chấp đều không được quyền dùng biện pháp để ép buộc, cản trở chỗ ở, kinh doanh của cá nhân hay tổ chức nào đó nếu không có sự thỏa thuận giữa hai bên.

Khi phát sinh tranh chấp, các bên có quyền kiện ra tòa. Lúc này tòa án mới là cơ quan phán quyết và cơ quan thi hành án sẽ thực hiện việc phán quyết trên. Sự việc trên Năm Sao có thể kiện ra tòa yêu cầu nhà hàng bàn giao mặt bằng. Đồng thời, Năm Sao có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngưng ngay việc kinh doanh của nhà hàng chứ Năm Sao không được thuê bảo vệ ngăn cản.

Cạnh đó, với hành vi của Năm Sao, nhà hàng có thể yêu cầu ủy ban phường xử lý bằng cách khôi phục lại hiện trạng. Nếu Năm Sao không chấp hành thì phường có thể ra quyết định xử phạt vi phạm và buộc tháo dỡ hàng rào, nếu không sẽ bị cưỡng chế.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới