Những năm gần đây đã xuất hiện nhiều vụ tranh chấp liên quan đến mồ mả nhưng không nơi nào giải quyết. Yêu cầu của người dân là thiêng liêng và chính đáng nên nhiều chuyên gia đã đề nghị ngành tòa án đứng ra phân xử…
Theo một thẩm phán TAND Tối cao, trong lĩnh vực hình sự đã có quy định xử lý hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt nhưng trong lĩnh vực dân sự, pháp luật hiện hành (kể cả luật nội dung lẫn luật hình thức) lại chưa điều chỉnh tranh chấp về chuyện hương khói, di dời, trông nom mồ mả. Khi người dân nhờ can thiệp, cả chính quyền địa phương lẫn tòa án đều từ chối với lý do không thuộc thẩm quyền.
UBND giải quyết trước, tòa xử sau?
Một luật sư Đoàn Luật sư TP.HCM nhìn nhận ở thời điểm hiện nay, việc UBND, tòa án không phân xử tranh chấp dạng này là đúng. Bởi lẽ nếu UBND, tòa án có linh động giải quyết thì về mặt nội dung cũng không có quy định nào để vận dụng, về mặt hình thức cũng không biết trình tự, thủ tục ra sao, tức thiếu căn cứ pháp lý. Trong khi về nguyên tắc, các cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép chứ không thể tùy tiện.
Vấn đề là thực tế cuộc sống đòi hỏi phải có nơi đứng ra giải quyết tranh chấp về mồ mả của người dân, vốn xuất hiện khá nhiều trong thời gian qua và có cả những trường hợp xung đột rất gay gắt. Vậy nên giao trách nhiệm này cho UBND hay tòa án?
Theo thẩm phán Lê Thành Văn, Phó Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai, bản chất của tranh chấp là do tòa án giải quyết nên đã là một quan hệ xã hội có phát sinh tranh chấp thì dù cũ hay mới cũng cần được giải quyết tại tòa. UBND chỉ nên là cơ quan giải quyết các quan hệ mang tính chất hành chính mà thôi.
Đồng tình, nguyên Chánh Tòa Quân sự khu vực 2 Quân khu 7 Trần Xứng cũng cho rằng việc tòa giải quyết tranh chấp về mồ mả cần phải được quy định cụ thể trong cả luật nội dung lẫn luật hình thức. Có như vậy, ngành tòa án mới có căn cứ để thụ lý khi người dân khởi kiện.
Thẩm phán Nguyễn Huy Hoàng, TAND quận Gò Vấp (TP.HCM) thì đề xuất để thuận lợi cho tòa khi giải quyết các tranh chấp này, phải coi UBND là cơ quan giải quyết ban đầu. Nếu việc hòa giải không thành hoặc không đồng ý với kết quả giải quyết của UBND, các đương sự có quyền kiện ra tòa và tòa sẽ thụ lý.
Một số gợi ý về quy định
Thẩm phán Hoàng cho rằng trước hết pháp luật phải định nghĩa rõ các khái niệm liên quan trong tranh chấp về mồ mả để tránh hiểu lầm. Chẳng hạn tên gọi của tranh chấp là gì, xác định xem nó thuộc về vật chất hay phi vật chất (do có yếu tố tâm lý, tâm linh), rồi vấn đề án phí giải quyết sao cho hợp lý...
Theo luật sư Cao Minh Triết, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang, khi luật hóa cũng phải đặc biệt chú trọng đến khâu hòa giải. Xung đột trong các tranh chấp về mồ mả liên quan đến yếu tố tâm linh, nếu hòa giải được thì sẽ góp phần không làm phức tạp thêm tình hình, không làm tình cảm giữa những người thân bị sứt mẻ.
Ông Trần Xứng nhìn nhận xung đột giữa nguyên tắc bình đẳng, tự do tín ngưỡng thờ cúng với tập quán của người Việt Nam rất phức tạp nên khi xây dựng quy định, các nhà làm luật nên tham khảo luật tục.
Đồng tình, luật sư Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Đoàn Luật sư TP.HCM, nói nếu luật chưa kịp bổ sung điều khoản quy định cụ thể thì có thể vận dụng Điều 3 Bộ luật Dân sự để áp dụng tập quán, quy định tương tự của pháp luật. Khi bổ sung quy định thì cần theo hướng nên tôn trọng di nguyện của người đã mất, nếu họ muốn chôn cất ở đâu hoặc giao cho ai chăm sóc mồ mả thì nên làm theo. Bằng không thì nên trao cho người có huyết thống trực hệ gần nhất (con ruột), nếu giữa những người này có tranh chấp thì nên xem xét giao cho con trai trưởng hoặc người có điều kiện nhất trong việc chăm sóc, khói hương. Ngoài ra, tập quán còn có câu “mồ yên mả đẹp” nên cũng cần hạn chế việc di dời mồ mả, chỉ trừ trường hợp việc di dời là hợp lý...
TP.HCM: Xử phần đất, bỏ qua phần mồ mả Trước đây, các tòa ở TP.HCM gặp khá nhiều vụ tranh chấp đất đai có liên quan đến mồ mả. Có tòa từ chối thẳng, trả đơn kiện nhưng cũng có tòa thụ lý rồi không biết xử sao, phải hỏi ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ của cấp trên. Sau đó, ngành tòa án TP có hướng dẫn tạm là nếu gặp tranh chấp đất đai có liên quan đến mồ mả thì tòa chỉ giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất, không giải quyết phần mồ mả. Còn trong ngành tòa án cả nước, cho đến nay, TAND Tối cao chưa có văn bản nào hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về mồ mả, hài cốt. Một số vụ tranh chấp mồ mả đang bế tắc Tháng 7-2010, ông T. nhờ UBND một phường ở TP.HCM xác định ngôi mộ trên đất ông D. là mộ của cha mình. Ủy ban từ chối can thiệp, ông T. kiện ra TAND quận yêu cầu được bốc mộ về nơi khác, tòa cũng không thụ lý. Trước đó, năm 1985, cha ông T. mất, được ông an táng trên miếng đất ông mua giấy tay. Sau đó, ông T. bỏ đất về quê làm ăn, giờ quay lại tìm để bốc mộ cha đưa về quê thì thấy ngôi mộ đã được ông D. (chủ đất hiện nay) tu bổ khác hẳn. Ông D. cũng nói ngôi mộ đó là của cha mình... Tháng 4-2010, ông S. nhiều lần đến gặp chú ruột ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) xin cải táng mồ mả cha mẹ hiện chôn cất tại khu mộ gia tộc trên đất của người chú về một nghĩa trang tại TP Cần Thơ để tiện chăm sóc. Người chú cương quyết không chịu, ông S. nhờ chính quyền xã nhưng bất thành. Ông S. kiện ra TAND huyện Lai Vung cũng bị tòa từ chối thụ lý. Tháng 5-2008, TAND huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) đã đình chỉ giải quyết vụ ông C. bị họ hàng kiện đòi bồi thường vì tự ý di dời ngôi mộ của người anh bởi chưa có quy định điều chỉnh. Trước đó, năm 2006, ông C. di dời hài cốt của người anh về chôn chỗ khác để giao mảnh đất tọa lạc tại xã Thới Thạnh cho người mua. Thân nhân người anh tố giác đến các cơ quan chức năng. Xã hòa giải không thành nên chuyển hồ sơ đến tòa... Năm 2007, bà N. kiện ra TAND quận Bình Tân (TP.HCM) yêu cầu di dời ngôi mộ của gia đình người anh ra khỏi đất của bà nhưng tòa từ chối. Bà N. quay về nhờ chính quyền địa phương can thiệp cũng không được. Nguyên trước đó, bà N. được cha mẹ cho một miếng đất, trên đất có vài ngôi mộ của gia đình nên giấy đỏ ghi mục đích sử dụng là đất nghĩa địa. Sau đó, gia đình người anh chôn cất người thân trên đất này dù bà không đồng ý. |
THANH TÙNG - BÌNH MINH