Tranh chấp tín dụng: Nên giải quyết bằng trọng tài

Các đại biểu tham dự tọa đàm “Xử lý tranh chấp tín dụng tại trọng tài và tòa án” do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa phối hợp tổ chức đều có chung quan điểm là nếu người dân và doanh nghiệp (DN) sử dụng cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp thì tòa án sẽ không bị quá tải.

Kiện ra tòa: Rắc rối, kéo dài, quá tải

Theo PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM), các tranh chấp tín dụng thường rắc rối, kéo dài và tòa án thường mất nhiều thời gian để giải quyết thành công. Nhất là trong trường hợp người vay tiền chết thì tòa lại phải xác minh, đưa những người thừa kế di sản của người chết vào tham gia tố tụng. Nếu xác minh, triệu tập không đầy đủ là bản án sẽ bị cấp trên hủy.

Thẩm phán Hoàng Ngọc Thành (Chánh Tòa Kinh tế TAND TP Hà Nội) cho biết: Việc xác định địa chỉ của DN bị đơn, thành viên… để tòa hoàn tất thủ tục tố tụng rất khó khăn, trong khi pháp luật quy định tòa chỉ có hai tháng để xử lý các vụ tranh chấp (nếu vụ việc phức tạp thì thêm một tháng nữa). “Nếu chủ DN bỏ trốn hoặc DN giải thể thì càng khó khăn hơn nữa” - ông Thành nói.

Theo Thẩm phán Thành, Luật DN 2014 (có hiệu lực từ 1-7-2015) đã sửa đổi theo hướng khi không tìm được địa chỉ của DN thì tòa án được chỉ định người đại diện theo pháp luật của DN đó tham gia tố tụng. Tuy điểm sửa đổi này có thể giúp tháo gỡ dần tình trạng án tồn đọng nhưng tòa cũng còn rất nhiều khó khăn vì phải đi “truy tìm” người đại diện theo pháp luật của DN.

Trong khi đó, nhân sự của ngành tòa án có hạn mà số lượng án kinh doanh thương mại lại không hề nhỏ. Theo thống kê, từ năm 2008 đến 2014, tòa án các cấp đã thụ lý, giải quyết 81.214 vụ án kinh doanh thương mại, bình quân khoảng 13.000 vụ/năm, trong đó phần lớn là tranh chấp từ hoạt động tín dụng. Do nhân sự của tòa có hạn nên dẫn đến quá tải, việc giải quyết án không đáp ứng được đúng thời hạn tố tụng theo quy định, có khi kéo dài hằng năm…

Một số đại biểu đang trao đổi tại buổi tọa đàm. Ảnh: C.LUẬN

Trọng tài: Nhanh gọn, bảo mật

“Nếu các bên tranh chấp tín dụng lựa chọn cơ chế trọng tài để giải quyết thì tòa án sẽ không bị quá tải. Mặt khác, việc giải quyết tranh chấp có thể nhanh gọn hơn vì tố tụng trọng tài không phức tạp như tòa án” - Thẩm phán Thành nhận định.

Đồng tình, luật sư (LS) Vũ Ánh Dương (Tổng Thư ký VIAC) cho biết theo thống kê của VIAC, thời gian trung bình giải quyết một vụ tranh chấp tại trung tâm trọng tài là 153 ngày, đặc biệt nhiều vụ thủ tục rút gọn thì thời gian giải quyết rút ngắn chỉ còn từ 15 đến 30 ngày.

Theo LS Dương, phương thức giải quyết tranh chấp tín dụng bằng trọng tài có nhiều ưu điểm lớn như thủ tục đơn giản, linh hoạt, các bên có nhiều quyền tự định đoạt và tự do thỏa thuận từ việc lựa chọn trọng tài viên, địa điểm đến thỏa thuận về thời gian và thủ tục trọng tài. Mặt khác, việc giải quyết tại trung tâm trọng tài là bí mật, sẽ giúp DN bảo vệ được bí mật kinh doanh. Hơn nữa hiện nay phán quyết trọng tài đã có giá trị chung thẩm và được chuyển thẳng sang cơ quan thi hành án dân sự để tổ chức thi hành theo Luật Thi hành án dân sự.

Từ kinh nghiệm của mình, LS Trương Thanh Đức (VIAC) cũng cho hay hầu hết hợp đồng kinh tế có liên quan tới một bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài đều có thỏa thuận về chế định trọng tài nếu xảy ra tranh chấp. “Trong cơ chế trọng tài, các yếu tố xin - cho, chi phí không chính thức và sử dụng quan hệ đều không có giá trị” - LS Đức khẳng định.

Giúp tổ chức tín dụng lựa chọn

Tranh chấp tín dụng diễn ra khá thường xuyên nhưng việc giải quyết tranh chấp đang mất khá nhiều thời gian và gặp rất nhiều vướng mắc. Những vấn đề đưa ra tại hội thảo này sẽ giúp các tổ chức tín dụng nhìn nhận, lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp, giảm thiểu rủi ro pháp lý trong hoạt động tín dụng.

TRẦN THỊ HỒNG HẠNH, Tổng Thư ký VNBA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm