‘Tránh hôm trước là anh hùng lao động, hôm sau bị bắt’

Bàn về câu chuyện “tôm bẩn” (bơm tạp chất, nhét đinh vào tôm cho tăng trọng) làm ảnh hưởng không chỉ uy tín của ngành tôm Việt Nam mà cả uy tín quốc gia, TS Nguyễn Sĩ Dũng (ảnh), nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói: “Đó là một trong những biểu hiện tầm nhìn hạn chế, cách làm ăn chụp giật”.

Tác hại khủng khiếp

. Phóng viên: Theo ông vì sao lại có chuyện tầm nhìn hạn chế và làm ăn chụp giật ấy?

+ TS Nguyễn Sĩ Dũng: Thực chất vấn đề này cũng dễ hiểu. Bởi Việt Nam có một thời gian dài làm kinh tế theo mô hình kế hoạch hóa tập trung. Những quy luật của kinh tế thị trường chưa được xây dựng và những đòi hỏi của kinh tế thị trường cũng chưa được hiểu biết thấu đáo. Cách làm ăn chụp giật còn ngự trị và chắc còn tồn tại lâu.

Những biểu hiện như bơm chất bẩn vào tôm, bơm nước vào heo để tăng trọng lượng. Những điều đó chỉ biểu hiện một tầm nhìn và cách làm ăn hạn chế. Bởi lẽ nếu làm ăn như vậy thì chỉ lừa được người khác một lần thôi.

. Tác động của kiểu làm ăn chụp giật chắc rất nghiêm trọng, thưa ông?

+ Khi lừa người khác chỉ được một lần thì ngàn đời chả giàu có được. Sự giàu có chính là do thương hiệu, do lòng tin của người tiêu dùng, của khách hàng. Lòng tin sẽ cắt giảm chi phí rất lớn cho cả hai bên. Người ta tin mình thì không cần kiểm tra, không cần thực hiện những cách thức kiểm tra cam kết. Và mình cũng không phải thương lượng nhiều.

Muốn có được lòng tin thì phải xây dựng thương hiệu. Lòng tin là cảm xúc, là niềm tin, là sự gửi gắm của khách hàng. Ví dụ như hàng hóa của Nhật, với những thương hiệu lớn, là sự đảm bảo chất lượng, đảm bảo khách hàng không bị lừa dối.

Rõ ràng kinh tế thị trường trong hội nhập cần phải có một tư duy dài hạn để vươn tới thịnh vượng. Đây cũng chính là phương cách để hình thành được thương hiệu quốc gia.

Một vụ tôm chứa tạp chất bị bắt quả tang tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trần Hiếu

Phải bước qua tầm nhìn ngắn hạn

. Rõ ràng khi chúng ta làm ăn trong thời kỳ hội nhập sâu rộng vào thế giới văn minh như thế này phải tuân thủ“chuỗi giá trị toàn cầu”, ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

+ Nói đến chuỗi giá trị, ta phải xác định ta chỉ là một mắt xích trong đó và phải tuân thủ những nguyên tắc, chất lượng phổ quát. Nếu không, ta sẽ bị loại ra khỏi chuỗi giá trị đó.

Bởi hội nhập có nghĩa là phải đạt chuẩn mực quốc tế và có trách nhiệm với chuỗi giá trị mà ta tham gia vào. Trở lại câu chuyện con tôm, người ta xuất khẩu tôm nhưng khi đến công đoạn của ta, người ta phát hiện ra tôm có tạp chất thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi sản xuất.

Dĩ nhiên trong chuỗi mắt xích ấy, chúng ta phải luôn vươn tới đẳng cấp cao hơn.

. Nhưng tâm lý tham bát bỏ mâm, chụp giật dường như còn ăn sâu. Ngoài chuyện tập quán hàng chục năm, theo ông còn nguyên nhân gì khác?

+ Cái gọi là đặc tính của người Việt là phản ứng rất nhanh, “Nước đến chân mới nhảy”. Nhưng khuyết điểm của người Việt, ta phải khách quan là thiếu tầm nhìn. Tức là chúng ta không có tầm nhìn hàng 50 năm, hàng thế kỷ. Khả năng có một tầm nhìn chiến lược chưa phải là thế mạnh của người Việt.

Chúng ta phải cải cách, đào tạo thông qua giáo dục, về tầm nhìn ngay từ bây giờ. Hoạch định bao giờ cũng phải có tầm nhìn và chiến lược dài hạn. Không phải là thấy lúa được giá thì trồng lúa. Điều này đúng cho cả quản trị nhà nước và kinh doanh.

Tôi có một người bạn Nhật Bản đầu tư vào ngân hàng của Nhật Bản tại Việt Nam. Trong mấy năm rồi luôn lỗ nhưng ông thấy không sao cả. Bởi tầm nhìn của họ là 100 năm. Người Việt mình không ai nhìn như thế cả.

. Tầm nhìn ngắn hạn ấy tôi nghĩ cũng in dấu rất nhiều trong hoạch định chính sách của chúng ta, thưa ông?

+ Tầm nhìn ngắn hạn phản ánh giai đoạn phát triển quản trị nhà nước. Chính sách, pháp luật thay đổi rất nhanh, không hoạch định dài hạn được. Thành thử khi làm luật, khi sửa chữa chính sách thì phải để tầm nhìn rất rộng. Nếu luật năm năm, 10 năm sửa một lần thì ai hoạch định dài hạn được?

Chính sách thay đổi như vậy lại thúc đẩy tâm lý chụp giật, “đánh quả”. Nếu bây giờ có cơ hội, có khoảng trống là xông vào ngay. Trong khi đó, một trong những đặc tính của nhà nước pháp quyền là phải tiên lượng được.

. Tiên lượng ấy cụ thể thế nào?

+ Ví dụ, Nhà nước sẽ không bao giờ cấm kinh doanh hàng điện tử thì lúc đó các doanh nghiệp (DN) mới hoạch định được chiến lược. Nhưng nếu đùng một cái Nhà nước cấm, hạn chế, tạo ra điều kiện là DN thua.

Nhà nước muốn DN có tầm nhìn, tính toán được, xây dựng được chiến lược thì pháp luật phải ổn định. Nếu có sửa thì phải sửa trên những nguyên tắc phổ quát chứ không phải muốn sửa thế nào cũng được.

Phải trọng thưởng người làm ăn trung thực

. Những nguyên tắc ấy là gì, thưa ông?

+ Nhà nước phải thấy được tính chất tiên lượng của mình. Chẳng hạn phải đảm bảo rằng: Quyền tư hữu tài sản bao giờ cũng được bảo vệ. Người dân có niềm tin rằng tài sản của mình sẽ được bảo vệ và không có chính sách nào có thể đụng chạm đến tài sản của mình được. Hay như quyền sở hữu trí tuệ sẽ được cam kết bảo vệ ở đất nước này, tranh chấp sẽ được giải quyết công bằng, hiệu quả… Những điều đó sẽ tạo nên một thương hiệu quốc gia uy tín. Khi như thế, người dân và DN mới có thể hoạch định được.

Hai là Nhà nước có thể khuyến khích những người làm ăn trung thực, có tầm nhìn dài hạn. Tránh tình trạng mới hôm trước nhận danh hiệu anh hùng lao động, hôm sau bị bắt. Phải đảm bảo rằng những người nhận huân, huy chương là những người làm ăn trung thực. Nếu không Nhà nước sẽ khuyến khích sự giả dối, chạy chọt.

Cuối cùng, các chính sách của Nhà nước phải trọng thưởng những người trung thực và gây khó khăn cho những người gian dối. Điều đó mới thúc đẩy những nguyên tắc đạo đức căn bản của kinh doanh. Một hệ thống pháp luật phải có mục đích trừng phạt những người làm ăn gian dối, cẩu thả. Nếu bỏ tạp chất vào tôm, dùng chất tạo nạc nuôi heo phải bị xử phạt ngay.

Đề cao sự trung thực thì mới hình thành được một văn hóa kinh doanh, đảm bảo sự thịnh vượng cho đất nước này.

Mỗi DN đều phải hành xử thế nào để đóng góp, bổ sung giá trị cho hàng “made in Vietnam. Nếu người ta nghĩ rằng: Không kiểm tra, hàng hóa “made in Vietnam” có thể găm đinh vào thì sẽ rất khó.

TS NGUYỄN Sĩ DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm