Chính phủ tuyên chiến với ‘tôm bẩn’

Tại hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam được tổ chức tại Cà Mau ngày 6-2, Bộ NN&PTNT đưa ra mục tiêu đến năm 2030 giá trị tôm xuất khẩu sẽ đạt 10 tỉ USD. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng với lợi thế của Việt Nam, phải rút ngắn thời gian đạt mục tiêu trên ở năm 2025.

Thủ tướng cho rằng Việt Nam có đầy đủ điều kiện để phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới. Để đạt được mục tiêu này Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành cần tập trung toàn lực để thúc đẩy ngành tôm phát triển, theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng thương hiệu, hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ nuôi tôm…

Nhấn mạnh đến vấn đề chống tôm tạp chất, Thủ tướng khẳng định phải nghiêm cấm và có chế tài thích đáng đối với hiện tượng bơm các tạp chất vào tôm để trục lợi bất chính mà một số gian thương đã làm thời gian qua.

Thủ tướng tham quan gian hàng thực phẩm được chế biến từ tôm. Ảnh: QUANG HIẾU/VGP

“Làm gì cũng phải nghĩ sâu xa, vì cái chung, không được có tư tưởng tham bát bỏ mâm. Chính phủ tuyên chiến với các hành vi bơm tạp chất vào tôm cũng như các vi phạm làm ảnh hưởng đến uy tín của tôm Việt Nam ở mọi khâu”. Thủ tướng nói thế và bày tỏ mong muốn các nhà sản xuất trong ngành phải đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau, “đừng vì phát triển mà phá nhau không lành mạnh”.

Thủ tướng nêu rõ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành, có trách nhiệm và sự sẵn sàng cao nhất nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các DN Việt Nam chân chính. “Khi cần thiết, chúng ta không ngần ngại sử dụng các tham vấn pháp lý tốt nhất, những chuyên gia, luật sư giỏi nhất trong và ngoài nước để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chúng ta” - Thủ tướng khẳng định.

Tại hội nghị, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phát triển ngành tôm Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong quý I trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về con tôm để phát triển bền vững, hình thành một ngành công nghiệp sản xuất tôm Việt Nam.

Phải thay đổi tư duy cho ngành tôm

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, chia sẻ: “Tôi vừa có chuyến tham quan ở một số nước có ngành nuôi tôm phát triển và thấy rằng kiến thức 30 năm qua của tôi bị lệch nhiều. Người ta không lấy mật độ nuôi dày, không lấy sản lượng cao làm mục tiêu hàng đầu. Người ta nuôi mật độ thưa, giảm chi phí giống, chi phí xử lý môi trường, thức ăn, thuốc… Từ đó họ nuôi mật độ thưa hơn ta mà hiệu quả cao hơn ta nhiều lần”.

Góp ý kiến cho ngành tôm Việt Nam, ông Quang cho rằng ngành tôm Việt Nam cần thay đổi tư duy mạnh mẽ, mạnh dạn xóa dần tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, ngăn chặn ngay tình trạng tôm tạp chất, kiểm soát chặt hệ thống sản xuất, kinh doanh thuốc thú y thủy sản…

_____________________________

3,1 tỉ USD (số tròn), đó là giá trị tôm xuất khẩu năm 2016. Trong khi đó con số này năm 2014 là 3,95 tỉ USD, còn năm 2015 chỉ gần 3 tỉ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm