Kể về những kỷ niệm không vui này, TS Dũng vẫn không giấu nổi bức xúc. Ông nói rằng: “Nhục lắm. Khi phía Nhật đưa cho tôi bản X-quang chụp một khối tôm đông lạnh hiện lên hình ảnh những cây đinh trong mỗi con tôm, tôi chỉ muốn độn thổ! Tôi không thể tưởng tượng được!”. Lúc đó, ông Dũng tưởng như trời đất sụp đổ, danh dự và uy tín bị xúc phạm nặng nề. Ông không giải thích được gì vì theo ông có giải thích cũng chỉ là ngụy biện. Mắt ông khi đó “đỏ hoe” như sự việc mới vừa xảy ra.
Tôm bơm tạp chất mình thường căng phồng, mập bất thường.(Hình minh họa) |
Bởi lẽ trước đó TS Dũng đã nỗ lực rất nhiều để đưa các sản phẩm mây tre đan, thủy hải sản thời đó đáp ứng được tiêu chuẩn của Nhật để xuất khẩu. Khi đó, từ chỗ không biết gì về tôm đông lạnh, Việt Nam mua được trang thiết bị để thành lập các nhà máy đông lạnh, các doanh nghiệp, tập đoàn thủy sản của Nhật sang Việt Nam mua hàng ngày càng nhiều. Việt Nam luôn đứng thứ hai, thứ ba về xuất khẩu tôm sang Nhật.
Tuy vậy, việc làm ăn đang suôn sẻ thì phía Nhật kiểm tra 100% các lô hàng tôm đông lạnh của Việt Nam. Một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gian lận nhét đinh vào tôm hoặc dư lượng chất kháng sinh độc hại trong tôm còn nhiều. Cứ mỗi lần phát hiện ra những gian lận này, phía Nhật hủy luôn cả lô hàng.
Cũng may, theo ông Dũng, một thời gian khá dài sau đó những gian lận này được khắc phục với nỗ lực từ cả hai phía Việt Nam và Nhật. Tôm đông lạnh Việt Nam vẫn vào được Nhật, vốn là một thị trường xuất khẩu chủ lực của nông sản, thủy hải sản cho tới tận bây giờ.
Câu chuyện này có lẽ là một bài học quý báu cho các doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập với thế giới mà sản xuất văn minh, nhân bản đang là xu hướng chủ đạo. Ở một thế giới mà sự minh bạch, tính nhân văn trong chuỗi giá trị được đề cao thì những hành vi gian lận như nhét đinh vào tôm xuất khẩu là không thể chấp nhận được.
Vì vậy tại hội nghị về ngành tôm ngày 6-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mạnh mẽ tuyên bố: “Chính phủ tuyên chiến với các hành vi bơm tạp chất vào tôm cũng như các vi phạm làm ảnh hưởng đến uy tín của tôm Việt Nam ở mọi khâu”. Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng: “Làm gì cũng phải nghĩ sâu xa, vì cái chung, không được có tư tưởng tham bát bỏ mâm”.
Một điều tất yếu rằng: Bất kể một hành vi đáng xấu hổ nào của công dân, doanh nghiệp Việt Nam trong thế giới văn minh, nhân bản cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia và con đường phát triển bền vững của đất nước.
Vậy mà bài học 30 năm trước đến bây giờ vẫn còn phải nhắc lại.