Ngày 10-9, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội (QH), diễn ra phiên họp giả định QH trẻ em lần thứ nhất.
263 “đại biểu QH đặc biệt” từ 63 tỉnh, thành trình bày suy nghĩ, nguyện vọng của các em tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan trung ương về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.
Chủ tịch QH trẻ em Đặng Cát Tiên chủ trì phiên họp giả định...
Luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho trẻ em
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực QH giả định Lê Quang Vinh, phiên họp giả định QH trẻ em lần thứ nhất đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích trẻ em, bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại phiên họp giả định. Ảnh: QH |
Phát biểu tại phiên họp giả định, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu rõ: Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho trẻ em.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, luôn đặt niềm tin và kỳ vọng vào thế hệ măng non, những chủ nhân tương lai của đất nước, kế tục sự nghiệp cách mạng của ông cha.
Kế thừa và phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đề ra hệ thống quan điểm nhất quán về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, xác định trách nhiệm của toàn Đảng, của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tuy nhiên công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều trẻ em ở miền núi, vùng cao, trẻ em dân tộc thiểu số chưa có đủ điều kiện để tiếp cận những dịch vụ giáo dục, chăm sóc y tế có chất lượng cao, chưa được bảo đảm tốt về dinh dưỡng. Trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ không còn nơi nương tựa còn cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cơ quan nhà nước và của xã hội.
Thực trạng đó cho thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ và chăm sóc tốt hơn nữa cho thế hệ tương lai của đất nước.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị QH, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức Đoàn Thanh niên và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, đầu tư các nguồn lực, cả về ngân sách và con người để thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Trong thời gian tới, cần nghiên cứu để đưa quy trình thẩm tra nội dung bảo đảm quyền trẻ em thành một khâu bắt buộc trong hoạt động lập pháp, tương tự như việc thẩm tra về bình đẳng giới hiện nay. Nghị quyết của phiên họp giả định là cơ sở để QH, Chính phủ và các ban ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình ban hành chính sách về vấn đề liên quan đến trẻ em.
|
Toàn cảnh phiên họp giả định Quốc hội trẻ em. Ảnh: QH |
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu QH trẻ em tiếp tục phấn đấu, có hoài bão, ước mơ, sau này đóng góp thật nhiều cho sự phát triển của đất nước. Ông cũng hy vọng có nhiều cháu khi trưởng thành sẽ nhận được sự tín nhiệm của nhân dân, trở thành đại biểu QH thực sự.
Các đại biểu trẻ em nêu về tình trạng bạo lực
Trước đó, phát biểu khai mạc phiên họp giả định, Chủ tịch QH trẻ em Đặng Cát Tiên cho biết phiên họp thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Nội dung phiên họp đã được lấy ý kiến của “cử tri” trẻ em cả nước, các chuyên gia, nhà khoa học thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú...
25,5% dân số của Việt Nam là trẻ em (25 triệu trẻ). Trong đó, 100% trẻ dưới sáu tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí. Gần 100% trẻ đến độ tuổi được đến trường, 95% trẻ dưới một tuổi được tiêm đầy đủ các loại vaccine.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Hoàng Trà My (Đoàn đại biểu QH tỉnh Hà Tĩnh) nêu thực trạng: Tình trạng tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em đang có xu hướng gia tăng, gây bức xúc, lo lắng cho toàn xã hội. Hậu quả gây ra là vô cùng nghiêm trọng, thành một nỗi ám ảnh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của trẻ em.
Đưa ra giải pháp, đại biểu Hoàng Trà My kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương cần trang bị các biển báo về nguy cơ mất an toàn cho trẻ em ở các hồ bơi, các ngã ba, ngã tư tại các thôn xóm.
Các cơ quan chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng tránh tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại thường xuyên hơn bằng hình thức phù hợp, hấp dẫn với trẻ em hơn. Cần đưa chương trình giáo dục giới tính vào nhà trường, tích hợp thường xuyên trong các môn học; hướng dẫn để trẻ em biết cách trình báo, tố cáo vụ việc tới các cơ quan chức năng…
Còn đại biểu Bùi Thị Quỳnh Chi (Đoàn đại biểu QH tỉnh Hà Tĩnh) đề nghị nhà trường cần tăng cường lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của học sinh thông qua các hoạt động của Đội; các buổi đối thoại giữa thầy cô và học sinh, định kỳ khảo sát, lấy ý kiến của học sinh…
Dạy trẻ em kỹ năng trên môi trường mạng
Về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đại biểu Ngô Kim Cương (Đoàn đại biểu QH tỉnh Tây Ninh) nhấn mạnh ngày càng nhiều trẻ em bị xâm hại, bạo lực trên môi trường mạng và yêu cầu để trẻ em được tương tác lành mạnh, an toàn trên không gian mạng trở thành vấn đề bức thiết.
Đảng, Nhà nước quan tâm
đặc biệt vấn đề trẻ em
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em.
Hàng loạt luật, chương trình hành động hướng đến chăm lo, bảo vệ trẻ em đã được ban hành như: Luật Trẻ em 2016, Luật Giáo dục 2019, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em và nhiều chương trình, đề án về phát triển toàn diện trẻ em.
Qua tiếp xúc với cử tri trẻ em tại địa phương cho thấy gia đình, nhà trường, thầy cô chưa chú trọng giáo dục, hướng dẫn về kỹ năng, kiến thức sử dụng mạng đúng cách cho trẻ em.
Thêm vào đó, trẻ em được tiếp xúc với mạng xã hội từ quá sớm, khi chưa có đủ kiến thức để tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng, từ đó chưa có cách để phòng tránh, dễ bị lôi kéo để thực hiện các hành vi trái đạo đức, trái pháp luật. Hàng rào kỹ thuật phòng ngừa xâm hại cho trẻ em trên môi trường mạng chưa được quan tâm đúng mức.
Đại biểu Ngô Kim Cương đề xuất gia đình, đặc biệt cha mẹ là những “lá chắn” cho trẻ, nên cần chủ động tìm hiểu, ứng dụng các giải pháp về công nghệ số để kiểm soát thông tin cá nhân của trẻ, hướng dẫn cho trẻ em những kiến thức cơ bản an toàn trên môi trường mạng.
Về chương trình giáo dục, cần trang bị kỹ năng tiếp xúc với Internet an toàn. Môn học giáo dục công dân cần có nội dung phòng, chống xâm hại qua môi trường mạng.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Ngọc Tường Vy (Đoàn đại biểu QH tỉnh Đồng Nai) chỉ rõ những nguy cơ rủi ro, mất an toàn đối với trẻ em khi sử dụng Internet được kể tới như: bị đánh cắp tài khoản, thông tin; bị lộ thông tin cá nhân; bị lôi kéo tham gia các tệ nạn xã hội; những trường hợp trẻ em thường xuyên gặp phải đó là nói xấu nhau, bạo lực ngôn từ, bị hack nick Facebook, Zalo…
Đại biểu Tường Vy cho rằng việc trẻ bị bắt nạt trên mạng đôi khi để lại hậu quả nhiều hơn khi trẻ bị bắt nạt trong thực tế. Khi bị chia sẻ các clip về bạo hành, bắt nạt, nhiều trẻ em đã không dám quay lại trường học, khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng.
Theo đại biểu tỉnh Đồng Nai, QH cần tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan tới vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Chính phủ yêu cầu các hiệp hội, tổ chức có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kỹ thuật và nghiệp vụ để bảo vệ trẻ em. Bộ TT&TT tăng cường quản lý, kiểm tra và lọc các nội dung mang tính chất tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến trẻ em khỏi các nền tảng số...
Tại phiên thảo luận giả định, một số đại biểu đã giơ biển phát biểu, tranh luận sôi nổi và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể đối với các nội dung được bàn thảo.