Ngày 3-6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Các ý kiến tại hội trường đều tán thành đề xuất của Chính phủ đề nghị QH cho phép tổ chức thí điểm hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
“Con đường trở về nhà của phạm nhân ngắn lại”
Bấm nút phát biểu đầu tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (Đoàn đại biểu (ĐB) QH tỉnh Bắc Kạn) nhiều lần nhắc tới cụm từ “rất cần thiết”. “Điều này không chỉ cần thiết đối với việc cải tạo phạm nhân mà còn rất cần thiết cho việc tái hòa nhập cộng đồng sau này” - bà Thủy nói thêm.
Bà Thủy dẫn chứng theo thống kê, trong khoảng 150.000 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù có tới 67% mới chỉ học hết cấp I, cấp II, cá biệt có 4,7% không biết chữ, 54% trước khi phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lao động tự do.
ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai). Ảnh: QH |
“Nếu như không tổ chức tốt việc lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân thì sẽ rất khó khăn với họ trong tìm kiếm việc làm và dễ rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti, nguy cơ tái phạm sẽ rất lớn” - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp lo ngại.
Cũng theo bà Thủy, vì những lý do bất khả kháng, nhiều trại giam đã không tổ chức tốt việc này, chủ yếu chỉ trồng rau, chăn nuôi mang tính chất tự cấp, tự túc... “Tổng kết giá trị ngày công lao động của phạm nhân rất thấp, chỉ khoảng 15.000 đồng/ngày” - bà Thủy nói và cho hay thời gian qua, Bộ Công an đã tổ chức thí điểm cho phạm nhân lao động ngoài trại giam và bước đầu mang lại nhiều kết quả khả quan.
Thừa nhận còn những ý kiến e ngại việc này có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, bà Thủy cho rằng không nên vì e ngại mà chúng ta bỏ đi cơ hội và nhu cầu chính đáng của phạm nhân được cải tạo thông qua lao động. Kết quả khảo sát của Bộ Công an cho thấy hầu hết nạn nhân đều mong muốn thành thạo được một nghề để sau khi mãn hạn tù dễ tìm được việc làm...
Sau cùng, bà Thủy cho rằng việc QH cho phép thí điểm tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam chính là một trong những giải pháp quan trọng “để cho con đường trở về nhà của phạm nhân ngắn lại”, giúp cho những người đã từng lầm lỡ dễ dàng hơn khi mở lại cánh cửa cuộc đời mình.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật Lê Thanh Hoàn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho rằng điều hay xảy ra là các cựu phạm nhân thường phải sống trong sự kỳ thị của xã hội, ngay cả khi họ ra tù. “Nhiều phạm nhân khi được trả tự do lại thấy bế tắc và như bước vào nhà tù thứ hai theo đúng nghĩa đen của nó” - ông Hoàn nói và cho rằng lao động, dạy nghề là điều quan trọng để giúp mở khóa cánh cửa nhà tù thứ hai này.
ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa). Ảnh: QH |
Tranh luận về việc trả công cho phạm nhân
Vị ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh nguyên tắc phạm nhân phải tự nguyện tham gia lao động, học nghề ngoài trại giam, được trả tiền công lao động... “Quan điểm phạm nhân được trả công lao động là rõ ràng. Tuy nhiên, trong dự thảo nghị quyết, phạm nhân chỉ được trả một phần công lao động và có quyền, nghĩa vụ theo Luật Thi hành án hình sự” - ông Hoàn nói.
Từ đó, ông đề xuất sửa quy định tại dự thảo nghị quyết theo hướng “phạm nhân tham gia lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam được trả công theo quy định của pháp luật về lao động”. Cùng với đó là các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động, phải có những quy định bảo đảm cho phạm nhân đề phòng tai nạn lao động, kể cả bệnh nghề nghiệp, với những điều khoản không kém thuận lợi hơn so với quy định pháp luật áp dụng đối với lao động tự do...
Tranh luận về vấn đề này, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng lao động của phạm nhân là theo quy định của BLHS và Luật Thi hành án hình sự. “Đây là quan hệ tội phạm và hình phạt, không phải là quan hệ lao động bình thường” - ông Long nói và cho rằng pháp luật của chúng ta đã thể hiện sự nhân đạo rất cao, tuy nhiên không thể áp dụng tiêu chuẩn trả công lao động đối với phạm nhân như pháp luật lao động được.
“Chúng tôi cho rằng dự thảo nghị quyết nêu chỉ trả một phần công lao động đối với phạm nhân lao động ở ngoài trại giam là rất phù hợp...” - ông Long kết luận.
Tranh luận lại, ĐB Lê Thanh Hoàn lưu ý QH đang bàn việc thí điểm với hình thức là lao động tự nguyện. “Mấu chốt nhất là “tự nguyện” của phạm nhân và tính chất tự nguyện ở đây là cơ chế thỏa thuận, không phải là cơ chế áp đặt. Nếu chúng ta bắt buộc thì trở thành lao động cưỡng bức và trái với công ước của Liên Hợp Quốc và Công ước 29 về lao động cưỡng bức...” - ĐB Hoàn nhấn mạnh.
Chỉ có 12% dùng để trả cho người lao động
Theo báo cáo giải trình của Chính phủ, kết quả lao động, học nghề của phạm nhân ngoài trại giam chỉ có 12% để chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia sản xuất và chi hỗ trợ phạm nhân bị tai nạn lao động. 50% hỗ trợ đầu tư trở lại trong trại giam phục vụ việc tổ chức lao động giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân, nâng cao tay nghề cho phạm nhân; 14% bổ sung mức ăn, 2% quỹ hòa nhập cộng đồng để chi hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù và 22% bổ sung vào quỹ phúc lợi khen thưởng của trại giam.
Với thực tế chỉ có 12% dùng để trả công cho người lao động thì có hợp lý không, có ổn hay không? Bản thân tôi thấy rằng việc này “không hợp lý lắm”, cần phải tính toán một cơ chế trả công khác.
Ông TRỊNH XUÂN AN, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh (ĐBQH tỉnh Đồng Nai)