Tranh luận việc “cấp phép” cho VĐV chuyển giới

(PLO)- Khi LĐBĐ thế giới (FIFA) và Liên đoàn Bơi lội quốc tế (FINA) quyết liệt ủng hộ cho việc cầu thủ chuyển giới thi đấu chuyên nghiệp thì trên thế giới vẫn tiếp tục nổ ra những cuộc tranh luận căng thẳng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh quốc tế (IAAF) Sebastian Coe, người Anh (cựu vô địch Olympic 800 m) đang phản đối quyết liệt việc “hợp thức hóa” cho VĐV chuyển giới và ông yêu cầu phải chờ thêm dữ liệu, không được vội vã.

VĐV chuyển giới Rachel McKinnon trong môn xe đạp khiến các chị em thực thụ thua thiệt. Ảnh: GETTY IMAGES

VĐV chuyển giới Rachel McKinnon trong môn xe đạp khiến các chị em thực thụ thua thiệt.
Ảnh: GETTY IMAGES

Theo ông Sebastian Coe, nếu công nhận vội vàng sẽ gây náo loạn ở các giải nữ. Cụ thể là điền kinh, nhất là các nội dung chạy ngắn. Có một thực tế là hầu hết VĐV chuyển giới là từ nam chuyển sang nữ nên lượng hormone nam của họ hầu hết đều còn rất cao và nếu chấp thuận thì các VĐV nữ chính thống sẽ khó có cơ hội tranh ngôi cao với các VĐV chuyển giới này. Hiện nay cách tính tỉ lệ hormone nam trong đơn vị máu đang là “thước đo” phân biệt nam, nữ, tuy nhiên nó chưa phản ánh hết được sức mạnh khi từ nam chuyển sang nữ. Vì các yếu tố khác như “sức bật của cơ”, “sức bền”... ở VĐV nam chuyển sang nữ rất lớn và nó không thuộc về “chỉ số hormone”.

Người đứng đầu điền kinh thế giới cho rằng chỉ lấy số liệu lượng hormone nam trong đơn vị máu để xác định giới tính là chưa phù hợp, phải chờ thêm thời gian. Còn nếu quá vội vàng thì những VĐV nữ sẽ bị thiệt thòi trong cạnh tranh thành tích.

Tương tự như trong điền kinh mà các nhà chuyên môn đã nói thì bơi lội cũng sẽ náo loạn nếu các cuộc tranh tài nữ có VĐV nam chuyển giới vào thi đấu, vì nền tảng sức mạnh của các VĐV này vượt trội hẳn so với nữ.

Còn những môn thể thao khác như bóng đá, bóng bầu dục, bóng chày thì họ vô tư ủng hộ. Nhưng chính sự vô tư ủng hộ đó lại gây áp lực lớn lên những môn đặc trưng như bơi lội và điền kinh. Nếu “hùa theo” để tỏ ra văn minh, bình quyền giới tính thứ ba thì lại rất thiệt thòi cho nữ giới chính hiệu.

Có một thực tế là VĐV chuyển giới thì hầu như 100% người chuyển giới là từ nam chuyển sang nữ, chứ ít có chiều ngược lại và điều này gây thiệt thòi lớn lên giới VĐV nữ khi có VĐV chuyển giới tham dự.

Trong khi đó, LĐBĐ Đức vừa phát đi một thông điệp rất thoáng: “Cầu thủ chuyển giới có thể tự chọn cho mình khoác áo đội tuyển nam hay nữ”.

Nếu quá vội vàng thì những VĐV nữ sẽ bị thiệt thòi trong việc cạnh tranh thành tích với các VĐV nam chuyển giới sang nữ.

Vài năm trước ở Nhật Bản cũng có một nữ cầu thủ khoác áo CLB đá trong đội nam tại J-League 2, tuy nhiên sau ít trận thì cô cầu thủ này chịu không nổi trước các đồng nghiệp nam có sức mạnh vượt trội và chia tay.

Hồi Euro 2020, cả châu Âu đã gửi đi thông điệp “bình đẳng giới” rất mạnh và quyết liệt qua việc trang trí ánh sáng trên sân và chiếc băng đội trưởng các đội là màu “ngũ sắc cầu vồng”, biểu tượng của giới tính thứ ba. Ngay cả tại AFF Cup 2021 năm ngoái, một số đội trưởng cũng đeo băng “ngũ sắc cầu vồng” như Dangda của Thái Lan.

Câu chuyện ủng hộ bình đẳng giới là xu hướng và nền văn minh. Tuy nhiên, nói theo các nhà quản lý thể thao lẫn những nhà chuyên môn ở những môn thể thao có tính đặc trưng thì không nên vội vàng và hãy tiếp tục chờ có thêm dữ liệu để không gây thiệt thòi cho giới VĐV nữ... như chính cách nói của Chủ tịch IAAF Sebastian Coe.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm