Chiều 17-6, tiếp tục kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Tranh luận việc giới hạn độ tuổi công chứng viên
Theo Điều 8 dự thảo, một trong những tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên (CCV) là “công dân Việt Nam không quá 70 tuổi”. Đây là một trong những sửa đổi, bổ sung, theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững.
Ngoài ra, điều khoản chuyển tiếp quy định CCV trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là hai năm. CCV từ 68 đến 70 tuổi được hành nghề công chứng đến khi tròn 72 tuổi.
Khi hết thời hạn nêu trên, việc miễn nhiệm CCV được thực hiện theo quy định của luật.
“Tuổi hành nghề công chứng là nội dung gây khá nhiều tranh cãi trong quá trình lấy ý kiến” - ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) cho hay.
Tuy nhiên, theo Điều 14 dự thảo, một trong những trường hợp CCV bị miễn nhiệm là “đã quá 70 tuổi” mà không đề nghị được miễn nhiệm hoặc không còn đủ các tiêu chuẩn khác theo quy định của luật.
“Vậy thì một người 69 tuổi, bổ nhiệm xong không lẽ người ta bị miễn nhiệm liền? Tôi đề nghị phải xem lại điều luật này” - bà Hạnh góp ý.
Liên hệ với Điều 26 dự thảo quy định “chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của văn phòng công chứng (VPCC)”, phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM lo ngại thực tế sẽ phát sinh trường hợp CCV là thành viên hợp danh bị miễn nhiệm khi quá 70 tuổi.
“Một người quá 70 tuổi không còn hành nghề thì dĩ nhiên sẽ phải rút vốn khỏi VPCC, không còn là thành viên hợp danh. Ban soạn thảo cần có tính toán để xử lý đối với trường hợp này, bởi VPCC là loại hình doanh nghiệp mang tính đặc thù. Đây là quyền của họ đối với tài sản” - theo bà Hạnh.
Tương tự, đại biểu (ĐB) Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) cũng băn khoăn về những trường hợp vừa được bổ nhiệm xong ở tuổi 70 sẽ bị miễn nhiệm. ĐBQH tỉnh Kiên Giang đề nghị nên quy định tuổi hành nghề CCV là không quá 70 và điều kiện về tuổi bổ nhiệm cần quy định thời gian hợp lý hơn.
“Có thể còn ít nhất 24 tháng hoặc 36 tháng đến khi hết tuổi hành nghề công chứng để bảo đảm tính hợp lý và khả thi khi triển khai thực hiện” - ông Thắng đề xuất.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang Đỗ Thị Việt Hà thể hiện sự “đồng tình cao phải giới hạn độ tuổi”.
Theo bà Hà, thực tế có những trường hợp CCV tình trạng sức khỏe rất yếu, có người còn đang nằm trên giường bệnh, vì làm công chứng hợp danh nên vẫn mang tên ở VPCC, thậm chí còn đứng tên là trưởng văn phòng.
Công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng tối đa là hai năm; công chứng viên từ 68 đến 70 tuổi được hành nghề công chứng đến khi tròn 72 tuổi.
Có nên bỏ giới hạn phạm vi công chứng giao dịch bất động sản?
Một nội dung đáng chú ý khác, Điều 41 dự thảo Luật Giới hạn thẩm quyền công chứng giao dịch bất động sản của CCV trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở.
Quy định này loại trừ với trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền liên quan đến bất động sản, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng và công chứng việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ các văn bản này.
Nội dung trên được kế thừa từ quy định của Luật Công chứng hiện hành.
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang Đỗ Thị Việt Hà nói đây cũng là một nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. “Có ý kiến đề nghị bỏ phạm vi giới hạn công chứng bất động sản, tức là VPCC ở địa bàn tỉnh A sẽ được công chứng đối với bất động sản tỉnh B” - bà Hà cho hay.
Tuy nhiên, nêu quan điểm cá nhân, nữ ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị “tiếp tục giới hạn công chứng giao dịch bất động sản”.
Tương tự, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng đề nghị nên giữ nguyên như quy định hiện hành. Theo bà Hạnh, dù hiện nay đã có các cơ sở dữ liệu chung và vẫn đang tiếp tục được xây dựng, tuy nhiên sự chính xác của các số liệu cũng như thông tin liên quan đến dữ liệu phải có quá trình để hoàn thiện và làm đầy.
“Hạ tầng, trang thiết bị của các địa phương cũng chưa có được đồng đều nên nếu đặt vấn đề bỏ địa hạt trong các hợp đồng giao dịch về bất động sản ngay từ bây giờ sẽ khó” - ĐB Hạnh nói.
Bên cạnh đó, bà cũng cho rằng hiện nay tình trạng giả mạo trong các hợp đồng công chứng, lừa đảo công nghệ đang diễn ra rất nhiều… Nếu chưa có sự hoàn thiện về cơ sở dữ liệu, đồng bộ về trang thiết bị cũng như có các biện pháp phòng ngừa thì việc cho phép này sẽ rất nguy hiểm và khi hậu quả xảy ra thì người dân sẽ phải lãnh chịu.•
Giới hạn trường hợp công chứng ngoài trụ sở “là cần thiết”
Khoản 2 Điều 43 dự thảo quy định việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng nếu người yêu cầu công chứng thuộc một trong ba trường hợp:
a) Không thể đi lại được vì lý do sức khỏe; đang điều trị nội trú hoặc bị cách ly theo chỉ định của cơ sở y tế.
b) Đang bị tạm giữ, tạm giam; đang thi hành án phạt tù; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
c) Đang thực hiện các nhiệm vụ, công việc đặc thù mà không thể đến trụ sở tổ chức hành nghề công chứng.
Phát biểu tại tổ, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng việc giới hạn thu hẹp phạm vi công chứng ngoài trụ sở như dự thảo “là cần thiết”.
Theo bà, quy định trên phù hợp với quy định tại Điều 3 dự thảo: Hoạt động công chứng cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm nên cần bảo đảm sự nghiêm túc của hoạt động dịch vụ công.
ĐB Nguyễn Thị Lệ cho rằng giới hạn một số trường hợp cụ thể như dự thảo là “cần thiết”. Điều này sẽ góp phần khắc phục tình trạng công chứng ngoài trụ sở không kiểm soát như thời gian vừa qua; những tổ chức hoạt động nghiêm túc thì không cạnh tranh được với tổ chức “công chứng dạo”…
Tuy nhiên, chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát thêm, có thể bổ sung một số trường hợp khác để vừa đảm bảo tính nghiêm túc của loại dịch vụ công này nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng công chứng.
Bên cạnh đó, với trường hợp bị cách ly theo chỉ định của cơ sở y tế, bà đề nghị xem lại tính hợp lý, bởi đã cách ly y tế thì CCV có được quyền tiếp cận hay không?