Ngày 10-8, tại phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tiếp tục cho ý kiến về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Nội dung gây nhiều tranh luận trong quá trình soạn thảo cũng như thảo luận tại QH liên quan đến đề xuất bổ sung biện pháp cưỡng chế: “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”.
Nếu cần thì lấy ý kiến đại biểu Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay quá trình tiếp thu chỉnh lý còn hai loại ý kiến khác nhau. Thứ nhất, đề nghị tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu QH, không bổ sung biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước. Đây cũng là ý kiến của đa số thành viên trong thường trực Ủy ban Pháp luật.
Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức. Nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến người vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến người khác có liên quan...
Những ý kiến khác lại cho rằng việc bổ sung biện pháp này là cần thiết, buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Tuy nhiên, quy định như dự thảo là quá rộng, chưa tương xứng với chế tài bị áp dụng trong một số trường hợp, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Vì vậy, đề nghị quy định rõ chỉ áp dụng biện pháp trên tại địa điểm vi phạm và chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Cạnh đó, cần giới hạn việc áp dụng biện pháp này trong hai lĩnh vực có yêu cầu bức thiết nhất là xây dựng và bảo vệ môi trường.
Thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng thực tế còn một bộ phận chây ỳ trong chấp hành xử phạt VPHC. Nguyên nhân xuất phát từ cả cơ quan chức năng và người chấp hành. “Tôi nghiêng về phương án của Chính phủ và ý kiến thiểu số trong thường trực Ủy ban Pháp luật để có thêm biện pháp răn đe” - ông Thanh nói.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng các lập luận đưa ra, dù đồng ý hay phản đối, đều có tính hợp lý. Tuy nhiên, do còn ý kiến khác nhau, ông Lưu cho biết sẽ trình cả hai phương án để QH tiếp tục thảo luận và nếu cần thiết thì lấy phiếu để đại biểu QH quyết định.
Ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, phát biểu. Ảnh: HOÀNG HẢI
Phạt nặng việc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam?
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu vấn đề quản lý người nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam trái luật. “Phát biểu đây cũng có vẻ hơi lạc đề nhưng không phát biểu thì tâm tư” - ông Giàu nói.
Ông Giàu dẫn số liệu cho thấy bảy tháng đầu năm nay có hơn 16.000 người xâm nhập trái phép vào Việt Nam. “Lúc đầu chỉ nghe ở các tỉnh biên giới, bây giờ thì nghe là đi sâu vào các tỉnh nội địa” - ông Giàu nói. Theo ông, việc TAND tỉnh Quảng Ninh vừa nhanh chóng xét xử sáu người môi giới trái phép cho người nước ngoài vào Việt Nam với mức án nghiêm khắc (thấp nhất hai năm, cao nhất năm năm) là đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, về chế tài hành chính, ông Giàu đề nghị “phải xem lại, có đủ răn đe hay không”. Theo ông, hiện chưa có quy định xử phạt hành chính đối với các khu lưu trú cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép ở và người môi giới cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung. “Nếu biện pháp hành chính quy định đủ rõ, đủ cụ thể thì người trong nước sẽ hiểu và giảm dần việc môi giới hay cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép lưu trú” - ông Giàu nói.
Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật) cho rằng các hành vi vi phạm quy định về xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại… đã được quy định tại Nghị định 167 năm 2013 (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…).
Theo ông Long, với các hành vi tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất nhập cảnh Việt Nam trái phép, mức phạt tiền có thể lên tới 30-40 triệu đồng. Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền cũng chịu mức phạt tương tự. Ngoài mức phạt tiền thì có biện pháp bổ sung là tịch thu tang vật, trục xuất. Ngoài các chế tài hành chính còn chế tài hình sự quy định trong BLHS.
Bộ trưởng Tư pháp cũng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của ông Giàu, rà soát xem có thể bổ sung hình thức xử phạt hành chính không nhưng tinh thần là đã có quy định.
Đáp lại, ông Giàu đề nghị nâng mức phạt tối đa với hành vi vi phạm quy định về xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại từ 30-40 triệu đồng lên 75 triệu đồng. Vấn đề lưu trú và thông báo lưu trú, ông Giàu lưu ý Luật Cư trú hiện nay mới chỉ quy định với người Việt Nam mà chưa quy định với người nước ngoài. “Cái này cực kỳ nguy hiểm” - ông Giàu nói và đề nghị cần nghiên cứu bổ sung.
Không để tình trạng “phạt cho tồn tại” Tại báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ QH về giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Pháp luật đã nêu một số kiến nghị nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật về xử phạt VPHC. Cụ thể, cơ quan thẩm tra dự án luật đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các nghị định quy định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực để quy định mức tiền phạt tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về xử phạt VPHC, áp dụng đồng bộ không chỉ hình thức phạt tiền mà cả các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả, không để xảy ra tình trạng “phạt cho tồn tại”… Báo cáo của Ủy ban Pháp luật cũng nhấn mạnh nguyên tắc: “Mọi hành vi VPHC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”. |