Việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc đổi tội danh từ nhận hối lộ sang tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản như cáo trạng của VKSND tỉnh đã ban hành đối với các bị can là phù hợp.
Người đưa tiền bị lừa dối
Bị can Kim Anh và các đồng phạm bị truy tố về tội như cáo trạng truy tố là có cơ sở. Bởi lẽ việc thanh tra các dự án đầu tư xây dựng do cấp xã của huyện Vĩnh Tường là không thuộc đối tượng thanh tra. Do đó, việc xác định lỗi vi phạm của các đối tượng liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng do cấp xã là không đúng thẩm quyền của đoàn thanh tra.
Các bị can đã thanh tra công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch được duyệt, công tác cấp phép xây dựng, quản lý sau cấp phép và công tác đầu tư xây dựng tại một số dự án trên địa bàn huyện Vĩnh Tường. Các bị can còn thanh tra cả các dự án xây dựng do UBND huyện Vĩnh Tường làm chủ đầu tư và cả các dự án đầu tư xây dựng do UBND cấp xã làm chủ đầu tư. Việc thanh tra các dự án thuộc thẩm quyền đầu tư xây dựng của cấp xã là ngoài phạm vi nội dung quyết định thanh tra của Bộ Xây dựng. Việc này chỉ phát hiện ra khi điều tra vụ án.
Thủ đoạn phạm tội này là đưa ra các lỗi vi phạm để từ đó yêu cầu các đơn vị nhà thầu giám sát, khảo sát thiết kế và tổ chức tư vấn ban quản lý dự án có vi phạm, nộp lại toàn bộ số tiền đã ký hợp đồng giám sát, khảo sát thiết kế…, từ đó buộc những người liên quan đưa tiền theo tỉ lệ hợp đồng.
Theo cáo trạng, sau khi nhận được dự thảo biên bản làm việc kết quả kiểm tra, các chủ đầu tư (UBND các xã, thị trấn) đã thông báo cho các nhà thầu (doanh nghiệp) biết về các lỗi vi phạm và việc kiến nghị, yêu cầu xử lý vi phạm của đoàn thanh tra. Do các doanh nghiệp không hiểu pháp luật và lo sợ bị xử lý sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh nên nhiều nhà thầu đã trực tiếp hoặc thông qua chủ đầu tư đến gặp đoàn thanh tra (chủ yếu gặp bà Kim Anh).
Mục đích của họ là để bổ sung hồ sơ, giải trình về các lỗi vi phạm được nêu ra nhưng không được chấp nhận. Thậm chí các bị can còn đưa ra các lý do để gây khó khăn, dọa nếu không thừa nhận vi phạm sẽ yêu cầu nhà thầu đến trụ sở Thanh tra Bộ Xây dựng để giải trình. Từ đó họ đã đặt vấn đề xin các bị can tạo điều kiện giúp đỡ giảm nhẹ hoặc bỏ qua lỗi vi phạm. Bà Kim Anh và đồng phạm đã đưa ra điều kiện muốn được giảm nhẹ hoặc bỏ qua lỗi vi phạm thì phải đưa tiền cho đoàn thanh tra.
Việc các đối tượng bị liệt kê lỗi vi phạm đưa tiền cho đoàn thanh tra là để xóa các lỗi vi phạm (dù thanh tra không đúng đối tượng) và có tính tự nguyện do bị lừa dối chứ không bị ép buộc. Việc xóa lỗi hay không xóa lỗi vi phạm của đoàn thanh tra do không đúng đối tượng thanh tra nên không có dấu hiệu sử dụng chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ nên không cấu thành tội nhận hối lộ.
Do đó, việc các bị can sử dụng chức vụ, quyền hạn làm cho các đối tượng liên quan đến đầu tư xây dựng cấp xã bị nhầm lẫn đưa tiền để xóa các lỗi vi phạm là hành vi chiếm đoạt tài sản, có dấu hiệu của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác.
Sai lầm về đối tượng thanh tra
Các đối tượng đưa tiền cho đoàn thanh tra là do sai lầm về đối tượng thanh tra. UBND huyện Vĩnh Tường và các UBND xã đều không biết đối tượng thanh tra chỉ là các dự án xây dựng do UBND huyện làm chủ đầu tư mà không bao gồm các dự án do UBND cấp xã làm chủ đầu tư.
Cụ thể, ngày 10-4-2019, đoàn thanh tra do bà Kim Anh làm trưởng đoàn đã triển khai Quyết định thanh tra số 100 tại UBND huyện. Thành phần tham gia theo yêu cầu của đoàn thanh tra có lãnh đạo UBND huyện, chủ tịch và kế toán UBND của 29/29 xã, thị trấn thuộc huyện.
Sau khi triển khai quyết định, bà Kim Anh đã họp đoàn và phân công nhiệm vụ cho các thành viên thanh tra các công trình đầu tư xây dựng cả cấp huyện và xã làm chủ đầu tư. Thực hiện yêu cầu của đoàn thanh tra, UBND huyện, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện; UBND các xã, thị trấn đã thông báo cho các nhà thầu liên quan đến các dự án công trình bị kiểm tra phối hợp thực hiện.
Khả năng khác liên quan đến hơn 2 tỉ đồng Phần lớn trong số tiền hơn 2 tỉ đồng mà các bị can đã nhận không chứng minh được người đưa. Tuy nhiên, nếu sau này chứng minh được một số người đưa liên quan đến dự án đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền của huyện Vĩnh Tường thì người nhận tiền sẽ bị xử lý về tội nhận hối lộ. Bởi lúc này, việc nhận tiền để xóa lỗi vi phạm thuộc thẩm quyền của các bị cáo theo quyết định thanh tra. Số tiền không chứng minh được người đưa nếu bị can thừa nhận là nhận tiền từ việc thanh tra thì vẫn tịch thu sung công. |
Các lỗi vi phạm của các nhà thầu của dự án đầu tư cấp xã là có thật. Chẳng hạn, đối với việc lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát thiết kế, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng bằng hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, không có hồ sơ yêu cầu của chủ đầu tư, hồ sơ đề xuất của công ty tham gia chỉ định thầu...
Đối với tổ chức tư vấn ban quản lý dự án có lỗi vi phạm như lựa chọn nhà thầu bằng hình thức chỉ định thầu nhưng không có hồ sơ yêu cầu của chủ đầu tư, hồ sơ đề xuất của đơn vị được chỉ thầu. Tại thời điểm ký hợp đồng, công ty tư vấn xây dựng ban quản lý dự án không có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng…
Tuy nhiên, những nội dung vi phạm trên của các đơn vị liên quan, nhiệm vụ của đoàn thanh tra là chỉ được phép lập biên bản kiểm tra, xác minh, ghi nhận các nội dung vi phạm. Trong biên bản không có nội dung kiến nghị hoặc biện pháp xử lý vi phạm (theo khoản 2 Điều 24 Thông tư số 05 ngày 16-10-2014 của Thanh tra Chính phủ). Việc xử lý vi phạm không thuộc thẩm quyền của đoàn thanh tra.
Bà Kim Anh đã tự ý đưa thêm nội dung vào dự thảo biên bản làm việc yêu cầu các đơn vị có vi phạm nộp lại toàn bộ số tiền đã ký hợp đồng giám sát, khảo sát thiết kế, tiền chi phí ban quản lý dự án là không thuộc thẩm quyền của đoàn thanh tra. Như vậy, các đối tượng đưa tiền cho đoàn thanh tra là do có sự sai lầm về đối tượng bị thanh tra.
Người đưa tiền có dấu hiệu đưa hối lộ nhưng… Các đối tượng bị liệt kê lỗi vi phạm đưa tiền cho đoàn thanh tra để xóa các lỗi vi phạm là đã có hành vi nhằm xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước nhưng thực tế không xâm phạm được. Về lý luận, trong khoa học luật hình sự gọi trường hợp này là trường hợp sai lầm về khách thể. Do đó, những người đưa tiền cho đoàn thanh tra để xóa các lỗi vi phạm đầu tư đều có dấu hiệu của tội đưa hối lộ theo Điều 364 BLHS 2015. Việc xác định những người đưa tiền có dấu hiệu của tội đưa hối lộ có hai ý nghĩa. Thứ nhất, phân hóa trong việc xử lý những người đưa hối lộ bởi vì có trường hợp không có tội dù có hành vi đưa hối lộ. Cụ thể, theo khoản 7 Điều 364 BLHS 2015 thì người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Thứ hai, số tiền mà những người đưa tiền cho đoàn thanh tra để xóa các lỗi vi phạm đầu tư mới có thể bị tịch thu sung vào công quỹ nhà nước. Nếu chỉ truy tố các bị can tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thì những người đưa tiền trở thành bị hại. Lúc này không thể tịch thu số tiền như cáo trạng đề nghị mà phải trả cho họ. Thực tế đã có người đòi lại tiền và điều này là không hợp lý, không đúng với bản chất của vụ án. Bởi mục đích đưa tiền là nhằm xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước dù bị sai lầm. |