Như Pháp Luật TP.HCM đã phản án, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ra cáo trạng truy tố bà Nguyễn Thị Kim Anh, cựu thanh tra Bộ Xây dựng, cùng đồng phạm về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Ban đầu, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố các bị can về tội nhận hối lộ (có mức hình phạt cao nhất đến tử hình) nhưng sau đó chuyển sang tội như cáo trạng truy tố (khung hình phạt cao nhất tù chung thân).
Cáo trạng đồng tình với việc thay đổi tội danh của cơ quan điều tra, trong khi dư luận lại có quan điểm trái chiều. Chúng tôi giới thiệu ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Dũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, về vấn đề này.
Việc đưa tiền là do bị ép buộc
Tôi cho rằng đến thời điểm này, việc thay đổi tội danh đối với bà Anh và đồng phạm là có căn cứ. Bởi theo Văn bản số 534 ngày 20-8-2019 của Thanh tra Bộ Xây dựng và Quyết định số 1369 ngày 24-10-2018 của Bộ Xây dựng thì đối tượng thanh tra chỉ có UBND huyện Vĩnh Tường và các dự án do UBND huyện làm chủ đầu tư. Tức là UBND cấp xã thuộc huyện Vĩnh Tường không thuộc đối tượng thanh tra.
Xuất phát từ động cơ vụ lợi, sau khi được giao làm trưởng đoàn thanh tra huyện, bà Anh đã tự ý gọi điện thoại cho cán bộ Phòng hạ tầng - kinh tế huyện. Bà yêu cầu tổng hợp, báo cáo về tất cả dự án công trình xây dựng do UBND 29 xã, thị trấn làm chủ đầu tư từ năm 2013 đến 2018.
Bà Anh quản lý danh sách được báo cáo trên máy tính cá nhân và chỉnh sửa quyết định thanh tra có nội dung chung chung, không xác định rõ đối tượng thanh tra. Theo đó, đối tượng chỉ thể hiện là thanh tra một số dự án trên địa bàn huyện nhằm hợp pháp hóa cho việc thanh tra vượt quyền hạn được giao. Do sơ suất nên chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã ký quyết định thanh tra và kế hoạch thanh tra do bà Anh trình lên.
Với ý đồ đã được tính toán từ trước, bà Anh cùng đồng phạm đã yêu cầu UBND 29 xã, thị trấn báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu về các dự án do UBND cấp xã làm chủ đầu tư.
Sau khi nghiên cứu thông tin, tài liệu các dự án do UBND cấp xã cung cấp, bà Anh cùng đồng phạm đã dự thảo biên bản làm việc, kiểm tra theo hướng bất lợi cho các doanh nghiệp là chủ thầu hoặc tư vấn, thiết kế. Biên bản vạch ra nhiều vi phạm, kiến nghị xử lý hoặc thu hồi số tiền đã thanh toán, thông báo đến các doanh nghiệp thông qua kế toán UBND cấp xã.
Khi đại diện UBND cấp xã hoặc doanh nghiệp xin được giải trình, bổ sung hồ sơ thì các bị can không chấp nhận và yêu cầu phải chi tiền theo tỉ lệ % của số tiền đã thanh toán. Do lo sợ bị xử lý nên các doanh nghiệp phải chi tiền cho bà Anh và đồng phạm. Việc đưa tiền này không phải do tự nguyện, không phải do chủ động mà do các bị can ép buộc. Vì sự bức xúc nên đã có người tố cáo và bà Anh đã bị bắt quả tang khi đang nhận tiền.
Bị can Nguyễn Thị Kim Anh. Ảnh: http://vinhtuong.vinhphuc.gov.vn
Đổi tội là có căn cứ
Theo Luật Thanh tra và văn bản hướng dẫn, quá trình thanh tra nếu cần thiết đoàn thanh tra có quyền mời cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự buổi công bố quyết định thanh tra (Điều 22 Nghị định số 86/2011).
Theo Điều 23 nghị định này, đoàn có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung thanh tra. Nếu cần thiết thì trưởng đoàn thanh tra có quyền mời đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến làm việc, lập biên bản kiểm tra, xác minh (Điều 24 Nghị định 86/2011).
Để tòa án đánh giá, quyết định Căn cứ truy tố các bị can về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn đã được nêu rõ trong cáo trạng. Hồ sơ vụ án cũng đã chuyển sang tòa án, do vậy việc đánh giá, quyết định ra sao sẽ thuộc thẩm quyền của tòa án. Về mặt nhận thức pháp luật, mỗi người có thể có quan điểm khác nhau. Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc LÊ TẤT HIẾU Đổi tội danh là điều bình thường Lạm dụng chức vụ, quyền hạn là thực hiện công việc quá phạm vi, thẩm quyền của mình với mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Các bị can đã làm một việc mà họ không được làm, tức là thuộc yếu tố lạm dụng. Việc cơ quan tố tụng thay đổi tội danh đối với các bị can là bình thường. Biểu hiện ban đầu của hành vi là nhận hối lộ nhưng quá trình điều tra có đủ chứng cứ khẳng định tội danh khác thì cơ quan điều tra có quyền thay đổi quyết định khởi tố ban đầu. Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng TUYẾN PHAN ghi |
Cũng theo nghị định này, quá trình thanh tra, nếu phát hiện hành vi đang hoặc sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì trưởng đoàn thanh tra có quyền đình chỉ thanh tra. Nếu cần tạm giữ giấy phép thì trưởng đoàn thanh tra kiến nghị chánh thanh tra thực hiện. Nếu cần thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, bị sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát thì kiến nghị chánh thanh tra thu hồi…
Như vậy, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra UBND huyện, đoàn thanh tra chỉ được phép mời cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (trong vụ này là UBND cấp xã, doanh nghiệp thầu thi công, tư vấn…) dự buổi công bố kết quả thanh tra. Nếu cần kiểm tra, xác minh những thông tin, tài liệu hoặc làm rõ những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra thì trưởng đoàn có quyền mời họ đến làm việc, lập biên bản kiểm tra, xác minh hoặc yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu.
Tuy nhiên, bà Anh và đồng phạm đã lợi dụng chức vụ thực hiện nhiều hành vi vượt quá phạm vi quyền hạn được giao để làm việc với UBND cấp xã. Trong quá trình lạm dụng chức vụ, quyền hạn đối với UBND cấp xã, các bị can đã đe dọa, ép buộc các doanh nghiệp, thông qua xã đưa tiền để chiếm đoạt. Do đó, hành vi của bà Anh và đồng phạm phù hợp với cấu thành tội phạm lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản hơn là tội nhận hối lộ.
Việc ban đầu các bị can bị khởi tố tội nhận hối lộ, sau đó đổi thành tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là bình thường. Bởi lẽ theo nguyên tắc tố tụng thì chứng cứ được thu thập tới mức nào, cho phép đánh giá bản chất sự việc tới đâu thì xử lý phù hợp.
Ban đầu cơ quan điều tra chỉ thu thập được chứng cứ nhận tiền thông qua hoạt động thanh tra nên cho rằng hành vi này phạm tội nhận hối lộ, nhận tiền trong phạm vi chức vụ, quyền hạn của đoàn thanh tra được giao.
Tuy nhiên, sau khi thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ thì nhận thấy việc nhận tiền trong trường hợp này là từ hành vi vượt quá phạm vi, quyền hạn thanh tra, có hành vi cưỡng ép doanh nghiệp đưa tiền nên xác định lại tội danh đúng. Trong thực tế cũng có trường hợp lúc đầu khởi tố tội danh nhẹ hơn, sau đó đổi thành tội danh nặng hơn cũng là xuất phát từ kết quả thu thập chứng cứ của từng giai đoạn điều tra.
Lập luận của VKS trong cáo trạng Cáo trạng nêu bà Anh là trưởng đoàn thanh tra, dù biết rõ đối tượng thanh tra là UBND huyện Vĩnh Tường, không được thanh tra các dự án công trình do UBND cấp xã làm chủ đầu tư nhưng bị can đã tổ chức kiểm tra hơn 160 dự án xây dựng, trong đó rất nhiều dự án vượt ra ngoài phạm vi thanh tra với mục đích các đơn vị phải nộp tiền để được giảm nhẹ vi phạm. Các bị can đã sử dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình như một phương tiện ép buộc để chiếm đoạt tài sản của nhiều tổ chức, cá nhân. Số tiền 2,1 tỉ đồng mà các bị can chiếm đoạt đều liên quan đến việc kiểm tra các dự án không đúng đối tượng thanh tra, không có đơn vị nào đưa tiền liên quan đến các dự án do UBND huyện Vĩnh Tường làm chủ đầu tư. Cơ quan công tố cho rằng bà Anh cùng đồng phạm đã sử dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình như một phương tiện ép buộc để chiếm đoạt tài sản của nhiều tổ chức, cá nhân với số tiền đặc biệt lớn. Từ những căn cứ này, VKS truy tố các bị can về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. |